Hà Nội có thể học gì từ Trung Quốc và nước Anh khi phát triển đề án xe đạp công cộng?

14/09/2019 09:59 AM | Xã hội

Hà Nội đang lên kế hoạch triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải công cộng... Việc chia sẻ những chiếc xe là tốt, nhưng liệu ý tưởng tốt đã là đủ?

Biến đổi khí hậu, cơ giới hóa toàn cầu và cạn kiệt nguồn tài nguyên giờ đây không còn là vấn đề riêng của bất cứ quốc gia nào. Đứng trước những vấn đề đó, chính phủ các nước không ngừng đưa ra những biện pháp để phát triển một hệ thống giao thông bền vững hơn: nhiên liệu sạch, xe điện, quản lý chặt chẽ nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân, và đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông công cộng tiện lợi. Hệ thống chia sẻ xe đạp là một trong những ý tưởng được phát triển để giải quyết bài toán trên.

Nguyên tắc của hệ thống chia sẻ xe đạp (Bikesharing system) là vô cùng đơn giản: người dân có thể sử dụng chiếc xe đạp trong một thời gian ngắn và thường phải trả một khoản phí nhỏ cho việc sử dụng đó. Hệ thống này tiện lợi ở chỗ người dùng có thể thoải mái sử dụng xe để di chuyển mà không cần sở hữu chiếc xe, mang lại lợi ích cho sức khỏe mà chỉ phải trả một số tiền nhỏ.

Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp còn mang lại lợi ích lớn như giảm khí thải ra môi trường, không tiêu hao nhiên liệu, giảm ùn tắc vào những giờ cao điểm, rèn lyện sức khỏe và tăng nhận thức về môi trường.

Ra đời vào khoảng năm 1960, đến nay hệ thống chia sẻ xe đạp đã phát triển qua 3 hình thức. Đó là: hệ thống xe đạp miễn phí, thường tập trung theo từng bãi, hệ thống cho thuê xe đạp có đặt cọc với chỗ để xe riêng và hệ thống chia sẻ xe đạp sử dụng công nghệ định vị, với mức đặt cọc lớn và yêu cầu cung cấp thông tin người dùng, nhằm khắc phục nhược điểm của 2 hình thức trước đó.

Hiện nay, hệ thống chia sẻ xe đạp đang được phát triển và sử dụng tại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, Mỹ và ngày càng mở rộng ở châu Á.

Tuy mục đích ban đầu của việc chia sẻ xe đạp là vô cùng tốt, nhưng để duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Không thể không nhắc tới bài học kinh nghiệm tại quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Dịch vụ chia sẻ xe đạp xuất hiện lần đầu năm 2008 tại Hàng Châu, với khoảng 2.000 chiếc xe. Sau 8 năm hoạt động, đã có tổng cộng khoảng 84.100 xe với 3.572 trạm dừng trên toàn thành phố. Dự án xe đạp chia sẻ này được chính quyền thành phố tài trợ, được quản lý bới 1 doanh nghiệp công và là điển hình của hệ thống xe đạp công cộng hoạt động hiệu quả tại Trung Quốc.

Hà Nội có thể học gì từ Trung Quốc và nước Anh khi phát triển đề án xe đạp công cộng? - Ảnh 1.

Dịch vụ chia sẻ xe đạp chỉ thực sự nở rộ tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải,.. từ năm 2016, với sự xuất hiện của hơn 80 startup cùng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần và mở rộng tập khách hàng. Một số công ty nổi bật phải kể đến như ofo, Mobike, Hellobike, Bluegogo,… Đến cuối 2017, có khoảng 16 triệu chiếc xe đạp trên các vỉa hè thành phố, với 130 triệu người sử dụng dịch vụ này.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá nóng đã khiến các công ty phải theo đuổi chính sách giảm giá dịch vụ tối đa để đạt mục đích thu hút người dùng. Việc duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào phần vốn kêu gọi từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Trong khi Chính phủ chưa kịp đưa ra những chính sách kiềm chế sự bùng nổ đó, các công ty non trẻ đã không thể quản lý hiệu quả những chiếc xe của mình. Số lượng xe tăng lên quá nhanh do kế hoạch mở rộng ồ ạt, người dùng để xe bừa bãi trên vỉa hè và chưa có ý thức bảo quản. Các công ty đầu tư rất lớn, trong khi lợi nhuận từ cho thuê xe là không đủ do phải theo đuổi mức giá rẻ.

Chỉ sau 3 năm, chính quyền các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã đưa ra hàng loạt quy định giới hạn lượng xe lưu hành, khu vực hoạt động cũng như cấm các công ty bổ sung thêm xe mới để kiềm chế sự phát triển ồ ạt. Hàng loạt startup như Kuqi Bikes, Bluegogo, Dingding Bikes,…đã phải nộp đơn phá sản vì không thể tiếp tục gọi vốn để duy trì hoạt động. Hàng nghìn chiếc xe bị bỏ đi đang chất đống tại các vùng ngoại ô ít người.

Tại Anh Quốc, sự mở rộng của hệ thống chia sẻ xe đạp cũng đang chững lại. Theo số liệu của Bikeshare data, chỉ còn hơn 2.100 chiếc xe đạp dịch vụ đang hoạt động ở London, vào tháng 2 năm 2019, thấp hơn nhiều so với con số 5.800 trong giai đoạn cao điểm. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe đạp đã rút khỏi thị trường Anh chỉ sau hơn 1 năm hoạt động như ofo, oBike, Urbo do không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Đầu năm 2014, Việt Nam cũng đã chỉ đạo triển khai việc xây dựng Đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Thành phố Hà Nội đã thực hiện thí điểm đề án này tại 4 trường đại học trên địa bàn. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, đề án này chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Lý do được cho là sự thờ ơ của người dân, cũng như thiếu vốn để duy trì đề án này.

Một ý tưởng hay cần đi kèm chiến lược quản lý tốt mới có thể mang lại kết quả tích cực. Do vậy, những câu chuyện của Trung Quốc hay nước Anh trong xây dựng hệ thống giao thông công cộng, mà đặc biệt là dịch vụ chia sẻ xe đạp, nhằm đưa ra một mô hình triển khai thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Theo Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM