Greta Thunberg: Nữ anh hùng cứu trái đất hay sự vô tri của một đứa trẻ?

27/09/2019 07:13 AM | Sống

Xã hội đang vận hành theo một cấu trúc phức tạp và việc bảo vệ môi trường khó khăn hơn nhiều so với việc chỉ đi biểu tình, diễn thuyết hay chửi bới lẫn nhau.

Trong vài ngày trở lại đây, cái tên Greta Thunberg đã được giới truyền thông chú ý khi chỉ trích thẳng mặt các nhà lãnh đạo thế giới khi phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu tại Liên Hiệp Quốc. Ngay sau bài diễn thuyết của cô bé 16 tuổi, hàng loạt những nhà bảo vệ môi trường đã lên tiếng ủng hộ, giới trẻ tung hô cô như một anh hùng nhỏ tuổi, là nhà lãnh đạo tiếp theo của thế hệ sau.

Tuy vậy, hãng tin CNBC cho rằng bài thuyết trình của Greta chứng tỏ một quan điểm non nớt, mang tính cá nhân hóa và có vai trò quảng bá (PR) hơn là sẽ đóng góp thực sự cho môi trường. Cô bé đang cố gắng chuyển trách nhiệm bảo vệ môi trường của tất cả mọi người lên một số cá nhân, chính phủ và tập đoàn lớn trong khi thực ra đó là câu chuyện của tất cả mọi người.

Ngoài ra, Greta cũng chỉ trích những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chỉ lo phát triển kinh tế mà chưa làm đủ nhiều để cứu thế giới khỏi thảm họa biến đổi khí hậu.

Greta Thunberg: Nữ anh hùng cứu trái đất hay sự vô tri của một đứa trẻ? - Ảnh 1.

Một điều trớ trêu là những thông điệp của Greta đã được thế giới làm rất nhiều năm qua, từ sử dụng năng lượng sinh học đến các chiến dịch tìm ra vật liệu mới thân thiện với môi trường. Rất nhiều những nghiên cứu và phân tích đã được tiến hành, trong khi các chuyên gia và chính phủ cũng đã bắt tay để bảo vệ môi trường nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, họ không thể từ bỏ tất cả để chỉ bảo vệ môi trường như những gì bản thân cô bé Greta đang làm.

Xin được nhắc lại bất cứ dự án hay nghiên cứu nào bảo vệ môi trường cũng sẽ không khả thi nếu không có sự đầu tư. Nói đơn giản hơn nếu không có sự phát triển kinh tế thương mại, điều mà các nhà lãnh đạo đang thảo luận cũng như bị cô bé Greta chỉ trích, các chiến dịch bảo vệ môi trường sẽ chỉ là lời nói suông hoặc mang tính phong trào nhất thời.

Không phải các nhà hoạt động xã hội, đây mới là anh hùng cứu trái đất

Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, lợi ích tư bản là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy con người tiến lên. Đến ngày nay, ai cũng hiểu nếu không có tiền, những dự án lớn sẽ chỉ nằm trên giấy hoặc mang tính tự phát.

Bởi vậy, trên thực tế chính những nhà tư bản, chính phủ và việc phát triển kinh tế mới là tiền đề vững chắc cho công cuộc bảo vệ môi trường cũng như trái đất. Mặc dù chính họ cũng là thủ phạm khiến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nhưng để cứu trái đất thì những thành phần trên mới có đủ nguồn lực để thực hiện.

Nếu không có sự phát triển của tư bản, chúng ta vẫn sẽ chỉ là những loài động vật ăn lông ở lỗ, sẽ chẳng có khoa học hay nghiên cứu nào cả, sẽ chẳng có tiến bộ hay thậm chí là nhận thức về ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, việc con người đi lên khiến môi trường bị ảnh hưởng, nhưng cũng chỉ chính con người mới cứu được trái đất và người "anh hùng" trong câu chuyện này chỉ có thể là những "tội đồ" mà cô bé Greta nhắc tới.

