Góc kinh tế học: Nhờ vào lý thuyết này, bạn sẽ biết ai mới thực sự là "nạn nhân" của ông Trump

09/10/2019 20:56 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều người vẫn nói rằng thuế của ông Trump đang "hại" dân Mỹ. Sự thật đằng sau điều đó là gì?

Báo cáo của JPMorgan Chase cho biết thuế nhập khẩu mà Mỹ hiện áp lên Trung Quốc ước tính khiến mỗi hộ gia đình nước này tốn thêm trung bình 600 USD mỗi năm. Con số này sẽ là 1.000 USD nếu Trump thực sự đánh thuế lên khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa như tuyên bố.

Ngược lại, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định: "Người tiêu dùng không bị ảnh hưởng. Trung Quốc đang gánh toàn bộ chi phí". Vậy ai đúng, ai sai?

Lý thuyết độ co giãn

Theo lý thuyết kinh tế học vi mô, thuế do người mua hay người bán chịu phụ thuộc vào "độ co giãn". Việc thuế do nhà cung cấp hay do người tiêu dùng chịu sẽ phụ thuộc vào độ co giãn của cung theo giá và độ co giãn của cầu theo giá.

Độ co giãn của cầu theo giá được hiểu là độ nhạy của lượng cầu trước thay đổi về giá của hàng hoá. Giả sử giá thuốc đặc trị một loại bệnh nào đó giảm, bạn cũng không thể nào mua thêm thuốc đó nếu như bạn đang không bệnh. Ngược lại nếu bạn đã mắc bệnh đó thì giá thuốc tăng cũng không thể khiến bạn ngừng mua thuốc. Điều đó đồng nghĩa với việc giá thuốc thay đổi không làm nhu cầu mua thuốc của bạn thay đổi quá lớn, tức độ co giãn của cầu theo giá thuốc là thấp.

Góc kinh tế học: Nhờ vào lý thuyết này, bạn sẽ biết ai mới thực sự là nạn nhân của ông Trump  - Ảnh 1.

Tuy nhiên đối với một số loại hàng hóa khác, giá lại có tác động lớn đến lượng cầu, ví dụ như các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Ngày mai thịt bò tăng giá thì bạn không ăn thịt bò, hoặc chuyển sang ăn thịt lợn, thịt lợn tăng giá thì bạn ăn thịt gà, gà tăng giá tiếp thì bạn ăn cá cũng không sao cả.

Tương tự, độ co giãn của cung theo giá là độ nhạy của lượng cung trước thay đổi về giá của hàng hóa. Cũng có những loại hàng hóa có độ co giãn của cung theo giá là cao và có loại thì thấp.

Theo lý thuyết này, thuế sẽ được phân chia giữa người mua và người bán. Ví dụ thuế đánh 10 USD/ sản phẩm thì giá sẽ tăng thêm a đồng, người mua chịu a đồng thuế, người bán sẽ chịu 10-a đồng còn lại.

Khi cầu có độ có giãn ít hơn cung, tức là người tiêu dùng kém nhạy cảm với giá hơn nhà sản xuất, thì người tiêu dùng sẽ chịu thuế nặng hơn vì dù giá tăng nhưng họ không thể giảm tiêu dùng nhiều để tạo áp lực cho nhà sản xuất. Ngược lại, nếu cầu co giãn hơn cung thì họ có thể "tẩy chay" nhà sản xuất khi giá tăng, và buộc người sản xuất phải chịu thuế nhiều hơn.

Mức độ co giãn của cầu theo giá phụ thuộc vào tính chất của hàng hóa, tính dễ thay thế của hàng hóa, mức chi tiêu của mặt hàng trong tổng mức chi tiêu và tính cấp thiết của hàng hóa.

Ai chịu thuế của ông Trump?

"Hai vòng đánh thuế đầu tiên của Mỹ lên Trung Quốc chủ yếu nhằm vào linh kiện và hàng hóa trung gian. Dù vậy, tác động của chúng lên các hộ gia đình vẫn lớn, do mức thuế lên tới 25%", Kamal Tamboli – nhà phân tích tại JPMorgan nói với CNN. Các nhà đầu tư lo ngại giá bán lẻ của một số hàng hóa đặc thù, có độ co giãn thấp tăng lên có thể đe dọa đến chi tiêu tiêu dùng của Mỹ, động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế, và bất ổn thương mại sẽ khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư.

Vậy còn thuế của ông Trump với hàng châu Âu? Một số mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu bị áp thuế là rượu vang Pháp, ôliu, dầu ôliu nguyên chất, quả cherry, cam và chanh từ Tây Ban Nha; xúc xích lợn và cà phê rang từ Đức; các loai phô mai của Ý như pecorino, parmesan và provolone; phô mai Silton, bánh quy ngọt và rượu whisky Scoth từ Anh. Cùng với máy bay, áo anorac, quần áo len, chăn, khăn, trải giường, rìu, công cụ khí nén để gia công kim loại và máy xúc gầu ngược.

Góc kinh tế học: Nhờ vào lý thuyết này, bạn sẽ biết ai mới thực sự là nạn nhân của ông Trump  - Ảnh 2.

Các công ty thực phẩm, đồ uống châu Âu tỏ ra khá lo ngại vì họ đều là những mặt hàng có độ co giãn không quá cao, nếu thuế đánh thì người chịu thuế sẽ là các nhà sản xuất, hơn nữa nông sản lại là một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm với châu Âu.

Trong khi đó, máy bay không phải là một mặt hàng có độ co giãn cao, mặc dù đây là nguyên nhân chính của việc ông chủ Nhà trắng áp thuế lên hàng châu Âu. Karen Betts, CEO Scotch Whisky Association tỏ ra bức xúc: "Thật là nực cười, mâu thuẫn xảy ra vì máy bay, mà chúng tôi lại phải chịu ảnh hưởng nặng nề".

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM