Hai nhà khoa học gọi vốn thành công 17 tỷ đồng trên Shark Tank: Bị 4 cá mập dùng chiêu 'quay' đến mức không gật đầu không được

20/08/2018 14:12 PM | Kinh doanh

Trong một hồi mà các cá mập tung ra tận 4 tuyệt chiêu đàm phán, 2 nhà khoa học không đồng ý mới lạ.

Series "Cá mập thứ 6" là chuỗi bài viết phân tích từng case cụ thể trong Shark Tank, dưới góc nhìn của một "Shark thứ 6" - một cá mập giả tưởng, để khán giả hiểu rõ những phân tích đầu tư, lý do quyết định của các Shark. Từ những phân tích kinh doanh, mỗi CEO, doanh nghiệp sẽ rút ra được bài học riêng cho bản thân.


CEO: Xin chào các Shark, tôi đến kêu gọi 17 tỷ đồng cho 10% cổ phần của công ty.

Shark X tính nhẩm: Vậy giá trị của công ty anh sẽ là 170 tỷ đồng (17/10*100=170). Anh có thể giới thiệu thêm về công ty mình không?

CEO: Công ty sử dụng plasma trong việc phục hồi trong y tế. Công nghệ đã được cấp bản quyền tại Việt Nam. Giá trị của máy là 700 triệu đồng. Công ty đã cho các viện dùng thử 70 máy và có 30 máy trong kho để bán. Đặc biệt, máy có nguyên vật liệu tiêu hao. Nguyên vật liệu tiêu tốn với các bệnh viện sẽ là 100 triệu đồng/tháng. Tỉ suất lợi nhuận của chúng em là 50%.

Shark X tính toán: Coi như bán máy với giá thành sản xuất, không có lãi. Doanh thu của công ty từ bán nguyên liệu tiêu hao là 1,2 tỷ đồng/máy/năm (100 triệu đồng*12 tháng=1,2 tỷ đồng). Với mức lợi nhuận 50% thì công ty sẽ có lợi nhuận 600 triệu đồng/máy/năm (1,2 tỷ đồng*50%). 

Giả định công ty bán được 20 máy thì lợi nhuận sẽ là 12 tỷ đồng/năm (600 triệu đồng*20). Nếu Shark có 20% cổ phần thì cổ tức là sẽ là 2,4 tỷ đồng/năm (12 tỷ đồng*20%). Đầu tư 17 tỷ đồng thì cần phải hơn 7 năm mới có thể hoàn vốn (17 tỷ đồng/2,4 tỷ đồng). Mức đầu tư này không hấp dẫn. Để anh đầu tư thì anh cần một sự tăng trưởng công ty mạnh mẽ và số vốn anh sẽ giải ngân theo từng đợt để giảm số vốn đầu tư ban đầu.

Shark Phú đề nghị: Anh đề nghị 17 tỷ đồng cho 30% dưới dạng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất vay 10%/năm.

Shark X nghĩ: Anh Phú khá chắc chắn khi dùng trái phiếu chuyển đổi vì ban đầu đây sẽ là khoản vay của công ty. Công ty sẽ phải trả lãi 10%/năm thì gần như bằng với ngân hàng. Nếu công ty không phát triển như kế hoạch thì vẫn có thể thu hồi lại được vốn đầu tư.

Shark Hưng và Shark Việt đề nghị: 17 tỷ đồng cho 20%, giải ngân theo giai đoạn với KPI. Anh có thể giữ 12% quyền biểu quyết nhưng phải 20% cổ tức.

Shark X nghĩ: Anh Hưng tung chiêu thức đám phán quá hay. Việc 12% hay 20% quyền biểu quyết không có quá nhiều ý nghĩa vì nó không phải 36%-quyền phủ quyết hay 51% - quyền quyết định. Anh dùng chiêu "Dương Đông kích Tây", nhượng bộ đối thủ một phần không quan trọng (quyền biểu quyết) để lấy miếng bánh cổ tức 20% (tiền). Chỉ cần CEO giữ 51% chịu nghe lời và phối hợp với anh thì anh vẫn kiểm soát tương đối chiến lược phát triển của công ty. Công nghệ Plasma còn nhiều ứng dụng nên việc tăng trưởng nhanh hoàn toàn khả thi với chiến lược đúng đắn. Việc thu hồi vốn có thể rút từ 7 năm xuống khoảng 5 năm hoặc thấp hơn, trong mức chấp nhận được.

Shark Linh: Chị không đầu tư. Nhưng em hãy suy nghĩ theo hướng khác là nếu không có Shark thì công ty của em phát triển tốt được hay không. Nó có đáng 8% mà em đang mặc cả hay không?

Shark Việt: Các em chỉ có bản quyền ở Việt Nam. Bản quyền này là sẽ được các nước có công ước Berne công nhận. Tuy nhiên, đó không phải là quyền thương mại. Hơn nữa, các em biết là để bán được sản phẩm vào bệnh viện thì cần chi phí vận động hành lang rất lớn. Anh có bệnh viện và các mối quan hệ sẵn rồi.

CEO: Em đồng ý.

Shark X vỗ tay: Trong một hồi mà các Shark tung ra tận 4 tuyệt chiêu đàm phán, các em không đồng ý mới lạ. Anh Hưng tung chiêu "Dương Đông Kích Tây". Chị Linh dùng chiêu "Mặt Xanh, Mặt Đỏ" – làm người khuyên giải nhẹ nhàng, trong khi anh Hưng rất cứng rắn. Lại thêm chiêu "Đe Doạ Cảm Xúc", đánh vào nỗi lo công ty khó phát triển của CEO. Anh Việt thì dùng "Bão Tuyết Thông Tin", tung một loạt thông tin để CEO không thể tư duy kịp, mất phương hướng và phải nhượng bộ.

Vũ Minh Trường - NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison

Cùng chuyên mục
XEM