Góc tâm lý học: Đổ lỗi chỉ trích khi đội nhà thua thì dễ lắm, nhưng hãy nghĩ về hậu quả về sau

02/09/2018 15:00 PM | Sống

Đây là điều đã được khoa học chứng minh hẳn hoi. Bạn có nên chỉ trích người khác không, tự đọc để hiểu nhé!

Olympic Việt Nam đã thua, vuột mất tấm HCĐ một cách đầy tiếc nuối tại ASIAD 2018 lần này. Đội nhà thua, ai cũng đau khổ. 90 triệu trái tim người Việt đã đổ lệ khi thấy đội nhà bỏ lỡ cơ hội làm nên lịch sử.

Khổ nỗi tuyệt vọng chán, cư dân mạng bắt đầu thực hiện điều mà họ giỏi nhất, đó là đổ lỗi.

Đây có thể xem là một môn... nghệ thuật, dồn hết trách nhiệm về thất bại xuống đầu một nhân vật nào đó. Và lần này, người bị chỉ trích là Quang Hải và thầy Park Hang Seo. Họ cũng tìm đến cả vị trọng tài người Hàn Quốc đã có một số quyết định gây tranh cãi trong trận đấu với UAE nữa.

Vì sao người ta thích đổ lỗi đến vậy?

Như đã nêu, đổ lỗi thì rất dễ, và đó là lý do vì sao ai cũng thích đổ lỗi. Chúng ta chẳng cần suy xét quá nhiều để đổ trách nhiệm cho một cá nhân nào đó. Quang Hải sút trượt khiến đội nhà thua cuộc, tức là anh có lỗi! HLV Park để Quang Hải sút, sắp xếp đội hình để thua 1 bàn trong hiệp đầu tiên, ông cũng có lỗi.

Rồi ngài trọng tài, ngài mắc một vài sai lầm nho nhỏ, nhưng khiến chúng tôi - các cổ động viên Việt Nam phải ức chế, nghĩa là ngài có lỗi.

Góc tâm lý học: Đổ lỗi chỉ trích khi đội nhà thua thì dễ lắm, nhưng hãy nghĩ về hậu quả về sau - Ảnh 1.

Quang Hải sút trượt pen, anh là người có lỗi?

Một số nhà tâm lý học cũng cho rằng đổ lỗi cũng là một cách để giải tỏa rất tốt, nên chẳng trách các cổ động viên thích làm điều này. Cảm giác tìm được một nơi để đổ được trách nhiệm thực giống như trút bỏ được gánh nặng trong lòng vậy. Mọi nỗi thất vọng, nỗi buồn tủi, nỗi ức chế, đều đổ dồn xuống vai người khác. Quá đơn giản.

Và cũng theo các nhà tâm lý học, việc chỉ trích người khác cũng khiến bản thân có cảm giác quan trọng hơn. Mọi người dường như biến thành các huấn luyện viên online, tưởng như có thể làm thay việc của thầy Park, sút pen thay Quang Hải, thậm chí đứng ra tổ chức lại giải ASIAD lần này cũng được.

Nhưng làm vậy có ích gì không?

Nhắc lại lần nữa, đổ lỗi thì dễ lắm. Nhưng sau khi chỉ trích, bạn nhận lại được điều gì bên cạnh cảm giác hả hê trong phút chốc?

Đáp án là một chuỗi bi kịch thôi!

Đầu tiên, hãy nghĩ về cảm giác của những người trong cuộc. Chúng ta không thua vì một quả sút luân lưu, hay vì một vài quyết định gây bất lợi của trọng tài, càng không phải vì HLV Park Hang Seo sai trong cách dùng người.

Góc tâm lý học: Đổ lỗi chỉ trích khi đội nhà thua thì dễ lắm, nhưng hãy nghĩ về hậu quả về sau - Ảnh 2.