Hãy nhìn những ví dụ về các quốc gia được mệnh danh là xanh sạch đẹp, có đất nước nào bảo vệ tốt được môi trường mà không phát triển kinh tế hay không? Từ các nước Bắc Âu cho đến quốc gia sạch nhất thế giới Singapore, từ những nền văn hóa lịch sự như Nhật Bản cho đến các nước phát triển Châu Âu.

Greta Thunberg: Nữ anh hùng cứu trái đất hay sự vô tri của một đứa trẻ? - Ảnh 2.

Những công trình đốt rác thành điện ở Na Uy, kiểm soát săn bắt cá có hệ thống ở Châu Âu, quy định cấm vứt rác bừa bãi ở Singapore hay việc phân loại rác ở Nhật Bản, tất cả chúng đều có sự dính dáng đến tiền bạc và lợi ích nhất định. Không có tiền để phát triển kinh tế, các nhà hoạt động xã hội như Greta sẽ chẳng có gì ngoài lý thuyết suông.

Thực sự là anh hùng?

Nếu như đã từng đọc tiểu sử của Greta Thunberg, nhiều người chắc chắn sẽ biết đến câu chuyện cô bé bỏ học để đi biểu tình vì môi trường, cấm bố mẹ không được đi máy bay để giảm ô nhiễm… Tuy nhiên lật lại vấn đề, không nhiều người trong chúng ta có thể từ bỏ tất cả chỉ để chăm chăm bảo vệ môi trường.

Theo lý thuyết tháp nhu cầu Maslow, còn người cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản trước rồi mới có thể lo lắng đến thứ khác. Các bậc phụ huynh chẳng thể từ bỏ phương tiện để đi bộ đến chỗ làm nhằm bảo vệ môi trường, các em nhỏ cũng không thể không đến lớp để suốt ngày đi biểu tình.

Mọi người cần phải mưu sinh và có cuộc sống ấm no trước rồi mới có thể nghĩ đến những thứ khác. Chẳng có nơi nghèo đói nào trên thế giới mà con người bảo vệ tốt được thiên nhiên. Có chăng thì cũng nhờ nguồn tiền từ nước ngoài hay các tổ chức quốc tế.

Mục đích của Greta là tốt, nhưng noi gương theo cô bé là điều nguy hiểm.

Sau bài phát biểu của Greta, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phải lên tiếng rằng các bậc phụ huynh nên giáo dục con cái để chúng hiểu rõ tình hình hơn là mặc kệ các em phát triển mà không hiểu rõ bối cảnh.

Trong bài diễn thuyết, Greta hùng hồn tuyên bố nhân loại sẽ diệt vong sau 12 năm bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng em không chỉ ra rõ ràng được là dựa trên những nghiên cứu và bằng chứng khoa học nào để đi đến kết luận đó. Tuy nhiên, điều chắc chắn mà mọi người đều biết rằng nếu chấm dứt phát triển kinh tế, đổ mọi nguồn lực cho bảo vệ môi trường, xã hội con người sẽ chấm dứt nhanh chóng.

Greta Thunberg: Nữ anh hùng cứu trái đất hay sự vô tri của một đứa trẻ? - Ảnh 3.

Không có tiền, ngành y tế sẽ chẳng có thuốc men để chữa bệnh. Không có tiền, nhu yếu phẩm sẽ chẳng thể lưu thông hay sản xuất. Không có tiền, con người sẽ phải tranh giành, cắn xé lẫn nhau như thời kỳ đồ đá để giành lấy nguồn tài nguyên, nhu yếu phẩm cho mình.

Năm 1939, cả thế giới lâm vào cuộc Thế chiến II đẫm máu với hơn 70 triệu người chết và 60% trong số đó là thường dân. Cội nguồn của cuộc chiến tranh đẫm máu này cũng bắt nguồn từ những lời hùng biện thiếu xác thực nhưng đầy tính lan truyền của Adolf Hitler.

Bài phát biểu của Greta chưa nghiêm trọng đến mức đó nhưng chúng đang tạo một sự giận dữ vô tri trên cộng đồng mạng. Xã hội đang vận hành theo một cấu trúc phức tạp và việc bảo vệ môi trường khó khăn hơn nhiều so với việc chỉ đi biểu tình, diễn thuyết hay chửi bới lẫn nhau.

AB

Cùng chuyên mục
XEM