GS Ngô Đức Thịnh: Đề xuất cải cách chữ cái tiếng Việt "không hợp tình và là tối kiến"

27/11/2017 20:19 PM | Sống

Trao đổi với PV, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, dù dưới góc nhìn văn hóa hay góc nhìn cá nhân, ông đều không đồng tình với đề xuất của PGS Bùi Hiền.

"Không thể khả thi vào đời sống, xã hội"

Đề xuất cải tiến bảng chữ viết tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.

Trao đổi với PV, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, dù dưới góc nhìn văn hóa hay góc nhìn cá nhân, ông đều không đồng tình với đề xuất của PGS Bùi Hiền.

Theo GS Thịnh, đây không phải lần đầu tiên một nhà khoa học đưa ra ý tưởng, đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt, mà mấy chục năm nay đã có rất nhiều các ý kiến, đề nghị.

Gần đây nhất, vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp gửi thư cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Nhà nước ta cải tiến chữ Quốc ngữ cho hợp lý hơn.

Vào thời điểm trên, văn phòng cố Thủ tướng có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này. Tuy nhiên, sau đó, đề xuất không thực hiện được vì nhiều bất hợp lý, không khả thi.

GS Thịnh cũng nêu ra 3 điểm mà ông thấy không thể khả thi vào đời sống, xã hội hiện nay theo đề xuất của PGS Hiền.

Thứ nhất, theo GS Thịnh, với đề xuất của PGS Bùi Hiền có thể ai đó cho là hợp lý, nhưng ông cho rằng, nó sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt và không hợp tình chút nào.

"Cũng phải nói rõ, ngôn ngữ không chỉ có lý ở những cách đánh vần, ký tự mà còn phải có tình cảm của dân tộc sử dụng, nhân tố tâm lý, thói quen... ở trong đó.

Với bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay đã thành máu thịt, tình cảm của người dân nên dù có cái hợp lý nhưng không có tình cảm thì đều không khả thi, không thể áp dụng.

Với cải tiến theo cách của PGS Bùi Hiền hầu như sẽ thay đổi về cơ bản hệ thống chữ Quốc ngữ hiện hành nhưng tình cảm thì không có, do đó, khó có thể được mọi người chấp nhận", GS Thịnh nói.

Ông cũng lấy lại ví dụ, khi ông làm nghiên cứu về sử thi Tây Nguyên và có đề nghị phải sử dụng ngôn ngữ nào để mọi dân tộc đều có thể đọc được. Khi đó, ông có nhờ một chuyên gia và người này đưa ra phương án sẽ tạo ra, kết hợp các dạng chữ để mọi dân tộc Tây Nguyên đọc được.

"Nhưng tôi nói, đối với các dân tộc Tây Nguyên thì có nhiều loại chữ đã ăn sâu vào tâm tư tình cảm, máu thịt của họ nên đưa kiểu chữ hợp lý mà không có tình thì không dùng được. Sau đó, mọi người đã bỏ phương án này", GS Thịnh nêu.

"Kéo theo hàng loạt hệ lụy"

Thứ hai, GS Thịnh cho rằng, nếu đề xuất cải tiến bảng chữ cái của PGS Hiền được áp dụng thì kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, thụt lùi nền giáo dục.

Đồng thời, sẽ những người đã học hệ thống chữ viết cũ phải học lại hệ thống chữ mới, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo quan trọng, các văn bản pháp lý… sẽ phải biên soạn lại bằng kiểu chữ mới.

Tất cả các bảng hiệu quảng cáo, tên cơ quan, đường phố…hiện hành cũng phải trình bày lại.

Đề xuất thay đổi một số chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.
Đề xuất thay đổi một số chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.

"PGS Hiền cho rằng, việc cải tiến giúp tiết kiệm thời gian gõ, viết văn bản, một tờ giấy in ra số dòng chữ có thể ngắn lại... nhưng với hệ lụy ở trên thì tiết kiệm đâu chưa thấy, trong khi lãng phí về thời gian, tiền bạc mà nó mang lại chắc chắn sẽ nhiều vô kể", GS Thịnh nêu.

Thứ ba, khi hệ thống chữ viết cải cách này được áp dụng thì toàn bộ kho sách tiếng Việt được viết và in theo chữ quốc ngữ hiện hành, các sách vở, bảng chữ cái sẽ trở nên khó đọc, khó hiểu đối với các thế hệ sau.

Đồng thời, dần dần sẽ không còn ai muốn đọc, ngoài các nhà nghiên cứu và cũng là một sự lãng phí không hề nhỏ về tri thức, tiền bạc.

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam bày tỏ, nếu để đọc tên rõ sáng kiến, đề xuất của PGS Hiền thì ông sẽ gọi đây là "tối kiến".

"Bởi sáng kiến thì phải mang lại lợi ích nhưng đây chưa thấy lợi ích đâu mà chỉ nhìn thấy nhiều hại ích. Do đó, tôi gọi đây là tối kiến của nhà khoa học", ông nói thêm.

Ông cũng nhấn mạnh: "Dù không khả thi thì đây cũng là sự nghiên cứu, tấm lòng của nhà khoa học nên chúng ta có thể tranh luận, không đồng ý nhưng đừng nên ném đá, xúc phạm, mắng chửi. Bởi những điều đó là phản khoa học, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác".

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM