Hàn Quốc - Hiện tượng đáng kinh ngạc của giới đầu tư Việt Nam

14/05/2016 10:51 AM | Kinh tế vĩ mô

Sau hơn 25 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba và đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hàn Quốc đang trở thành hiện tượng đối với giới đầu tư trong nước.

Sự kiện mới nhất đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của các nhà đầu tư xứ sở Kim chi vào Việt Nam là việc khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy LG Display tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải hôm 6/5 vừa qua.

Với hơn 1,5 tỷ USD vốn đăng kí đầu tư, dự án LG Dislay là dự án tỷ đô đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư trong năm nay, giúp Hải Phòng trở thành địa phương thu hút FDI lớn nhất nước tính đến thời điểm hiện tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ khởi công dự án Tổ hợp nhà máy LG Display Việt Nam hôm 6/5/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ khởi công dự án Tổ hợp nhà máy LG Display Việt Nam hôm 6/5/2016.

Với dự án này, LG cũng đã nâng gấp đôi số vốn đầu tư vào Việt Nam lên con số 3 tỷ USD.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, 4 tháng đầu năm nay, vốn đăng kí mới của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã lên đến 2,48 tỷ USD với 214 dự án (riêng dự án LG Display là 1,5 tỷ USD), chiếm gần một nửa tổng số vốn đăng kí của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Sau hơn 25 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba và đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hàn Quốc là nước có lượng du khách đến Việt Nam lớn thứ hai, sau Trung Quốc.

Đây cũng là một trong những đối tác cung cấp lớn nhất ODA cho Việt Nam (khoảng 21 tỷ USD).

Kể từ tháng 11/2014, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lũy kế đến cuối tháng 4/2016, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 48 tỷ USD, vượt qua đối tác FDI lớn thứ 2 là Nhật Bản tới hơn 9 tỷ USD. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung (đầu tư qua công ty con ở VN) và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ...), thì tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam chắc chắn đã vượt qua con số 50 tỷ USD, chiếm khoảng 1/5 tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Nhắc đến các nhà đầu tư Hàn Quốc, mà không nhắc đến Samsung là một thiếu sót lớn.

Samsung vào Việt Nam từ năm 1996 và hiện tại Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất chính của tập đoàn này. Các dự án của Samsung trong mấy năm trở lại đây thường trở thành dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn nhất của năm.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự khởi công dự án Nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự khởi công dự án Nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Theo Phó TGĐ Công ty Điện tử Samsung trả lời báo chí mới đây, thì Việt Nam hiện đã trở thành đại bản doanh sản xuất smartphone của thế giới.

Rõ ràng, vị trí đó không nói cũng hiểu là nhờ đóng góp của Samsung.

Nhân sự của tập đoàn này tại Việt Nam chiếm tới 86,6% tổng số nhân viên Samsung trên toàn cầu.

Tổng số vốn đã đầu tư vào Việt Nam sau 20 năm đã lên đến gần 15 tỷ USD. Ngoài mảng điện tử truyền thống, Samsung cho biết tới đây tập đoàn sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực đầu tư khác tại Việt Nam.

Ngoài Samsung và LG, một tên tuổi rất quen thuộc với người Việt là Lotte.

Lotte vào Việt Nam muộn hơn Samsung một chút, đến nay đã được 15 năm. Tập đoàn này hiện diện trên nhiều lĩnh vực từ rạp chiếu phim, F&B, siêu thị hay trung tâm thương mại như Lotte Cinema, Lotteria, Lotte Mart, Lotte Center…

Riêng tổ hợp trung tâm thương mại Lotte Center Hà Nội trị giá 500 triệu USD vào năm 2014 cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí vào dư luận thời điểm đó.

Khu phức hợp kinh doanh - giải trí Eco Smart City quy mô 100.000 m2 của Lotte sẽ được xây dựng ở Thủ Thiêm, TPHCM.
Khu phức hợp kinh doanh - giải trí Eco Smart City quy mô 100.000 m2 của Lotte sẽ được xây dựng ở Thủ Thiêm, TPHCM.

Dự án lớn nhất của Lotte phải kể đến là Khu phức hợp kinh doanh - giải trí Eco Smart City quy mô 100.000 m2, vốn đầu tư 1,9 tỷ USD tại Khu chức năng số 2 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) do Công ty Lotte Asset Development (Lotte Group) bắt tay với một số nhà đầu tư Nhật Bản. Trong cuộc gặp gỡ với bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, đại diện tập đoàn này còn hứa hẹn sẽ đuổi kịp Samsung về vốn đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm tới.

Ngoài ra, còn có hàng loạt các tên tuổi khác đang hiện diện tại Việt Nam như CJ, Shinsegae, Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco…

Khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô dưới 500 người và doanh thu dưới 150 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, các dự án này chủ yếu là các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giày, dép ...

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các Tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử... Các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng như Samsung, Doosan, LG, Posco, CJ, Taekwang, Hyosung, Kumho ...

Vì sao các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng đầu tư vào Việt Nam đến vậy? Mời các bạn đón xem phần sau.

(Còn tiếp)

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM