Góc tối đằng sau những bộ tóc được coi là "vàng đen" của thế giới làm đẹp

19/10/2016 16:15 PM | Sống

Được coi là "vàng đen" của thế giới làm đẹp, những mái tóc thật được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, đa phần là từ phụ nữ nghèo sau đó xử lý bằng hoá chất và được các con buôn tóc phân phối toàn cầu.

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc đã từ lâu là thú làm đẹp được nữ giới ưa chuộng, nối tóc cũng là một trong những hành động được nhiều người làm để cải thiện vóc dáng cho mái tóc của mình. Trước đây, người ta thường sử dụng tóc giả để tiết kiệm chi phí do nguồn tóc thật khan hiếm, thế nhưng giờ đây, mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, tóc thật được sử dụng nhiều hơn và có cả một ngành công nghiệp đằng sau thú vui làm đẹp đó.

Tại Anh, nối một mái tóc có giá lên tới cả nghìn Bảng, tóc được sử dụng ở đây là tóc thật, tinh khiết, sau đó sẽ được những nghệ sĩ làm tóc nối vào đầu và rồi chỉnh sửa theo ý muốn của khách hàng. Chỉ tính riêng tại xứ sở sương mù, có tới hàng chục nghìn phụ nữ sử dụng tới liệu pháp nối tóc để cải thiện nhan sắc của mình.

Những người có tóc ngắn, mỏng hoặc thưa sẽ sử dụng ghép tóc như cách thức để thay đổi hoàn toàn diện mạo.
Những người có tóc ngắn, mỏng hoặc thưa sẽ sử dụng ghép tóc như cách thức để thay đổi hoàn toàn diện mạo.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ người nối tóc thật tại Anh đã tăng 70%, 43 triệu tấn tóc được mua mỗi năm và nó đủ để cuốn quanh Trái Đất 3.200 lần.

Thế nhưng, đằng sau những mái tóc được nối cẩn thận, đắt tiền đó lại là một câu chuyện mà không phải ai cũng biết.

Tóc "trinh nguyên" tại Ấn Độ

Tại ngôi làng Yadagirigutta của Ấn Độ, rất nhiều phụ nữ nghèo khó xếp hàng để chờ được cạo đầu. Đa phần những người phụ nữ này chưa từng nhuộm tóc, chưa từng dùng các sản phẩm chăm sóc tóc, nhiều người thậm chí còn chẳng biết tới sấy tóc là gì. Những mái tóc trinh nguyên này là lựa chọn hàng đầu cho những nhà tạo mẫu tóc do chất lượng tốt của chúng.

Trong số những người phụ nữ đang xếp hàng là Lavanya Kakala, 28 tuổi, người phụ nữ trẻ tuổi vừa nuôi tóc dài ngang hông khẳng định không tiếc nuối gì khi cạo đầu.


Một người phụ nữ Ấn Độ được cạo sạch tóc trên đầu, liệu bà có biết rằng mái tóc của mình có giá trị hàng nghìn USD?

Một người phụ nữ Ấn Độ được cạo sạch tóc trên đầu, liệu bà có biết rằng mái tóc của mình có giá trị hàng nghìn USD?

Theo phong tục, những mái tóc này được cạo để trả ơn thần Vishnu trong đạo Hindu, dù biết rằng sau đó tóc sẽ bị mang đi bán nhưng những người hiến tóc đều làm việc này vì đức tin, họ cho rằng có thể nó sẽ tốt hơn với những người cần nó, những người có mái tóc xấu còn hơn là để bị vứt đi trong thùng rác.

Những mái tóc này sau đó sẽ được mang bán để gây quỹ cho các đền thờ, các hoạt động của chùa chiền.

Có những thời điểm, 50.000 người phụ nữ xếp hàng dài để chờ được hiến tóc. Đây được coi là hành động sùng đạo, sau khi cắt họ sẽ được bôi một lớp sáp lên đầu để minh chứng cho sự cống hiến của mình.

Quay trở lại với Lavanya, cô có mái tóc đen bóng thuần khiết, một mái tóc có giá trị cao trên thị trường. Điều này tới từ việc hạn chế sử dụng mỹ phẩm dưỡng tóc, chải đầu thường xuyên cũng như dùng các loại dầu dừa, sản phẩm thiên nhiên để làm sạch tóc.

Tuổi tác của mái tóc cũng là yếu tố được quan tâm, với những người dưới 24 tuổi, tóc của họ có giá trị cao hơn vì ở lứa tuổi này lượng keratin (protein giúp tóc thẳng) đang hoạt động mạnh mà hiệu quả nhất.

Sau khi được cắt bỏ, những mái tóc này sẽ được tẩy và sau đó nhuộm màu, tuỳ thuộc vào nơi mà chúng tới. Ví dụ như tại Anh, nơi có lượng lớn người tóc vàng, mái tóc từ Ấn Độ sẽ được tẩy rồi nhuộm cho phù hợp.

"Vàng đen"

Tại một ngôi đền khác, Tirumala, người ta đồn thổi rằng ngôi đền này kiếm tới 22 triệu Bảng mỗi năm chỉ với việc kinh doanh tóc. Số tiền này sau đó sẽ được sử dụng để xây dựng trường học, bệnh viện nhưng ngoài ra chỗ còn lại ít ai biết sẽ được sử dụng với mục đích nào.

Bà Emma Tarlo, giáo sư nhân chủng học tại Đại học London, người có khoảng thời gian dài nghiên cứu phụ nữ tại Ấn Độ cho rằng những người hiến tóc đều hết sức tự hào khi cho đi mái tóc, họ làm thế để tỏ lòng thành kính với đạo và ai cũng mong chờ tới ngày được hiến tóc.

Bà nhớ lại, có người phụ nữ từng kể rằng: "Mái tóc là vẻ đẹp của người phụ nữ, khi người ấy dâng hiến mái tóc của mình cho chúa trời, vẻ đẹp này tới được chúa".

Thế nhưng, đền thờ hay chùa chiền chỉ là một trong số những nơi cung cấp nên "vàng đen". Lượng lớn tóc được các con buôn lấy từ những người phụ nữ nghèo khó, trẻ em, những người sẵn sàng đánh đổi mái tóc của mình lấy vài đồng ít ỏi.

Các con buôn tại Ấn Độ tập trung tấn công nam giới, chúng hứa sẽ thưởng 6 Bảng nếu người đàn ông này mang được mái tóc của vợ đến cho chúng. Tất nhiên, đàn ông Ấn Độ nổi tiếng lỗ mãng nên họ chẳng ngại gì ép vợ mình thực hiện điều này. Đáng ngại hơn, có những băng đảng thu tóc lùng sục phụ nữ để cạo đầu họ, những người phụ nữ không chấp nhận thì bị doạ nạt và đôi khi bị đánh đập.


Bên trong một kho tóc tại Ấn Độ nơi người ta lọc và xếp tóc lại với nhau.

Bên trong một "kho tóc" tại Ấn Độ nơi người ta lọc và xếp tóc lại với nhau.

Ngoài Ấn Độ, tóc cũng được thu từ nhiều quốc gia khác nhau, mức giá cũng chênh lệch do chất lượng tóc ở từng nơi khác biệt.

Ví dụ như Tây Âu, tóc của phụ nữ nơi đây mềm và vàng tự nhiên nên giá thành rất cao, có được một mái tóc nguyên vẹn cũng là điều khó vì ít người chấp nhận hi sinh diện mạo của mình. Đây cũng là lúc mà những tin đồn xuất hiện, tin đồn về việc tóc bị khai thác trong những nhà tù Tây Âu. Mặc dù vậy chưa ai chứng minh được nhận định này.

Ở Nam Mỹ, tóc của phụ nữ Brazil và Peru được ưa chuộng do độ dày. Các con buôn tới gõ cửa từng căn hộ nghèo, họ chỉ cần đồng ý và với một nhát kéo, các con buôn thu được mái tóc nguyên vẹn.

"Vàng đen" trong rác

Trung bình mỗi ngày, một người phụ nữ rụng từ 50 tới 100 sợi tóc. Nghe có vẻ không nhiều, thế nhưng tính ở con số thành phố hoặc khu vực, số lượng tóc thu về thông qua rác thải cũng mang lại nguồn lợi khá khẩm.

Từ châu Á, Tây Âu cho tới Nam Mỹ, nghề thu tóc trong rác không phải không có thật, họ tới từng cửa hàng cắt tóc để thu hoạch tóc bị cắt đi và thu từ trong rác thải sinh hoạt tóc để gom về.


Một cơ sở thu tóc ở Trung Quốc nơi mà những người lao động được trả mức giá rẻ mạt và phải tách từng sợi tóc sau đó búi chúng lại.

Một cơ sở thu tóc ở Trung Quốc nơi mà những người lao động được trả mức giá rẻ mạt và phải tách từng sợi tóc sau đó búi chúng lại.

Chỉ tính riêng tại châu Á, có tới 500.000 người làm nghề bới tóc, những người này sau đó tập trung tóc lại và bán cho các con buôn để kiếm tiền, mặc dù số tiền bán chẳng được bao nhiêu do chất lượng tóc kém và sự không đồng nhất trong kiểu tóc.

Quá trình chuyển hoá thành tiền

Một khi tóc đã được thu hoạch, nó sẽ được gói lại thành từng cọc giống như những cọc rơm tròn mà người ta vẫn hay cuốn, sau đó được di chuyển tới các nhà máy và xử lý bởi công nhân.

Việc cạnh tranh trong nghề thu hoạch tóc hoàn toàn có thật, khi mà những cọc tóc này dễ bị đánh cắp nên việc chúng được vận chuyển ra sao vẫn là bí mật với nhiều người. Mỗi nhà máy lại có cách thức, công thức xử lý tóc riêng nên thành phẩm không nơi nào giống nơi nào. Điểm chung duy nhất là ngành công nghiệp này mang về lợi nhuận rất lớn, đó cũng là lý do tại sao chúng được gọi là "vàng đen".

Xử lý tóc thô

Khi tóc được đưa đến nhà máy, việc đầu tiên chúng được xử lý chính là gỡ ra để không bị rối. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là quá trình tốt thời gian, mệt mỏi và áp lực nhất, vì đặc thù nên những người làm công việc này cũng chỉ được trả khoản tiền hết sức ít ỏi. Kể cả người làm nhanh nhất cũng chỉ có thể gỡ được 150g tóc mỗi ngày.

Sau khi được gỡ, tóc sẽ được cố định và chải thật đều để mượt, thẳng trở lại. Điều này giúp cho tóc dễ xử lý hơn trong những khâu tiếp theo.

Giai đoạn kế tiếp là phân loại, tóc sẽ được phân loại theo màu cùng chiều dài, sau đó buộc lại thành từng túm. Ở giai đoạn này những mái tóc thành phẩm sẽ chẳng khác gì mới được cắt, chúng thẳng, gọn gàng và có độ dài bằng nhau.

Xử lý với hoá chất

Sau khi được chia thành các túm có độ dài bằng nhau, tóc được xử lý với hoá chất để đổi màu, tẩy rửa, làm sạch... Những loại tóc có chất lượng kém thì được nhúng vào axit nhẹ để loại bỏ cặn bẩn, vi trùng.

Còn các loại tóc cao cấp hơn được ngâm với dung dịch làm sạch bí mật để khôi phục lại độ bóng. Công thức này khác nhau ở mỗi nơi xử lý nên không ai biết chúng bao gồm những gì.


Những mái tóc sau khi được ngâm hoá chất và phơi khô sẽ trông như thế này.

Những mái tóc sau khi được ngâm hoá chất và phơi khô sẽ trông như thế này.

Sau khi quá trình ngâm hoá chất hoàn thành, tóc sẽ được phơi, nhuộm và tiếp tục xử lý tới 20 ngày để cho ra thành phẩm. Quá trình kéo dài sẽ giúp tóc giữ màu tốt hơn, đàn hồi hơn, thật hơn.

Nếu như tóc được đặt hàng để cong, nó sẽ được tiếp tục sấy và uốn ở nhiệt độ 240 độ C.

Quá trình làm đẹp bắt đầu

Tóc sau khi hoàn thiện sẽ được xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, những người được ghép tóc chẳng quan tâm nó có xuất xứ từ đâu, thứ mà họ quan tâm chỉ là chất lượng, màu sắc cũng như giá thành mà nhà tạo mẫu tóc tính cho họ. Tuỳ thuộc vào độ dài mà việc ghép tóc có thể có giá từ 790 cho tới 1.200 Bảng Anh.

Tóc được nối với da đầu bằng keo keratin và sẽ được xử lý để giống như chúng là tóc mọc thật. Mỗi mái đầu này được ước tính sẽ có tuổi thọ chỉ 3 tháng cho tới khi tóc thật mọc ra và tóc ghép không còn sát với da đầu. Người ghép tóc có thể ghép lại vài lần bằng cách sử dụng lại keo keratin thế nhưng đa phần họ thay đổi kiểu tóc và bỏ luôn những gì đã ghép.

Van Vu

Cùng chuyên mục
XEM