Hàn Quốc: Khi tội phạm “tóc bạc” ngày một gia tăng

26/01/2019 16:16 PM | Xã hội

Chính thức trở thành một “xã hội già” vào năm 2017, Hàn Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối: tội phạm cao tuổi gia tăng mạnh.

Theo thống kê từ cảnh sát và chính phủ Hàn Quốc, số lượng tội phạm người cao tuổi - những công dân có tuổi đời từ 65 trở lên - đã tăng đến 45% trong 5 năm qua. Theo tờ Korea Herald, đây không phải là một hiện tượng mới, bởi số lượng tội phạm "tóc bạc" đã và đang gia tăng mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua

Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2017, số người cao tuổi phạm tội đã tăng từ 77.260 lên 112.360 người. Trong khi đó, cũng thời gian này, tỷ lệ tội phạm nói chung tại Hàn Quốc lại giảm từ khoảng 1.850.000 xuống còn 1.660.000 người.

Đáng chú ý, con số thống kê gần nhất cho thấy, các loại hình tội ác nghiêm trọng do người cao tuổi gây ra như giết người, hãm hiếp và cướp giật tăng đến 70%, từ 1.062 vụ trong năm 2013 lên 1.808 vào năm 2018. Đồng thời, số vụ hành hung cũng tăng đến 43%.

Dễ thấy, số lượng tội phạm "tóc bạc" tại xứ sở kim chi đang tỷ lệ thuận với sự gia tăng tuổi thọ của dân số. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra một số nguyên nhân khác, góp phần thúc đẩy làn sóng người già phạm tội, gồm quá trình già hóa dân số, nghèo khổ gia tăng, bị xã hội cô lập, và các vấn đề có liên quan đến sức khỏe tinh thần.

Cô độc, nghèo khổ và trầm cảm

Cụ thể, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần một nửa người già Hàn Quốc (48,6%) sống trong tình trạng tương đối nghèo khó - tỷ lệ cao nhất trong số 34 nước thành viên OECD. Tỷ lệ người cao tuổi tự tử tăng từ 35/100.000 người vào năm 2000 lên 82 trường hợp vào năm 2010; trong khi con số này ở các nước thành viên OECD đạt trung bình là 22.

Một nghiên cứu từ trường Đại học Sungkyunkwan cũng cho biết, riêng năm 2018 vừa qua, khoảng 25% người già Hàn Quốc phải ăn cơm một mình trong tất cả các bữa. Còn theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, hơn 80% người già xứ sở kim chi chỉ biết xem truyền hình trong thời gian rảnh, 21% từng bị trầm cảm, và tính đến năm 2016, có 1,02 trên tổng số 5,42 triệu người già chịu cảnh sống neo đơn.

Lee Sue-jung - giáo sư tâm lý học tội phạm thuộc trường Đại học Kyonggi - cho biết: "Hành vi phạm tội gắn liền với việc bị cô lập, bất kể độ tuổi của người gây ra hành động đó. Nhiều học giả tin rằng, mối quan hệ xã hội và cộng đồng là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong giây phút ai đó sắp sửa phạm tội. Những người có gia đình, có việc làm hay đang đi học sẽ dễ tự kiểm soát bản thân hơn khi những khoảnh khắc ấy diễn ra. Những người bị cô lập hoàn toàn - người cảm thấy không còn gì để mất, cảm thấy tội ác mình gây ra cũng chẳng ảnh hưởng đến ai - sẽ mất kiểm soát và phạm tội".

Đồng ý với quan điểm trên, giáo sư Han Dong-hyo của trường Đại học Quốc tế Hàn Quốc cho biết, những người cao tuổi không nghề nghiệp, không giao tiếp xã hội sẽ có xác suất phạm tội cao hơn những người vẫn còn đi làm và thường xuyên giao thiệp với người khác. "Một trong những cách ứng phó tình trạng người già phạm tội là tạo công ăn việc làm cho họ. Nó không những giải quyết trình trạng sống cô lập, vốn gắn liền với chứng trầm cảm, mà còn giúp giải quyết cái nghèo", giáo sư Han nói.

Xã hội già và "siêu già"

Năm 2017, Hàn Quốc đã chính thức trở thành một "xã hội già". Được biết, tốc độ đi đến cột mốc này của Hàn Quốc nhanh hơn so với mọi quốc gia phát triển khác. Dự báo, đến năm 2026, Hàn Quốc sẽ trở thành một "xã hội siêu già". Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, một xã hội được gọi là "già" khi hơn 14% dân số có độ tuổi từ 65 trở lên, và đạt chuẩn "siêu già" khi con số này hơn 21%.

Nhật Bản, với tỷ lệ là 27%, từ lâu đã vượt qua tiêu chuẩn này, và đang vật lộn với vô vàn khó khăn trong việc chăm sóc số công dân cao tuổi khổng lồ của nó. Bên cạnh áp lực lên nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe, thách thức không thể không nhắc đến là tỷ lệ người cao tuổi phạm tội tăng gấp 4 lần trong vài thập kỷ qua.

Tại các nhà tù ở Nhật, cứ mỗi 5 phạm nhân thì có 1 là người cao tuổi. Một nửa trong số những người cao tuổi bị bắt khi đang ăn cắp vặt tại cửa hàng chịu cảnh sống neo đơn, và 40% trong số họ không có gia đình, hoặc nếu có thì rất ít khi được trò chuyện. Thậm chí, nhiều trường hợp cá biệt còn cố tình phạm tội lặt vặt để được đi tù.

Trong bối cảnh người cao tuổi sống neo đơn, nghèo đói, với nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, có lẽ, làn sóng tội phạm gia tăng đã không còn đáng ngạc nhiên như thời điểm nó xuất hiện; và nó chắc chắn sẽ trở thành một vấn đề đáng bận tâm tại các xã hội già trên thế giới.

Theo Lê Duy

Cùng chuyên mục
XEM