Hakpok #Metoo - phong trào vạch trần bạo lực học đường tại Hàn Quốc

30/05/2023 14:30 PM | Sống

Tình trạng bạo lực học đường tại Hàn Quốc diễn ra phổ biến, bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn, trong khi đó là nơi trẻ có dành tới 16 tiếng mỗi ngày.

Thời gian qua, bộ phim truyền hình Hàn Quốc về đề tài bắt nạt học đường Glory đã làm khuynh đảo dư luận, với câu chuyện quen thuộc mà không ít học sinh nước này đã từng gặp phải hay chứng kiến. Sức lan tỏa của bộ phim đã tiếp sức mạnh cho sự ra đời của Hakpok #Metoo - phong trào vạch trần bạo lực học đường Hàn Quốc. Rất nhiều tiếng nói cất lên, không chỉ là lời tố cáo, mà còn mang theo hy vọng chấm dứt vấn nạn nhức nhối này.

Đã 26 tuổi, nhưng chị Pyo Ye-rim, một thợ làm tóc tại Busan, Hàn Quốc vẫn nhớ như in những năm tháng tiểu học của mình. Chỉ có điều, đó không phải những kỷ niệm êm đẹp. Điều đọng lại trong ký ức chị Pyo Ye-rim là những lần bị bạn giấu kim vào giày, dúi đầu xuống bồn cầu và bị đá vào bụng. Giờ đây, chị đã quyết định lên tiếng.

Chị Pyo Ye-rim - Nạn nhân bị bắt nạt học đường nói: "Khi tôi nói với giáo viên về vụ bắt nạt, câu trả lời mà tôi nhận được là: Nhưng em có làm sai với các bạn không? Sao em không chơi với các bạn mà cứ ru rú một mình thế. Cố thân thiện hơn một chút đi".

Hakpok #Metoo - phong trào vạch trần bạo lực học đường tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Chị Pyo Ye-rim chỉ là một trong số nhiều nạn nhân bạo lực học đường tại Hàn Quốc hưởng ứng phòng trào Hakpok #Metoo - những người sau nhiều năm im lặng đã quyết định lên tiếng vạch trần tình trạng bạo lực học đường.

Giới chuyên gia cho biết, tình trạng bắt nạt học đường tại Hàn Quốc diễn ra phổ biến, bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn, trong khi đó là nơi trẻ có dành tới 16 tiếng mỗi ngày. Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi bắt nạt thường không bị xử phạt ngay trong trường và thời hạn hiệu lực đối với những tội ác như vậy khiến nạn nhân khó đưa ra các cáo buộc nhiều năm sau đó. Một chuyên gia còn cho rằng, đây là đại dịch tại các trường học Hàn Quốc, một chấn thương tập thể mà quốc gia này cần phải xử lý.

Bà Noh Yoon-ho - Luật sư chuyên điều tra các vụ bắt nạt học đường nói: "Bất kỳ người Hàn Quốc nào từng đi học đều ít nhất 1 lần là nạn nhân, hoặc chứng kiến những học sinh khác bị bắt nạt mà không được giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều có những kỷ niệm đáng buồn như thế này".

Mặc dù những kẻ bắt nạt sau đó phải chịu hình phạt như bị công chúng lên án, bị ảnh hưởng tới công việc, song nhiều người cho rằng những hình phạt đó chưa đủ công bằng đối với nạn nhân. Theo các chuyên gia, vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều nếu có sự phối hợp của các nhà trường để đảm bảo ngăn chặn và xử phạt kịp thời hành vi bắt nạt ngay khi xảy ra sự việc.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM