GrabBike vs UberMoto: Cuộc chiến từ cú chạm smartphone tới chiếc yên xe và từng ngã tư đường phố

22/06/2017 10:48 AM | Kinh doanh

Bên cạnh những hình thức khuyến mãi cho người sử dụng, thưởng cho lái xe hoàn thành chỉ tiêu… cuộc chiến giữa hai ứng dụng gọi xe phổ biến tại Việt Nam đang trở nên nóng hơn khi có thông tin Grab lôi kéo lái xe Uber qua hình thức giả làm khách hàng,

Ra đường vào giờ tan tầm, không khó để nhận ra bóng dáng những người xe ôm áo xanh lá GrabBike, đang ngập tràn khắp mọi ngõ ngách. Hình ảnh “cánh” xe ôm Grab cũng thường được bắt gặp tụ tập tại các bến xe, các chân tòa nhà chung cư hay văn phòng. Nếu so ra, cả về số lượng và màu sắc, Uber đang có phần "lép vế" hơn khi sắc xanh da trời khá nhạt nhòa trên các ngả đường đông đúc.

Dù vậy, có thông tin gần đây, để mở rộng mạng lưới hoạt động, GrabBike còn tính chuyện câu kéo lái xe ôm bên Uber sang bằng cách đóng giả khách hàng, tìm cách gợi chuyện rồi đưa đề nghị, thậm chí "kí hợp đồng luôn trên yên xe".

Để tìm hiểu về câu chuyện này, chúng tôi đã khảo sát ý kiến của một số tài xế đang chạy xe cho 2 ứng dụng này, cũng như tìm kiếm các thông tin tham khảo về chính sách 2 bên.

Cuộc chiến từ chiếc yên xe

Hưng, một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, anh thường tranh thủ chạy UberMoto vào giờ đi làm và tan tầm để "kiếm thêm thu nhập và để có thêm bạn đi đường cho vui".

Một lần, khi dừng xe tại khu đô thị Văn Quán để đón một vị khách nam. Sau khi lên xe, hỏi han một số thông tin cơ bản của Hưng, người này khéo léo lái câu chuyện sang hướng thu nhập và ưu đãi khi chạy cho Uber, hứa hẹn Hưng sẽ có mức thu nhập tốt hơn nếu chuyển sang chạy cho Grab.

“Anh đấy mang sẵn hợp đồng, mình đồng ý là ký luôn. Thực ra vì trước khi chạy, mình cũng tìm hiểu kỹ rồi. Chiết khấu (phần doanh thu công ty giữ lại - PV) của Grab chỉ 15% thấp hơn Uber (25%), nhưng Uber hỗ trợ cho tài nhiều hơn. Mình cũng chỉ tranh thủ chạy lúc rảnh, không phải lúc nào cũng chạy xe được nên từ chối”, Hưng chia sẻ.

Giống như Hưng, anh Quân, một lái xe Uber đến từ Phú Thọ, cũng được mời chào gia nhập mạng lưới Grab với nhiều mức thưởng nếu hoàn thành số chuyến nhất định. Vì lời đề nghị hấp dẫn, anh Quân đã đồng ý và hiện chạy cho cả hai hãng cùng một lúc.

“Mình cứ mở cả 2 ứng dụng thôi. Bên nào có khách là mình đi. Cái nghề bán sức lao động này, càng chạy được nhiều càng tốt. Bên Grab đông hơn nên thường tập trung đông ở các ngã tư và tòa nhà hơn Uber, vì thế cũng cạnh tranh hơn”, anh Quân bộc bạch.

Tới mặt trận giá và khuyến mại

So về thời điểm triển khai dịch vụ gọi xe máy, dịch vụ Grabbike có mặt ở Việt Nam từ năm 2014, sớm hơn UberMoto 2 năm (ra mắt tháng 4/2016).

Grab đã khá nhanh chân mở rộng dịch vụ hoạt động từ kết nối khách hàng với taxi, xe ôm, sang vận chuyển hàng hóa và đi chung xe (GrabShare). Trong khi đó Uber vẫn đang giới hạn ở dịch vụ kết nối giữa hàng khách và tài xế.

Ông Lim Yen Hock, Giám đốc phụ trách Grab Việt Nam đã từng chia sẻ như sau: “Tại Việt Nam, hãng không có con số cụ thể về thị phần, nhưng có thể thấy áo xanh ở khắp nơi. Chúng tôi đang đứng số 1 về ứng dụng đặt xe trên di động tại Việt Nam”.

Xét về giá cả, với cùng một quãng đường, không có sự chênh lệch quá nhiều về số tiền khách hàng phải trả nếu di chuyển bằng dịch vụ xe ôm của cả 2 hãng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng Grab hay tặng mã khuyến mãi hơn Uber nên họ nghiêng về ứng dụng gọi xe của Malaysia.


So sánh dịch vụ GrabBike và UberMoto

So sánh dịch vụ GrabBike và UberMoto

Bảng giá dịch vụ của 2 ứng dụng.
Bảng giá dịch vụ của 2 ứng dụng.

“Mấy ngày nay, Grab có mã khuyến mãi lên tới 30.000, 40.000 đồng một chuyến đi nên mình toàn gọi Grab dù điện thoại có cài cả hai phần mềm”, chị Linh, Đống Đa (Hà Nội) cho biết.

Chi Linh cũng nói thêm rằng chị có phần “ưu ái” Grab hơn khi hãng này tặng 30.000 đồng với tối đa 5 chuyến đi nếu khách hàng giới thiệu thêm một người nữa cùng sử dụng, trong khi Uber chỉ là 20.000 đồng. Ngoài ra với mỗi lần hủy chuyến, khách hàng của Uber sẽ phải trả phí 5.000 đồng trong khi Grab không tính mức phí này.

Hiện không có số liệu chứng minh Uber hay Grab đang chiếm thị phần tốt hơn, hay thu nhập từ tài xế bên nào cao hơn, nhưng có thể thấy chắc chắn, Uber và Grab đang tạo ra sân chơi mới cho thị trường kinh doanh vận tải Việt Nam, giảm chi phí đi lại và mang nhiều lợi ích cho khách hàng.

Vì là cuộc chiến đường dài nên bên nào cung cấp dịch vụ tốt hơn, giữ chân được khách hàng cũng như những người lao động ở lại với mình, bên ấy sẽ chiến thắng.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM