Ham ăn lãi gấp 3 lần tiết kiệm, gặp 1 cú sốc ôm hận trăm tỷ

11/12/2019 21:12 PM | Kinh doanh

Cam kết lợi nhuận lên tới 15% đã khiến cho không ít nhà đầu tư bỏ qua rủi ro rót hàng trăm tỷ đồng vào condotel. Không ít trong số họ “ngậm trái đắng” cho khoản đầu tư vốn tưởng chừng như rất “hời” của mình.

Bẫy cam kết lợi nhuận

Condotel là mô hình đầu tư khá mới mẻ tại Việt Nam. Để thu hút nhà đầu tư, các doanh nghiệp tung ra những cam kết lợi nhuận khủng. Hầu hết các dự án nghỉ dưỡng đều được chào hàng với mức cam kết chia sẻ lợi nhuận cho thuê rất hấp dẫn, từ 8-12% giá trị căn hộ trong 5-10 năm, thậm chí có dự án cam kết tới mức 14-15%. Sau thời gian đó, chủ căn hộ và chủ đầu tư dự án chia tỷ lệ lợi nhuận 80-20 từ việc khai thác dự án.

So với lãi suất ngân hàng thì con số 12% chính là “miếng bánh ngon” khiến nhiều nhà đầu tư quyết định lựa chọn xuống tiền cho condotel chứ không phải bất kỳ sản phẩm bất động sản nào khác. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, lợi nhuận cao thường đi kèm rủi ro lớn.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cam kết lợi nhuận khủng kèm theo cam kết pháp lý hoàn chỉnh giúp cho chủ đầu tư thuyết phục người mua đồng ý xuống tiền. Cách làm này hỗ trợ doanh nghiệp đạt tiêu chí ba nhanh: bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh.

 Ham ăn lãi gấp 3 lần tiết kiệm, gặp 1 cú sốc ôm hận trăm tỷ  - Ảnh 1.

Đầu tư 600 tỷ vào condotel, đại gia sốc nặng

Các khách hàng mua condotel vì bánh vẽ lợi nhuận hấp dẫn, chủ đầu tư có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế một phần vốn vay tín dụng và việc huy động tiền từ khách hàng dễ dàng hơn.

Một khi khách hàng đồng ý với điều khoản cam kết lợi nhuận (thường là có điều kiện đi kèm như giao chủ đầu tư quyền quản lý condotel), chủ đầu tư nắm trong tay quyền kinh doanh căn hộ condotel đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp.

Việc bán hàng nhanh, huy động vốn nhanh có lợi hơn rất nhiều so với đi vay ngân hàng, mặc dù phải trả lợi nhuận cao cho nhà đầu tư thứ cấp. Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp bất động sản khi phát triển dự án thường không có đủ nguồn vốn 100% để thực hiện.

Doanh nghiệp thường chỉ có 30-35% vốn tự có, chủ yếu đã nằm trong quỹ đất và một phần thủ tục pháp lý ban đầu, trong khi 65% dòng tiền còn lại phụ thuộc vào việc đi vay các tổ chức tín dụng và huy động từ khách hàng. Khi áp dụng chiến thuật bán hàng này doanh nghiệp được nhà đầu tư thứ cấp cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh về sau.

Tháng 8/2019, dự án condotel Bavico Nha Trang “vỡ trận”, không thực hiện được cam kết trả lợi nhuận 15%/năm và mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng đã thông báo không tiếp tục thực hiện chi trả lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng đã mua căn hộ du lịch (condotel).

Đây là một “cú sốc” nặng và cũng gây thiệt hại rất lớn trực tiếp đối với các “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp” tại các dự án condotel Bavico Nha Trang và Cocobay Đà Nẵng, cũng là “hồi chuông cảnh báo” đối với các chủ đầu tư, “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp” tại các dự án condotel khác và đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, condotel phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp”.

Bao nhiêu mới hợp lý?

Trước sự việc trên, mới đây tại Họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 2/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã nhấn mạnh: “Condotel với mức lợi nhuận 12%, gần gấp 3 lần lãi suất tiết kiệm là phi lý”.

Đánh giá về con số lợi nhuận Cocobay đưa ra, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng. “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó”.

 Ham ăn lãi gấp 3 lần tiết kiệm, gặp 1 cú sốc ôm hận trăm tỷ  - Ảnh 2.

Condotel cam kết lợi nhuận trên 10% là bất thường


Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, cho rằng, cho rằng, mức cam kết lợi nhuận 4-6% là mức hợp lý để đảm bảo lợi nhuận cho thuê ổn định, trong trường hợp này người mua vẫn được sử dụng một số ngày nghỉ miễn phí và có cơ hội tiềm năng đạt được lợi nhuận thoái vốn trong trung đến dài hạn, đặc biệt đối với sản phẩm ven biển.

Tương tự, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes Trần Thị Mỹ Lộc cho rằng, cam kết lợi nhuận không có lỗi mà vấn đề chủ đầu tư cam kết ở mức nào. Nếu chủ đầu tư condotel thuê đơn vị vận hành, mức cam kết ở mức 4-6%/năm hợp lý còn chủ đầu tư tự vận hành mới có thể đạt mức tới 10%/năm. Bà Lộc chia sẻ, cam kết lợi nhuận của condotel nhằm tháo gỡ tâm lý cho khách hàng trong thời gian ngắn.

Theo bà Lộc, condotel vẫn là kênh đầu tư an toàn hiệu quả, phù hợp xu thế chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở trình độ thị trường mới phát triển như Việt Nam, nhà đầu tư thứ cấp cần cẩn trọng, chọn chủ đầu tư có uy tín, năng lực.

“Câu chuyện đầu tư condotel không giống như nhiều loại hình bất động sản khác có thể lướt sóng. Nếu nhà đầu tư vay ngân hàng để mua sẽ không phải là món đầu tư thích hợp”, bà Lộc cho biết.

Trước những vấn đề của condotel, HOREA đề nghị Bộ Xây dựng có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm công bố đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn. Yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel phải công bố các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận theo hợp đồng mua bán căn hộ condotel, đồng thời công bố minh bạch các chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý trong quá trình kinh doanh, các quyền lợi mà “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp” được hưởng.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần phải thống nhất với “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp” về việc khai thác, kinh doanh căn hộ condotel sau khi đã hết thời hạn cam kết (sau 8-12 năm) để nhà đầu tư thứ cấp yên tâm đầu tư.

Theo D.Anh

Cùng chuyên mục
XEM