Góc tối của thung lũng Silicon: Các startup non trẻ ngày càng khó sống vì chi phí quá đắt đỏ

27/09/2018 13:29 PM | Kinh doanh

Thung lũng Silicon vẫn là nơi ươm mầm các ý tưởng mới, biến giấc mơ tay trắng làm nên khối tài sản kếch xù thành hiện thực và nơi tạo ra những sản phẩm có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Tuy nhiên, có lẽ trong tương lai vùng này sẽ không bao giờ có thể thống trị thế giới công nghệ theo cách đã làm trong mấy chục năm qua.

Garage ô tô nơi 2 nhà sáng lập của công ty máy tính Hewlett-Packard lập nghiệp năm 1939 giờ đã trở thành 1 viện bảo tàng tư nhân biểu trưng cho tính sáng tạo và tinh thần doanh nhân của thung lũng Silicon . Từ Palo Alto lái xe khoảng 20 phút đi về phía Nam, bạn sẽ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác với ít bóng dáng của công nghệ hơn. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, kỷ lục mới đã được lập khi 1 căn nhà 2 phòng ngủ có garage tương tự như nơi HP chào đời đã được bán với giá 2 triệu USD, cao hơn 40% so với giá chào bán chỉ sau 2 ngày rao bán. Tức là mỗi m2 có giá khoảng 25.386 USD.

Ajay Royan của quỹ đầu tư Mithril Capital đã phải thốt lên rằng: "Làm sao có thể khởi nghiệp trong 1 garage có giá triệu đô?"

Thành công vang dội của ngành công nghệ đã khiến vùng này trở thành nơi có chi phí sống cao nhất ở Mỹ. Giá nhà trung bình là 940.000 USD, cao gấp 4,5 lần so với mức trung bình cả nước. Ở San Francisco một hộ gia đình có thu nhập dưới 120.000 USD sẽ được xếp vào nhóm "thu nhập thấp".

Năm ngoái, có nhiều người Mỹ chuyển đi khỏi San Francisco hơn là dọn đến đây. Theo 1 khảo sát mới được thực hiện, 46% người được hỏi cho biết họ có kế hoạch rời khỏi vùng này trong vài năm tới, tăng so với tỷ lệ 36% trong năm 2016. Nhiều doanh nhân trẻ cho biết dự án tiếp theo của họ sẽ vẫn có 1 nhóm nhỏ hoạt động ở Bay Area nhưng sẽ thuê phần lớn các kỹ sư phần mềm từ các thành phố khác, nơi có chi phí rẻ hơn.

Thung lũng Silicon vẫn là nơi ươm mầm các ý tưởng mới, biến giấc mơ tay trắng làm nên khối tài sản kếch xù thành hiện thực và nơi tạo ra những sản phẩm có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Tuy nhiên, có lẽ trong tương lai vùng này sẽ không bao giờ có thể thống trị thế giới công nghệ theo cách đã làm trong mấy chục năm qua.

Góc tối của thung lũng Silicon: Các startup non trẻ ngày càng khó sống vì chi phí quá đắt đỏ  - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều người rời khỏi San Francisco hơn là dọn đến đây.

Cuộc sống ở thung lũng Silicon không còn màu hồng

Chi phí sinh hoạt và vận hành 1 doanh nghiệp quá cao khiến nhiều người ra đi, và sự thống trị của các công ty lớn ảnh hưởng quá nhiều đến con đường thành công của những startup non trẻ, trong khi các chính sách không thuận lợi của chính phủ đe dọa đến sự năng động của thung lũng Silicon.

Chính những sản phẩm và dịch vụ mà thung lũng Silicon tạo ra đã thay đổi các thức các công ty vận hành và đẩy họ ra khỏi thung lũng. Công nghệ giúp việc khởi nghiệp ở nơi khác dễ dàng hơn, và các startup cũng có thể kết nối với văn hóa của thung lũng Silicon qua các ứng dụng nhắn tin, họp hội nghị bằng video... Họ vẫn hiện diện ở đây, nhưng phần lớn nhân viên lại ở nơi khác.

Với mạng lưới chuyên gia hùng mạnh, các trường đại học top đầu, văn hóa chấp nhận rủi ro cao, các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của và lịch sử chứng kiến nhiều startup lớn mạnh thành những "gã khổng lồ", thung lũng Silicon đã trở thành chuẩn mực để các trung tâm công nghệ khác học tập.

Trong những năm 1960, đây là nơi diễn ra cuộc cách mạng về chip bán dẫn, đến những năm 1990 là nơi khơi mào cho sự bùng nổ của Internet. Gần đây hơn, các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon đã tạo ra hệ điều hành mà hơn 95% smartphone trên thế giới đang sử dụng.

Từ năm 2010 đến nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm rót tổng cộng 168 tỷ USD vào các công ty ở Bay Area– tương đương 1/3 số tiền đầu tư vào Mỹ. Quý II/2018, thung lũng Silicon trở thành "nhà" của 3 trong số 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất: Apple, Alphabet và Facebook (tổng giá trị đạt gần 2.500 tỷ USD). Apple và Alphabet được sinh ra trong những garage ô tô ở Los Altos và Melo Park. Nơi đây cũng tập trung 57 kỳ lân – startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có những cái tên quen thuộc như Airbnb và Uber.

Lịch sử thung lũng Silicon cũng chứng kiến không ít nốt trầm: đầu những năm 1980, các nhà sản xuất chip ở đây thất thế trước các đối thủ Nhật Bản và đến năm 2000 là bong bóng dot-com. Nhưng nhìn chung thì vùng này vẫn tiến lên và bỏ xa các đối thủ.

Cái bóng của những ông lớn

Giáo sư AnnaLee Saxenian của ĐH California, là người đã dành cả sự nghiệp để "bảo vệ sức mạnh của thung lũng Silicon bất kỳ khi nào có người nói rằng sức mạnh ấy đã tắt". Tuy nhiên, giờ đây bà cho rằng đã thời thế đã thay đổi.

Trong nghiên cứu xuất bản năm 1994 có tiêu đề "Lợi thế vùng", bà Saxenian đã so sánh văn hóa của thung lũng Silicon với đối thủ là trung tâm công nghệ phát triển quanh Boston, Massachusetts (hay còn gọi là Route 128). Cuối những năm 1980 thung lũng Silicon vượt lên là bởi Route 128 bị thống trị bởi những công ty hùng mạnh nhưng đậm tính hướng nội, coi trọng sự trung thành và không khuyến khích nhân viên khởi nghiệp. Ngược lại, ở thung lũng Silicon thông tin được chia sẻ tự do và các công ty đã ổn định sẵn sàng giúp đỡ các startup.

Tuy nhiên, theo bà Saxenian, ở thời điểm hiện tại vấn đề của Boston đang xuất hiện ở thung lũng Silicon. Các ông lớn khiến các startup non trẻ khó có thể tăng trưởng. Họ sẽ bị bắt chước, bị loại khỏi cuộc chơi hoặc bị thâu tóm từ sớm. Thậm chí đã xuất hiện khái niệm "vùng chết chóc" ở thung lũng Silicon, nơi các startup không thể tồn tại.

Các ông lớn còn gây ra những phiền phức khác. Xưa kia làm việc cho 1 công ty lớn sẽ đem đến sự an toàn nhưng lợi ích tài chính sẽ thấp hơn, trừ khi bạn là lãnh đạo cấp cao. Các nhà sáng lập và những nhân viên đầu tiên của các startup là những người kiếm được nhiều tiền nhất.

Hiện nay các mô hình kinh doanh sinh lời, lượng tiền mặt dồi dào và giá cổ phiếu tăng liên tiếp giúp các ông lớn có thể trả mức lương hậu hĩnh cho nhân viên. Làm cho startup có nhiều rủi ro hơn, trong khi lợi ích không quá khác biệt so với những gì bạn thu về sau khi làm việc ở Google hay Facebook cùng một thời gian.

Năm 2017, Alphabet, Apple và Facebook phát hành 16,2 tỷ USD cổ phiếu thưởng. Kể cả các quản lý cấp trung cũng được chi trả hậu hĩnh, trung bình ở Facebook là 240.000 USD, Alphabet vào khoảng 200.000 USD.

Airbnb và Uber đã huy động được rất nhiều tiền mặt và có thể cạnh tranh trong thế giới kim tiền này. Tất nhiên rất khó để đối đầu với các công ty lớn và cơ hội thành công cũng quá nhỏ, nhưng khi những thứ như văn phòng làm việc và nguồn nhân lực ở trong tầm với, các công ty non trẻ với những kẻ mơ mộng vẫn có động lực để thử sức. Còn với mức giá cả đắt đỏ như hiện nay, họ bị chùn chân.

Chi phí cho 1 startup ở Bay Area hiện cao gấp 4 lần so với ở các thành phố khác. Hiện nhiều startup mới chỉ tuyển được 15% chỉ tiêu nhân sự năm 2018, khiến triển vọng càng trở nên tăm tối. Theo số liệu của CBRE, tốn khoảng 62,4 triệu USD mỗi năm để vận hành 1 startup quy mô 500 người với văn phòng 7.000m2 tại San Francisco, cao hơn 47% so với Portland và 49% so với Atlanta, cao gấp đôi so với ở Vancouver và Toronto.

Slack - ứng dụng nhắn tin nơi công sở - là 1 trường hợp ngoại lệ ra đời năm 2013 và đã được định giá 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, ông chủ của nó, Stewart Butterfield, là 1 doanh nhân giàu kinh nghiệm đã từng thành công với Flickr và bán nó cho Yahoo năm 2005. Ngày càng có ít hơn những doanh nhân tạo ra được đột phá ngay trong lần đầu thử sức.

Thực trạng hiện nay không chỉ tồi tệ cho các startup mà còn tồi tệ cho sự đa dạng của thế giới công nghệ trong tương lai. Những con người tài năng vẫn có thể triển khai các ý tưởng mới ở bên trong các ông lớn, nhưng mức độ mới mẻ và "điên rồ" sẽ bị giảm xuống.

Góc tối của thung lũng Silicon: Các startup non trẻ ngày càng khó sống vì chi phí quá đắt đỏ  - Ảnh 2.

Chi phí thuê văn phòng ở San Francisco đắt đỏ ngang với Manhattan.

Vấn đề của Route 128 không chỉ nằm ở văn hóa. Họ đã theo đuổi công nghệ máy tính mini vào đúng thời điểm thị trường không còn cần đến nó. Với smartphone đã trở nên phổ biến và mạng xã hội cũng đã xuất hiện được 1 thập kỷ, ngày càng có nhiều người trong thế giới công nghệ lo lắng đâu là thứ tạo nên đột phá tiếp theo, và liệu điều đó có xảy ra ở thung lũng Silicon?

Lấy ví dụ trong lĩnh vực điện toán đám mây, mảng kinh doanh ngày càng sinh lợi nhiều hơn cho cả Amazon và Microsoft. Nếu một trong hai công ty này có thể biến nền tảng điện toán đám mây thành thứ hùng mạnh như vị thế của hệ điều hành Windows trong kỷ nguyên máy tính cá nhân, thế giới công nghệ sẽ dịch chuyển mạnh về Seattle, nơi đặt trụ sở của cả 2 ông lớn này và cũng có cuộc sống "dễ thở" hơn so với thung lũng Silicon.

Các lĩnh vực khác có thể làm giảm sút quyền lực của thung lũng là blockchain hoặc máy tính lượng tử. Đặc trưng của blockchain là tính phi tập trung, trong khi máy tính lượng tử có thể khiến thế giới công nghệ dịch chuyển về tận Trung Quốc.

Rất nhiều người Mỹ đang lo ngại về người nhập cư, và Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra rất quyết tâm trong việc hạn chế người nhập cư. Đó là tin buồn đối với thung lũng Silicon khi mà hơn một nửa các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ được thành lập bởi người nhập cư hoặc con cháu của họ. Mặc dù giới công nghệ cũng đã hăng hái vận động hành lang, chính quyền Trump vẫn áp dụng một số luật lệ mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân lực của thung lũng Silicon.

Thay vì xây dựng nhiều nhà ở giá rẻ, thứ mà Bay Area rất cần hiện nay, các chính trị gia San Francisco lại đang bàn luận về việc buộc các doanh nghiệp công nghệ xóa bỏ canteen trong văn phòng. Cũng không thấy bóng dáng các dự án cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tắc đường.

Những lựa chọn mới của các công ty công nghệ

Đối mặt với những khó khăn hiện tại, các doanh nhân từng có ý định chỉ gói gọn doanh nghiệp của mình ở thung lũng Silicon đang nghĩ đến 3 lựa chọn: chuyển hẳn đến nơi khác, chuyển trụ sở đến nơi khác khi đạt đến quy mô nhất định hoặc vẫn để trụ sở ở thung lũng nhưng sẽ mở rộng hoạt động ở nơi khác.

Công ty chuyên về phần mềm kế toán Indinero là 1 ví dụ. Jessica Mah, bà chủ 28 tuổi của Indinero, sinh ra và lớn lên New York City. Cô khởi nghiệp từ khi học cấp 2 và sau này chọn ngành khoa học máy tính tại ĐH California. Sau khi tốt nghiệp cô về làm việc cho Y Combinator, vườn ươm startup ở Mountain View. Năm 2009 Indinero bắt đầu xây dựng Indinero ở San Francisco.

Góc tối của thung lũng Silicon: Các startup non trẻ ngày càng khó sống vì chi phí quá đắt đỏ  - Ảnh 3.

Các kỳ lân công nghệ đang nổi lên ở những nơi khác ở bên ngoài thung lũng.

Tuy nhiên đến năm 2014 Mah nhận ra rằng "chẳng có cách nào để xây dựng 1 công ty có lợi nhuận ở Bay Area, tôi phải mở rộng công ty ở nơi khác". Hiện Indinero có 200 nhân viên nhưng chỉ khoảng 30 người làm việc ở Bay Area, trong khi trụ sở đặt ở Portland và có cả cơ sở ở Philippines. Cuộc sống của Mah tràn ngập các chuyến đi công tác và những cuộc họp trực tuyến, nhưng cô thừa nhận rằng cách làm hiện nay giúp tiết kiệm hàng triệu USD.

Portland, Oregon; Austin, Texas; Vancouver; London; Berlin đang nổi lên là những nơi đến hấp dẫn trong mắt các công ty công nghệ. Bắc Kinh và Thâm Quyến cũng ngày càng trở nên quan trọng.

"Thung lũng Silicon sẽ tiếp tục là hệ sinh thái sáng tạo mạnh mẽ nhất thế giới, nhưng về cơ bản nó sẽ ngày càng ít quan trọng hơn", theo dự báo của Steve Case, người đang điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Revolution. Đặt trụ sở ở Washington, DC, Revolution đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở bên ngoài thung lũng.

Theo CB Insights, nếu như năm 2013 các nhà đầu tư của thung lũng Silicon rót một nửa tiền của họ vào các startup bên ngoài thì năm nay tỷ lệ đã tăng lên 62%. Năm 2013, 41% các kỳ lân công nghệ của thế giới tập trung ở thung lũng Silicon nhưng ngày nay con số đã giảm xuống còn 16%, 35% ở Trung Quốc.

Đến thung lũng Silicon để kết nối và huy động vốn vẫn là lựa chọn hàng đầu, nhưng theo Peter Thiel, bắt buộc phải ở lại và mở rộng hoạt động kinh doanh ở đó không còn là việc quan trọng nữa. Phố Wall cũng đã trải qua thời kỳ tương tự, giờ đây cái tên này trở thành đại diện cho cả ngành tài chính chứ không chỉ là 1 địa điểm đơn thuần.

Theo Thu Hương

Từ khóa:  thung lũng Silicon
Cùng chuyên mục
XEM