Hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 còn 3,8%, song ADB lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam bởi 4 yếu tố

22/09/2021 11:07 AM | Kinh tế vĩ mô

ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng ở mức 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. “Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - nhận định.

"Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam", ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - chia sẻ tại buổi họp báo mà ADB lần đầu tiên tổ chức trực tuyến tại Việt Nam mới đây.

"Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng".

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến ​​tăng trưởng 3,8% trong năm nay, giảm so với dự báo 6,7% trước đó bởi những lý do sau:

- Việc kéo dài giãn cách xã hội ở các thành phố lớn sẽ tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung lao động, gây tổn hại đặc biệt đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và làm giảm sản lượng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng xuống dưới mức 50 từ tháng 6 đến tháng 8, báo hiệu sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất. Do vậy, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5,0% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% vào năm 2019.

Hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 còn 3,8%, song ADB lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam bởi 4 yếu tố - Ảnh 1.

- Nhu cầu ngày càng tăng đối với các giao dịch trực tuyến và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính và y tế. Tuy nhiên, việc đóng cửa các khu du lịch và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch, làm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ từ mức 7,3% của năm 2019 xuống mức dự báo là 3,3% trong năm nay.

- Tính đến ngày 15 tháng 9, 33% dân số đã được tiêm phòng liều đầu tiên của vaccine Covid-19, nhưng chỉ dưới 6% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Mặc dù việc triển khai nhanh chóng liều vaccine đầu tiên sẽ giúp giảm lây nhiễm và tử vong, nhưng tỷ lệ được tiêm đủ 2 liều còn thấp có thể hạn chế người lao động quay lại sản xuất trong năm 2021, vì chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ mới có thể đi làm an toàn. Các thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là trong việc cấp giấy đi đường, đã làm gián đoạn sự dịch chuyển của lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm, làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.

- Đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài dự kiến sẽ làm tiêu dùng và đầu tư sụt giảm trong năm 2021. Nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh.

- Sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nước ngoài chính của Việt Nam, đặc biệt là Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng dệt, may và giày dép, điện tử và điện thoại di động. Nhưng việc đóng cửa các trung tâm công nghiệp lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hạn chế năng lực sản xuất, dẫn đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác. 18% công ty châu Âu kinh doanh tại Việt Nam đã làm vậy trong tháng 7 và tháng 8. Dù dòng vốn và giải ngân FDI tăng nhẹ trong tháng 7 và tháng 8, sẽ khó có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm do các nhà máy đóng cửa và thiếu lao động.

"ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn", ông Andrew cho biết. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 6,5%. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi 4 yếu tố: Sự phục hồi của cầu nội địa, Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ADB nhận định triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM