GS. Trần Văn Thọ: “Thời gian sắp tới học đại học chỉ nên là 2 năm thôi!”

10/03/2017 14:32 PM | Xã hội

Để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá đất nước, tận dụng được thời gian, cơ hội, GS. Trần Văn Thọ đề xuất ý kiến bậc đại học nên diễn ra trong vòng 2 năm.

Đây là thông tin được GS. Trần Văn Thọ đến từ ĐH Waseda, Tokyo (Nhật Bản) đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Theo GS. Thọ, một trong những biện pháp để công nghiệp Việt Nam phát triển là phải tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt là đáp ứng nhu cầu công nghiệp mới, về lâu về dài có khả năng thích ứng được với thị trường, cạnh tranh với quốc tế.

Tuy nhiên, GS đặc biệt nhấn mạnh việc “chất lượng cao” không nhất thiết là tương ứng với “cấp bậc học cao”.

“Việt Nam quá chú trọng bằng cấp thành ra nhiều người đổ xô đi học đại học, các đại học ở Việt Nam rất nhiều, tư duy đó là sai”, ông nói.

Trên thực tế Việt Nam đang có khoảng khoảng 2.450 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề và các trung tâm dạy nghề cho đến cấp huyện. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đang đánh giá là hệ thống trường mới chỉ “hoành về quy mô” nhưng “kém về chất lượng”, sinh viên được đào tạo ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

GS. Thọ đặc biệt nhấn mạnh vào việc người lao động không cần phải học lên cấp bậc đại học, hay bậc cao hơn mà mỗi bậc phải chất lượng cao, phải thật tinh.

Một quan điểm khác của ông là việc học cao đẳng ở Việt Nam thường kéo dài trong 3 năm, sau đó thêm một ít thời gian liên thông nữa là không cần thiết, chỉ nên chuyển thành học 2 năm thôi. Trong đó, năm đầu học văn hoá, năm sau học chuyên môn.

“Như vậy đã có thể làm việc rất tốt”, GS. Trần Văn Thọ cho hay.

Những điều này được ông rút ra từ kinh nghiệm của Nhật Bản. Theo đó, khoảng thời gian 1955 – 1975 là giai đoạn Nhật Bản phát triển công nghiệp hoá hiện đại hoá rất mạnh mẽ, trở thành nước tiên tiến đứng thứ 2 trên thế giới. “Lực lượng lao động của họ như thế nào?”, GS. Thọ đặt vấn đề.

Nhìn vào thống kê của năm 1955, người lao động Nhật Bản có tới 60% người chỉ mới tốt nghiệp cấp 2, 30% người tốt nghiệp cấp 3, 8% tốt nghiệp cao đẳng. Đến cuối năm 1975 – lúc ngành công nghiệp phát triển rực rỡ nhất, tỷ lệ người lao động tốt nghiệp cấp 3 đã tăng thành 60%, đại học, cao đẳng chỉ là 34%.

Những con số này chứng tỏ, chất lượng lao động cao không đồng nghĩa với việc họ có tốt nghiệp đại học hay không mà mỗi bậc học cần phải “tinh”, phải được “chú trọng kỹ lưỡng”.

“Trong thời gian sắp tới, tôi đề nghị đại học ở Việt Nam cũng chỉ cần 2 năm thôi, 2 năm nhưng đủ và chất lượng tốt từ các bậc học trước đó thì ra là làm việc được ngay”, GS. Trần Văn Thọ đề xuất ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Jonathan Dunn, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng việc đào tạo đại học trong 2 năm sẽ giúp cho Việt Nam có một nguồn nhân lực dồi dào đủ sức để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá.

“Nếu các bạn trẻ được đào tạo tốt ở cấp 2, cấp 3 rồi thì khi học chỉ cần 2 năm là đủ, không nên bỏ lỡ cơ hội để đón đầu về mặt công nghệ trong công nghiệp”, đại diện IMF cho hay.

GS. Trần Văn Thọ quê ở Quảng Nam, năm 1968 sang Nhật Bản du học. Ông lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin, Tokyo. Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.

Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ông Thọ là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời thủ tướng Nhật.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM