Gói 16 nghìn tỷ: Chỉ doanh nghiệp 'chết' mới có thể vay

12/06/2020 09:18 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuẩn bị sẵn sàng 16 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay chưa có doang nghiệp nào tiếp cận được gói vay này. Theo các doanh nghiệp, để đáp ứng đủ các tiêu chí do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, chỉ có doanh nghiệp “chết” mới vay được.

Là một trong những lãnh đạo DN háo hức chờ gói vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ, nhưng ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng Jean (quận 1, TPHCM) tỏ ra “thất vọng” khi hồ sơ của công ty bị loại ngay từ vòng gửi xe.

Ông Việt cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt đối tác tạm dừng nhập hàng khiến dòng tiền của công ty đứt quãng. Công ty rất cần tiền để chi trả các khoản lương cho công nhân, bởi chỉ riêng khoản này, mỗi tháng công ty phải chi tới gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ, thủ tục vay tiền, công ty không đáp ứng được.

"Riêng gói này, sau khi đọc xong, nói thật công ty bỏ sang ngay một bên vì nếu đáp ứng đủ, công ty đã phá sản rồi. Làm gì có DN nào như thế để đi vay".

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Cty TNHH Quốc Tế Delta

Ông Việt lý giải, đối với DN dệt may, trong thời gian tạm dừng sản xuất đơn hàng cho đối tác, để giữ chân NLĐ, nhiều DN đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động, đồng thời luân phiên, giảm giờ làm ở một số bộ phận.

“Như vậy, để đáp ứng tiêu chí của gói vay, chẳng lẽ công ty phải sa thải 20% công nhân? Bên cạnh đó, các tiêu chí như DN phải trả trước 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ và không phát sinh doanh thu..., công ty khó có thể đạt được”, ông Việt nói.

Bà Đặng Thị Mùi, Trưởng phòng nhân sự Cty TNHH Vina Korea (KCN Khai Quang, Vĩnh Phúc) cũng cho biết, dù đã nộp hồ sơ từ lâu nhưng đến nay công ty vẫn chưa vay được.

Nguyên nhân là khi nộp hồ sơ, công ty chưa chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (từ sổ đỏ sang sổ hồng). “Trong quy định, chúng tôi không thấy đề cập vấn đề này nhưng phía cơ quan nhà nước thông báo phải chuyển đổi để họ xác minh tài sản, tài chính. Bên cạnh đó, danh sách NLĐ của công ty cũng được rà soát rất kỹ, chỉ cần sai lệch thông tin của 1 người cũng phải làm lại”, bà Mùi nói.

Theo bà Mùi, mặc dù lệnh giãn cách xã hội đã dỡ bỏ, nhưng công ty vẫn đang gặp khó khăn về tài chính do nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm chưa nối lại được. “Công ty vẫn đang có nhu cầu vay, nhưng với quy định và điều kiện thế này, trong lần nộp hồ sơ sắp tới, không biết công ty có đáp ứng nổi hay không?”, bà Mùi nói.

Nhiều DN cho biết, có nguyện vọng được hưởng gói hỗ trợ, nhưng việc phải chứng minh được một số vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính, thuế... khiến họ ngần ngại. Bên cạnh đó, quy định không có doanh thu khiến hầu hết các DN không đáp ứng được.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Cty TNHH Quốc Tế Delta cho biết, với tiêu chí của gói vay trả lương lãi suất 0% hỗ trợ, chỉ những DN “chết” mới đủ điều kiện được vay.

Theo ông Nghĩa, nếu hết sạch tiền, DN không thể trả được 50% tiền lương cho công nhân nghỉ việc. Ngoài ra, trong thời điểm dịch COVID-19, các DN luôn phải nghĩ cách gỡ gạc lại một phần doanh thu từ các hoạt động khác để bù đắp sự sụt giảm nghiêm trọng, không có DN nào ngồi chờ “chết” để hỗ trợ cả.

“Riêng gói này, sau khi đọc xong, nói thật công ty bỏ sang ngay một bên vì nếu đáp ứng đủ, công ty đã phá sản rồi. Làm gì có DN nào như thế để đi vay”, ông Nghĩa nói.

Ðề xuất nới lỏng điều kiện

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, hiện tại, Hà Nội mới chỉ có 2 hồ sơ DN đang nộp để vay gói trả lương lãi suất 0%. Nguyên nhân là điều kiện đưa ra khắt khe khiến DN khó đáp ứng đủ.

Theo ông Dân, để hỗ trợ các DN, Bộ LĐ-TB&XH có thể đề xuất Chính phủ điều chỉnh các tiêu chí, trong đó giảm các điều kiện cho vay, chỉ cần DN chứng minh gặp khó khăn về nguồn trả lương là được.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, tính đến 10/6, có 43 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho NLĐ nghỉ việc nhưng chưa DN nào được giải ngân vì không đủ điều kiện.

Theo ông Tấn, phần lớn các DN đều không đáp ứng được tiêu chí có 20% số lao động phải ngừng việc do trong thời gian xảy ra dịch, các DN vẫn bố trí công nhân làm việc giãn ca, luân phiên. Do đó, có thể xem xét lại điều kiện này.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Cty TNHH Quốc Tế Delta cho rằng, để tạo điều kiện cho các DN vay được gói hỗ trợ, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào doanh thu của DN trong mấy tháng dịch bệnh… Ngoài ra, có thể nới rộng thêm thời gian cho vay 6-12 tháng, chứ 3 tháng như hiện nay sẽ không có nhiều ý nghĩa với DN, chưa đủ để DN kịp “thở”.

Chiều 10/6, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, bộ đang tổng hợp các ý kiến, đề xuất từ các địa phương liên quan đến việc triển khai gói 62 nghìn tỷ đồng. Đối với việc cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ, bộ đang xây dựng dự thảo để kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh lại một số điều kiện cho vay, theo hướng giảm các tiêu chí.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến nay chưa có DN nào được vay từ gói 16 nghìn tỷ đồng. Một phần do các DN bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, có DN còn tích lũy kinh phí để trả lương. Mặt khác, do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến DN e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho NLĐ.

Dương Hưng

Cùng chuyên mục
XEM