GS Phan Văn Trường: Một buổi họp không thể thành công với toàn trí thức văn phòng

26/07/2018 16:14 PM | Kinh doanh

Những người trí thức đều sợ cấp trên sẽ đánh giá mình. Cái sợ của họ mang tính hệ thống và điều đó có ảnh hưởng tai hại vô cùng đến cách suy tưởng và phát biểu.

"Trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi chỉ có 2 lần phải "rặn" ra cho bằng được sáng chế mới cho tập đoàn", giáo sư Phan Văn Trường từng thừa nhận như vậy trong cuốn sách viết về quản trị của mình.

Lần đầu tiên là câu chuyện khi ông làm việc tại công ty Sema- Metra International. Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, công ty vừa ký xong dự án "xây một trung tâm thư giãn và thể thao" trên một mặt bằng 4.000 mẫu vô cùng đẹp ở ngay bờ biển phía nam Tây Ban Nha. Chủ đầu tư là một triệu phú rất giàu có (thời đó, trên thế giới, người giàu chỉ tính bằng triệu đô-la chứ không bằng tỷ đô-la như bây giờ), một trong những đòi hỏi của ông là công ty phải làm việc rất nhanh.

Sema bèn vội vàng chọn một nhóm chuyên viên trong công ty. GS Trường còn nhớ trong nhóm có 2 chuyên viên về du lịch, một chuyên viên về kinh tế, một luật gia, một kiến trúc sư, vài ba kỹ sư trong đó có ông. Vị giám đốc dự án có tên Jean- Pierre mời cả nhóm vào một phòng họp và nói: "Chúng ta sẽ làm một buổi brain-storming với nhau để tìm ý kiến hay. Mục tiêu là giúp chủ đầu tư làm cái gì ấn tượng nhất, mới mẻ nhất, thu hút nhất, tất nhiên ăn khách và đem về nhiều lợi nhuận nhất"..

"Luật chơi là trong giai đoạn đầu, mỗi người đóng góp mọi ý kiến hiện ra trong trí tưởng tượng của mình trong khi lắng nghe người khác. Thậm chí ý kiến điên rồ cũng phải đưa ra hết, không được ngại ngần, khiêm tốn. Chúng ta hãy để cho óc sáng tạo của mình hoàn toàn tự do bay nhảy, tôi sẽ ghi nhận mọi ý kiến, sẽ không có sự sàng lọc nào. Và tất nhiên không có sự đánh giá cá nhân từ bất cứ ai".

Sau 1 tiếng đồng hồ khá tẻ nhạt, chính do sự ngại ngùng vì mọi người trong phòng không quen biết nhau nhiều, tuy cùng thuộc một công ty, Jean- Pierre quyết định mời thêm một vài nhân vật nữa. 

Thứ nhất là anh tài xế của công ty. Anh này nổi tiếng vui vẻ, thường hay nói chuyện tào lao, ba hoa thiên địa. Thứ hai là cô thư ký rất láu táu, sống độc thân nên đi du lịch mọi nơi khi có ngày nghỉ, và nhất là cô hay tìm những nơi ít ai tìm tới như safari bên Phi Châu hoặc đi tham quan miệt sông Amazon bên Brazil. Thế rồi vào đúng thời điểm đó, công ty đang tiếp một anh họa sĩ, nên vị giám đốc mời anh ấy vào luôn thể để giúp cho buổi brain-storming sớm đạt kết quả.

Khi buổi họp bắt đầu trở lại thì không khí khác hẳn. Mọi người rất thoải mái phát biểu "văng mạng". Ý kiến nhiều đến độ chỉ 30 phút sau Jean- Pierre xin chấm dứt buổi họp vì nội dung quá dầy, và anh nhận xét rằng công ty đã đủ ý kiến đột phá để nghiên cứu thêm và bắt đầu cuộc gạn lọc.

Cuối cùng, ông chủ đầu tư rất hài lòng với ý kiến của cô thư ký láu táu. Công ty liền tặng cô một món quà nhỏ để cảm ơn.

"Đến ngày hôm nay, tôi còn giữ ấn tượng về buổi họp đó vì có nhiều điều tôi đã cảm nhận và ghi nhớ", GS Phan Văn Trường nhớ lại. Có 3 điều ông rút ra từ cuộc họp này. Một là buổi họp không thể thành công với toàn trí thức trong phòng. Hai là những người tham gia phải vô cùng thoải mái với nhau, không quản chức tước, vị trí, bằng cấp, nghề nghiệp mà phải đóng vai chính mình. Ba là tuy buổi họp có đề tài, nhưng luật chơi là ai muốn nói gì thì nói, muốn sâu sắc hay ngốc nghếch đến đâu cũng được, miễn là hồn nhiên.

Tự do tư tưởng là châm ngôn, cho dù đi tới điên rồ. Chính anh tài xế vui tính, cô thư ký láu táu và anh họa sĩ mơ màng mộng mị đã đem lại cái điểm hồn nhiên và màu sắc cho cuộc đàm thoại lý thú.

GS Trường cũng nhận ra rằng chính nhóm trí thức như ông lại là những nhân vật ít đóng góp nhất trong phần đầu của dự án. Sự méo mó nghề nghiệp đã làm cho chúng toi gượng gạo. Người nào trong nhóm trí thức cũng nhìn nhau trước khi phát biểu, họ đã phạm phải một khuyết điểm vô cùng nặng khi phải sáng chế ra cái gì: Trong nghề của họ không ai có quyền làm lỗi, nói sai hay hành động không đích xác. 

Và những người trí thức đều sợ cấp trên sẽ đánh giá mình, vì họ không tin là buổi họp sẽ không được báo cáo lên cấp trên. Cái sợ của họ mang tính hệ thống và điều đó có ảnh hưởng tai hại vô cùng đến cách suy tưởng và phát biểu.

* Bài viết tham khảo cuốn sách Một đời quản trị- GS Phan Văn Trường.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM