GS.TS Võ Tòng Xuân chỉ ra một rào cản lớn ngăn nông sản Việt Nam tiến ra thế giới!

10/08/2017 08:14 AM | Kinh doanh

"Bà con nông dân ta quen sản xuất theo ý của mình dù có sự khuyến cáo từ các nhà khoa học, giới chuyên môn, bởi bà con nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm hơn nên làm theo kiểu dân gian."

Đó là một trong những rào cản khiến sản phẩm nông sản của Việt Nam khó tiếp cận với thị trường thế giới.

“Dù nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang vươn lên, khác nhiều so với trước kia, nhưng lại gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra nước ngoài vì những rào cản”, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết.

Vị chuyên gia về nông nghiệp nhận định: “Bà con nông dân quen sản xuất theo ý của mình dù có sự khuyến cáo từ các nhà khoa học, giới chuyên môn, bởi bà con nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm hơn nên làm theo kiểu dân gian. Điều này khiến cho nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến lại rồi đưa vào trong hệ thống xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Đây là trở ngại từ người sản xuất, cụ thể là người nông dân”.

Tiếp theo, GS.TS Xuân cho hay, trong những năm gần đây, nông dân Việt Nam cũng được tiếp xúc nhiều và nghe quen thuộc những từ ngữ như, GlobalGAP, VietGAP hay rộ lên gần đây là sản xuất theo kiểu hữu cơ, sản xuất sạch.

Các cơ quan, chuyên viên, chuyên gia xuống làm việc với các nhóm nông dân để bà con thấy rằng, bây giờ không thể nào sản xuất như ngày xưa nữa mà phải theo những quy định, quy trình được các nước nhập khẩu đưa ra.

“Những tiêu chuẩn này được đưa ra bởi những nước đó họ muốn bảo vệ người tiêu dùng trong nước, nên thực phẩm muốn vào đó phải sạch, an toàn. Trong khi các nước là thế, còn ở Việt Nam, người ta không quan tâm, hoặc ít quan tâm đến cái sạch, miễn là đẹp mà không biết nó chứa những dư lượng thuốc trừ sâu trong đó”, chuyên gia nông nghiệp cho biết.

Bây giờ VietGap là đủ rồi

Theo giáo sư Tòng Xuân, bây giờ, trong việc tiếp cận của Việt Nam ra thế giới thì đầu tiên phải xây dựng một kiểu sản xuất hiện đại mà các nước khác đang làm, nên là VietGAP, chứ chưa cần thiết phải đi lên GlobalGAP. “Theo tôi VietGAP cũng đủ rồi”, giáo sư nhận định.

“Chủ yếu là chúng ta làm thế nào để bà con nông dân bón phân vừa phải, hạn chế và ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc khi có thì cũng dùng thuốc được nhà nước cho phép trong danh sách mà quốc tế công nhận. Chỉ cần đi như thế, từ từ chúng ta sẽ chiếm được thị trường quốc tế ở nhiều khu vực khác nhau”, GS.TS Xuân phân tích.

GS.TS Xuân cho biết thêm, năm 2017, xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng lên, thu nhập từ trái cây còn hơn lúa gạo và có giá trị cao. Nhưng để làm tốt điều này, bà con trồng trái cây phải biết cần làm thế nào cho vườn của mình “sạch” để khi sản phẩm qua phía người mua người ta phân tích ra không thấy có chất cấm trong đó.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM