Hai kiến trúc sư đã thay đổi diện mạo nông thôn Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc

02/07/2017 13:59 PM | Công nghệ

Trong khi mọi công trình kiến trúc hiện đại đều đổ dồn về các thành phố lớn, hai kiến trúc sư trẻ ở Hồng Kông, Joshua Bolchover và John Lin lại tìm về nông thôn để phát triển những dự án độc đáo của mình.

Trung Quốc với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ chưa từng thấy đang là nơi tranh tài của những kiến trúc sư tài ba. Thiết kế Nhà hát Opera Quảng Châu của Zaha Hadid đã bắt đầu khởi công, Rem Koolhaas đã tiết lộ kế hoạch xây dựng trụ sở CCTV Bắc Kinh, và hàng chục các dự án ngân sách lớn khác đang rục rịch ở các thành phố lớn.

Trường tiểu học Mulan ở Quảng Đông với những bậc cầu thang lớn đến mức có thể làm sân chơi cho trẻ và nơi hội họp của nhà trường.

Nhưng hai kiến trúc sư Bolchover và Lin dường như không hào hứng lắm, khi mọi người dồn hết sự tập trung vào các đô thị sầm uất. Vậy phần còn lại của đất nước thì sao? Diện mạo vùng nông thôn rồi sẽ như thế nào? Những câu hỏi này dẫn dắt bộ đôi thành lập Khuôn viên nông thôn đô thị (Rural Urban Framework - RUF), một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện các dự án dịch vụ công – bao gồm bệnh viện, trường học và nhà ở cho người dân ở nông thôn Trung Quốc.

Phần mái góc cạnh của bệnh viện Angdong tương phản hoàn toàn với mái lợp truyền thống quanh làng.

Một mô hình mới cho nông thôn

Những căn nhà mới ở làng Jintai, đặc trưng bởi mái nhà kiểu bậc thang, tạo thêm không gian trồng trọt cho người dân.

Giống như các thành phố khác trong nước, những ngôi làng tại Trung Quốc đã trải qua quá trình biến đổi nhanh chóng trong những năm 2000. Từ 2005 đến 2015, khoảng 900,000 ngôi làng đã biến mất hoặc bị sáp nhập vào các thành phố đang phát triển, hay bị lãng quên vì người dân đã chuyển đến các đô thị lớn.

Lại có những ngôi làng, những công trình mọc lên ồ ạt nhờ tiền gửi về từ thành phố, nhưng thiết kế lại không được chú trọng. Chính quyền địa phương khi xây dựng những công trình công cộng thường lựa chọn những thiết kế kiểu bản sao, ít rủi ro, thành ra bệnh viện, trường học hay trại mồ côi,… đều có cấu trúc na ná nhau trên khắp cả nước. Hai kiến trúc sư cho rằng, một không gian đẹp sẽ góp phần không nhỏ đến hiệu quả của những công trình này.

Những dự án của RUF quan tâm từ việc thiết kế những phòng học kiểu mới, đến việc xây dựng những cây cầu kết nối cộng đồng được phân chia bởi các xa lộ. Một trong những dự án sáng tạo nhất của họ là bệnh viện Angdong ở tỉnh Hồ Nam. Từ một tòa nhà trống trải, RUF đã thay bằng cấu trúc 5 cánh với sân ở giữa.

Bệnh viện Angdong với thiết kế tường bê tông khoét lỗ giúp ánh nắng len vào bên trong.

Tòa nhà ban đầu có một lối đi 3 tầng, nghĩa là người nhà phải đưa bệnh nhân lên và xuống chừng ấy đoạn cầu thang. Thiết kế mới đã giải quyết được điều này bằng cách kết nối các tầng với nhau bằng một đường xoắn ốc rộng. Chi phí xây đường xoắn ốc này tương đương chi phí lắp đặt thang máy, nhưng với kiến trúc này người già lại có thêm một nơi để đi bộ tập thể dục và trẻ em có nơi vui chơi.

Trao quyền cho cộng đồng

Thiết kế mặt tiền của bệnh viện Angdong là một sự sáng tạo lớn so với những khối bê tông đã quá phổ biến và nhàm chán.

Thêm một điểm đặc sắc mới của bệnh viện Angdong là bề mặt đục lỗ được làm từ các khối bê tông khoét các lỗ tròn. Với hi vọng nâng cao kiến thức về xây dựng ở thôn quê, RUF đã hợp tác với các nhà thầu địa phương để xây dựng mặt tiền này. Họ muốn tạo một sự khác biệt giữa những khuôn mẫu bê tông đã quá phổ biến.

Đem lại những thiết kế đầy tham vọng cho nông thôn cũng gây ra những thách thức không nhỏ. Họ thường phải đối mặt với sự nghi ngờ của chính quyền địa phương cũng như người dân về những thiết kế táo bạo của mình. Họ phải dành thời gian thuyết phục thực hiện dự án, và có khi phải mất đến 3 năm cho một công trình, dù quá trình xây dựng chưa đến 1 năm.

Sau thành công ở vùng nông thôn, Bolchover và Lin hiện đang tái thiết toàn bộ một ngôi làng bị phá hủy trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Họ đã xây dựng làng Jintai lại từ đầu, 22 ngôi nhà chống động đất và một cơ sở nuôi trồng tiên tiến tạo ra năng lượng từ khí sinh học.

Từ một ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn sau động đất, làng Jintai đã chuyển mình thành một khu nhà xinh xắn với những đổi mới tiên tiến.

Trong các dự án của RUF, chức năng được ưu tiên hơn hình thức, nhưng tính thẩm mĩ bao giờ cũng được xem xét kĩ lưỡng. Mái của những ngôi nhà mới tại làng Jintai cung cấp cho người dân thêm không gian trồng trọt, nhưng đồng thời những thiết kế góc cạnh còn gợi nhắc đến một không gian miền núi.

Vượt ra ngoài biên giới

Bolchover và Lin đã đến Mông Cổ để thực hiện dự án đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Mông Cổ cũng đang trải qua những mô hình đô thị hóa tương tự nhau, nhưng ở thủ đô Ulaanbaatar, người di cư không sống trong nhà mà dựng lều ngay ngoại ô thành phố. Những căn lều này thường gặp vấn đề về xử lí chất thải. Do đó, RUF đã thiết kế một chiếc lều kiểu mới vẫn mang các đặc điểm truyền thống nhưng được lắp đặt hệ thống nước thải, lưới điện và đường ống nước. Một cặp vợ chồng người Mông Cổ sẽ chuyển đến ở trong thiết kế này vào mùa hè tới.

Lấy ý tưởng từ những căn lều truyền thống của người Mông Cổ, RUF đã sáng tạo ra một loại hình mới tiện nghi hơn rất nhiều.

Lin cho biết, dự án này không cố tạo nên một căn nhà hiện đại, mà nhằm bảo tồn những căn lều truyền thống trong quá trình đô thị hóa chóng mặt hiện nay.

Theo Phương Giấy Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM