Hai công ty thuộc tập đoàn Besra khai thác vàng ở Quảng Nam: Tài nguyên quốc gia bị thất thoát!

22/06/2016 11:28 AM | Kinh doanh

Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu tại Quảng Nam (đều thuộc Tập đoàn Besra) mặc dù khai thác, bán đi nhiều tấn vàng, nhưng lại báo lỗ và nợ thuế đầm đìa. Mới đây, Công ty Bồng Miêu lại bất chấp việc hết hạn giấy phép, vẫn tiếp tục khai thác vàng. Trong hàng chục năm hoạt động, các công ty này có dấu hiệu "rút ruột" tài nguyên quốc gia, đổi lại là những hệ lụy thất thoát tiền thuế, ảnh hưởng môi trường và an sinh xã hội địa phương.

Ngang nhiên khai thác trái phép mỏ vàng

Theo Cục Thuế Quảng Nam, hai Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu trây ỳ nộp thuế nhiều năm qua, tính đến nay nợ thuế và tiền phạt nộp chậm tổng cộng đến 410 tỉ đồng, trong đó Cty vàng Phước Sơn nợ 314 tỉ đồng, Cty vàng Bồng Miêu nợ 96 tỉ đồng.

Đến tháng 3.2016, mặc dù hết giấy phép hoạt động, nhưng Cty này vẫn ngang nhiên tổ chức khai thác. GĐ Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết: “Dù các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tỏ rõ thiện chí, mời lãnh đạo Cty vàng Bồng Miêu cùng làm việc để hướng dẫn các thủ tục xin gia hạn và tìm cách giải quyết khoản nợ tiền thuế, nhưng, phía Cty đã không thiện chí, chỉ cử những người không đúng trách nhiệm như phiên dịch chẳng hạn đến làm việc và không chấp hành các văn bản của tỉnh về ngừng hoạt động khi hết phép vào tháng 3.2016”.

Do đó, ngày 26.5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 222/TB-UBND, yêu cầu Cty dừng mọi hoạt động khai thác. Tiếp đó, ngày 14.6, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đã có Công văn số 1522/ĐCKS-KS khẳng định không có cơ sở pháp lý để Cty tiếp tục khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, Cty này vẫn bất chấp yêu cầu của các cơ quan chức năng, ngang nhiên “lấy cắp” khoáng sản. Ngày 15.6, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cùng đoàn công tác của tỉnh đột xuất kiểm tra Nhà máy vàng Bồng Miêu, bắt quả tang nhà máy vẫn hoạt động. Đoàn kiểm tra phát hiện dây chuyền, bánh khoáy vẫn đang hoạt động, máy nghiền bi mới dừng hoạt động (còn nóng), một xe ủi có dấu hiệu mới dừng hoạt động. Tại hầm lò ở khu vực núi Kẽm, có xe múc đang hoạt động, có xe vận chuyển quặng trong hầm lò ra bãi kết, hệ thống quạt thông gió đang hoạt động, nước trong mỏ chảy ra có màu đục...

Qua kiểm tra sổ theo dõi phân công công việc, bảng chấm công tại khu vực khai thác hầm lò núi Kẽm cho thấy từ ngày 26.5 đến 15.6, Cty vàng Bồng Miêu vẫn đang hoạt động khai thác bình thường. Ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết: “Đoàn kiểm tra đã lập biên bản sự việc, và sau đó tôi đã ký văn bản yêu cầu Cty này dừng ngay khai thác, chế biến vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu từ ngày 16.6, di chuyển toàn bộ vật liệu nổ, công nhân ra khỏi khu vực mỏ, quản lý toàn bộ số lượng quặng từ bãi chứa quặng núi Kẽm, không được chế biến, vận chuyển ra ngoài”.

Tài nguyên quốc gia bị "chảy máu"

Cty vàng Bồng Miêu hoạt động theo giấy phép của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư năm 1991 với thời hạn 25 năm và quyết định khai thác mỏ của Bộ Công nghiệp nặng cấp phép khai thác mỏ từ năm 1992. Đến năm 1997, Besra đã có được quyền khai thác mỏ Bồng Miêu và đến năm 2005 thì đưa nhà máy vào vận hành. Mỏ Phước Sơn được cấp phép vào năm 1999 và đi vào sản xuất vào tháng 6.2011. Từ năm 2013 đến nay, hai Cty này bắt đầu trây ỳ, nợ đọng thuế, nhiều lần tạm dừng hoạt động do thiếu vốn hoạt động, do nợ nần các nhà cung cấp…

Ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh - nơi có mỏ vàng Bồng Miêu cho rằng, trong 25 năm hoạt động, Cty vàng Bồng Miêu đã không đem lại lợi ích như kỳ vọng, mà còn lấy đi nguồn tài nguyên quý giá và gây nên nhiều hệ lụy cho địa phương. Thường trực Huyện ủy Phú Ninh đã nhiều lần gửi công văn cho Bộ TNMT, UBND tỉnh đề nghị không cho gia hạn giấy phép đối với Cty này và yêu cầu đóng cửa mỏ.

Lý do, Cty không đủ năng lực quản lý, không bảo vệ được phần diện tích đã giao là 380ha, để cho hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, gây nhiều hậu quả rất nghiêm trọng về an ninh, môi trường... Dù hết phép, Cty này vẫn khai thác, làm thất thoát tài nguyên. Mỗi ngày, Cty vàng Bồng Miêu vẫn duy trì hơn 160 người làm việc thường xuyên, khai thác khoảng 120 - 150 tấn quặng vàng, nếu tính trung bình 40 triệu đồng một tấn quặng vàng, thì Nhà nước đã mất 6 tỉ đồng.

Theo ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, việc hai Cty trên đã khai thác, xuất bán gần 7 tấn vàng, thu tiền, nhưng họ vẫn không nộp thuế là chiếm dụng tiền thuế, không thể chấp nhận. Từ những năm 2010, khi hai Cty vẫn thu lãi hàng triệu USD mỗi năm thì cũng trây ỳ các khoản thuế.

Theo ước tính, đến giữa năm 2014, Cty vàng Bồng Miêu đã bị lỗ lũy kế đến 30,1 triệu USD (tương đương khoảng 673 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ chỉ có 3 triệu USD. Còn Cty vàng Phước Sơn cũng có mức lỗ lũy kế gần 16 triệu USD (tương đương gần 360 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ là 5 triệu USD. Điều nghịch lý là, tuy báo lỗ triền miên nhưng họ không hề có ý định đóng cửa mà ngược lại còn xin gia hạn giấy phép khai thác vàng.

Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đinh Văn Thu khẳng định: “Đối với Cty vàng Bồng Miêu, nếu không dừng khai thác theo yêu cầu, chúng tôi sẽ kiên quyết cưỡng chế. Còn đối với Cty vàng Phước Sơn, nếu không chịu trả nợ thuế, cũng không thực hiện phương án tái cơ cấu hiệu quả, thì chúng tôi sẽ đề nghị rút giấy phép”.

Theo Trương Tâm Thư

Cùng chuyên mục
XEM