Giữa bão Covid-19, Shark Nguyễn Hòa Bình bi quan: Tiêu dùng yếu sẽ kéo dài tới hết năm nay vì tình hình kiệt quệ

13/04/2020 10:17 AM | Kinh doanh

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến "Làm sao để sống sót qua đại dịch Covid-19?", ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group đánh giá tình hình kinh tế khá bi quan.

Xét tình hình doanh nghiệp và các vấn đề xã hội, Chủ tịch NextTech thấy một sự tương đồng tương đối giống nhau trong cơ chế tàn phá của dịch bệnh với sức khỏe từng cá nhân cũng như nền kinh tế. Với người bệnh nặng, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch quá mức gây ra cái gọi là "cơn bão Cytokine". Cơ thể phản ứng quá mức khiến cho các cơ quan nội tạng bị hỏng. Đối với nền kinh tế, virus kích hoạt cách ly và giãn cách xã hội trên toàn thế giới để giảm lây nhiễm, mắc hoặc chết. Phản ứng này hạ gục kinh tế và việc làm.

"Chúng ta cứ tưởng tượng từng cá nhân, từng người tiêu dùng, từng doanh nghiệp trong nền kinh tế giống như cơ quan nội tạng. Có thể nói, không có doanh nghiệp và người tiêu dùng nào không bị ảnh hưởng hoặc hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch bệnh. Tôi đồng ý kiến với các diễn giả và cho rằng những con số này khả năng vẫn còn thấp", ông Nguyễn Hòa Bình nhận định về số liệu tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng thành lập mới.

Khảo sát mới nhất của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI gần đây cũng đưa ra những con số đáng lưu ý:

- 85% DN cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh

- 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền

- 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu…

Theo đó, 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Theo đánh giá của ông Bình, có chăng một số rất ít các doanh nghiệp như phát hành game, giải trí trực tuyến, dịch vụ viễn thông, dịch vụ chuyển phát tức thời (giao đồ ăn, giao hàng khi người dân bị cách ly xã hội), doanh nghiệp may mặc ngay lập tức đổi sang may khẩu trang và sản phẩm chống dịch, có thể thiệt hại ít hơn hay thậm chí tìm ra cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp này rất nhỏ.

"Ngay cả những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, họ cũng phải giảm giá, giảm phí để hỗ trợ khách hàng và đối tác. Đó cũng coi như là bị ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng này không phải là cuộc khủng hoảng kép mà là khủng hoảng tam. Tôi cho rằng tiêu dùng yếu sẽ kéo dài tới hết năm nay vì tình hình kinh tế kiệt quê. Tôi có cái nhìn tiêu cực hơn các con số thống kê vừa công bố", shark Bình bày tỏ góc nhìn khá tiêu cực về tác động của dịch Covid-19.

Giữa bão Covid-19, Shark Nguyễn Hòa Bình bi quan: Tiêu dùng yếu sẽ kéo dài tới hết năm nay vì tình hình kiệt quệ - Ảnh 2.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM