Hà Nội công khai dự án nhà ở sai phạm: Muộn nhưng phải làm

27/04/2017 08:37 AM | Kinh doanh

Dư luận cho rằng, việc làm trên của Hà Nội dù muộn nhưng mạnh tay với sai phạm trong lĩnh vực xây dựng là việc làm cần thiết hiện nay.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan công khai các dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đề xuất phương án kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư vi phạm được tham gia đầu tư dự án mới.

Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra ngẫu nhiên 50 dự án bất động sản, kết quả là có tới 38 dự án có sai phạm về quy hoạch và xây dựng.

Các sai phạm phổ biến là xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, vượt diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng… Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa người dân vào sử dụng ổn định trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Vinh Quang - Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng cho biết, trong số các dự án sai phạm vừa được đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, trên địa bàn quận có dự án Trương Định Complex tại địa chỉ 129D Trương Định của Công ty cổ phần Đồng Tháp. Chủ đầu tư dự án này đã xây dựng không đúng giấy phép được duyệt.

Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các chủ đầu tư sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng là việc cần thiết phải làm.

“Theo tôi, việc này chúng ta nên làm vì khi công khai các kết quả các dự án sai phạm, tiến tới là công khai cả các sai phạm của các hộ gia đình, các chủ đầu tư nhỏ lẻ để tổ dân phố, cụm dân cư cùng giám sát, để chủ đầu tư các dự án biết sai phạm thì phải tự giác chấp hành. Thứ 2 là làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công khai minh bạch trong công tác quản lý”- ông Vinh Quang nói.

Trước thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng diễn ra ngày càng phổ biến, mức độ ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 913 yêu cầu các Sở, ban, ngành rà soát các dự án chậm tiến độ, dự án thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh… để xem xét xử lý, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước đây, Hà Nội đã từng công khai các dự án nợ thuế, dự án đang thế chấp ngân hàng, dự án chưa đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy…

Thế nhưng, việc công khai vẫn mang tính nhất thời, công khai rồi để đấy, chưa công bố tiếp các kết quả, khiến việc làm này chưa đem lại hiệu quả. Theo ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cần công bố sớm, thường xuyên và có cơ chế để người dân tiếp cận được các thông tin đó một cách dễ dàng.

“Tôi cho rằng quá muộn vì việc này nhưng ở đây có mấy vấn đề đặt ra. Thứ nhất là về tình trạng thì hiện nay chúng ta làm quá muộn so với nhu cầu thực tế, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thứ 2 là tính kịp thời của các thông tin đó, nếu công bố ra khi chủ đầu tư đã bán hết rồi thì cũng không có nghĩa lý gì cả. Thứ 3 là độ chính xác của các thông tin đó ở mức độ nào. Khi đã cấp giấy phép, cho bán rồi thì việc hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng để kiểm tra xem dự án đó có thực hiện đúng cam kết hay không”- ông Ngọc Quang nói.

Tiếp đó, HĐND TP Hà Nội cũng đã đề xuất kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư dự án nhà ở có dự án vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch được tham gia đầu tư dự án mới. Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất này, cho rằng đã đến lúc cần mạnh tay với các chủ đầu tư phớt lờ quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu ý kiến: “Hà Nội vừa qua yêu cầu như vậy là để làm sao thực hiện đúng quy định của pháp luật thôi. Việc vi phạm đúng là phải làm nghiêm khắc, nhưng tất nhiên phải phân biệt ra, cái gì là vi phạm lớn, cái gì là vi phạm lần đầu, cái gì là vi phạm thường xuyên, nhắc nhở rồi vẫn vi phạm thì phải kiên quyết. Tôi cho rằng nghiêm túc nhất là phải không giao dự án mới cho các chủ đầu tư đó”.

Việc chấn chỉnh, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội là cần thiết, và cần có những hình thức xử lý mạnh tay, tăng tính răn đe đối với các chủ đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh việc công khai dự án sai phạm một cách thường xuyên, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại, lực lượng thanh tra xây dựng khi để xảy ra sai phạm kéo dài, không xử lý dứt điểm.

Theo Lưu Huyền

Cùng chuyên mục
XEM