Đội Việt Nam thực chất đã có trận đấu tốt

Trên thực tế, đây là một trận đấu mà Olympic Việt Nam đã làm tốt. Chúng ta nhập cuộc tốt, ép sân gần như cả trận, có các mảng miếng thực sự sắc nét và nhiều cơ hội ăn bàn. Khi không tận dụng được, chúng ta phải chịu thất bại cũng là điều có thể hiểu.

Nhưng ngay cả vậy, thì người duy nhất có quyền trách các cầu thủ chính là bản thân họ. Còn chúng ta - các cổ động viên - thì nên tự hào với những gì mà họ đã làm được.

Hãy nhớ lại đi, chỉ vài năm trước, bóng đá Việt Nam nào có dám mơ về vòng bán kết ASIAD, vẫn còn chật vật đau khổ vì những người hàng xóm Thái Lan và Indonesia. Còn nay, Olympic Việt Nam ngồi "chung mâm" với Nhật Bản, Hàn Quốc - những đội bóng ở đẳng cấp thế giới.

Chúng ta vào đến bán kết qua cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ sừng sỏ đến từ Tây Á, và chỉ thiếu một chút may mắn để làm nên lịch sử với tâm HCĐ của ASIAD 2018.

Góc tâm lý học: Đổ lỗi chỉ trích khi đội nhà thua thì dễ lắm, nhưng hãy nghĩ về hậu quả về sau - Ảnh 3.

Thầy Park đã làm rất tốt rồi

Bản thân Quang Hải cũng có một giải đấu tốt. Anh luôn là mối nguy thường trực với hàng phòng ngự của đối phương. Khả năng dứt điểm từ xa, nhãn quan chiến thuật tốt, cùng kỹ thuật tuyệt với biến Quang Hải trở thành mắt xích hết sức quan trọng trong đội hình của HLV Park Hang Seo.

Góc tâm lý học: Đổ lỗi chỉ trích khi đội nhà thua thì dễ lắm, nhưng hãy nghĩ về hậu quả về sau - Ảnh 4.

Đừng quên Quang Hải là một tài năng hiếm có của bóng đá Việt

Khi chỉ trích họ, bạn có nghĩ đến hậu quả không? Nếu Quang Hải mất tinh thần, bóng đá nước nhà sẽ mất đi một tài năng hiếm có bấy lâu nay. Ngài Park Hang Seo bỏ việc, chúng ta mất đi một HLV tuyệt vời, người đã làm nên nhiều kỷ lục, và đem đến cảm xúc mà đã lâu lắm rồi fan bóng đá Việt Nam mới được cảm nhận.

Còn vào tận trang cá nhân của vị trọng tài để chỉ trích, lăng mạ, bạn chỉ khiến hình ảnh của fan Việt trong mắt bạn bè thế giới trở nên xấu xí hơn mà thôi.

Đây là điều đã được khoa học chứng minh hẳn hoi. Khi chỉ trích tạo thành thói quen, đó sẽ là một thói quen cực xấu.

Hãy nhớ, đổ lỗi và chỉ trích khi bản thân mắc lỗi, tức là đẩy trách nhiệm sang cho người khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bản thân bạn chẳng có vai trò gì, hay nói cách khác là bạn... vô dụng.

Thói quen đổ lỗi cũng sẽ khiến khả năng đồng cảm, vị tha của bạn ngày càng tệ hơn. Bạn sẽ không còn muốn đứng vào vị trí của người khác nữa, mà chỉ chăm chăm tìm cách đổ trách nhiệm. Lòng vị tha là cội nguồn của đạo đức, đừng biến mình trở thành một kẻ vô đạo đức.

Hơn nữa, với một kẻ luôn đổ trách nhiệm, sẽ chẳng ai muốn nghe theo hoặc làm cùng cả. Bạn sẽ dần bị cô lập và thải loại ra khỏi xã hội mà thôi.

Theo T.O.P

Cùng chuyên mục
XEM