Hà Nội xin giữ lại toàn bộ 1.300 tỷ đồng tiền bán doanh nghiệp Nhà nước để xây vành đai 3, nhưng Chính phủ lắc đầu

05/08/2016 17:13 PM | Kinh tế vĩ mô

Hà Nội xin giữ hơn 1.300 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước nhằm ứng vốn triển khai dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long. Trong công văn mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã không thông qua đề xuất này.

Khoản kinh phí từ nguồn thu cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội là 1.343 tỷ đồng. Theo Dân trí, khoản tiền này hiện vẫn đang được quản lý tại tài khoản tạm thu của Sở Tài chính Hà Nội.

Do gặp khó khăn trong việc thu xếp, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cuối tháng 6/2016, Hà Nội đã đề xuất tạm sử dụng khoản tiền trên để ứng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án này.

Liên quan đến đề xuất này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10175/VPCP-KTTH ngày 4/12/2015 của Văn phòng Chính phủ.

Công văn ra ngày 4/12/2015 của Văn phòng Chính phủ đã bác đề xuất của Hà Nội trong việc sử dụng tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thuộc TP hồi năm ngoái.

Năm ngoái, Hà Nội cũng đã có Tờ trình về việc phê duyệt Đề án sử dụng tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thuộc TP Hà Nội cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

Vào thời điểm 31/3/2015, số tiền thu được từ hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là 413,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng hồi tháng 10/2015, Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định tại Quyết định 21 ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, việc TP Hà Nội chưa nộp số tiền 413,7 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là không đúng với quy định.

Bộ Tài chính đã đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện nộp toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã thu được về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Căn cứ số tiền đã nộp về Quỹ từ đó mới báo cáo Thủ tướng cho phép cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội trong phạm vi mức vốn điều lệ của công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đề nghị này của Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng với công văn ra ngày 4/12/2015 của Văn phòng Chính phủ nói trên.

Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng. Việc triển khai dự án trong năm 2016 sẽ đảm bảo khớp nối, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với dự án đường trên cao do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện bằng nguồn vốn ODA.

Tuy nhiên, do dự án chưa được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch xây dựng cơ bản giao đầu năm 2016 nên Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc thu xếp, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM