Giữ ổn định cho thị trường lao động

18/01/2023 10:00 AM | Kinh doanh

Nhiều lao động mất việc làm đồng nghĩa với việc số lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng. Việc này sẽ để lại hệ lụy rất lớn nếu không kịp thời có những giải pháp tháo gỡ. Theo nhiều chuyên gia, đào tạo và giới thiệu việc làm là nhu cầu cấp bách.

Mất việc làm trên diện rộng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tại các DN đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 DN (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chiếm 1,36%; chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các DN FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Dữ liệu từ Navigos Group (đơn vị sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) cũng chỉ rõ, nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong 3 tháng cuối năm giảm mạnh ở một loạt ngành nghề. "Nhu cầu tuyển dụng lao động trong 9 tháng đầu năm thực tế đã trở lại so với mức trước khi có dịch Covid-19, nhưng 3 tháng cuối năm lại giảm trung bình 15-18%" - đại diện Navigos Group đánh giá.

Dựa trên số liệu thống kê về xu hướng nhu cầu tuyển dụng của 4 năm gần nhất (2019-2022), đơn vị này cho biết, một số ngành sụt giảm mạnh về nhu cầu tuyển dụng nhân sự bao gồm: Dệt may/da giày (giảm 44%); Nhà hàng - Khách sạn (giảm 49%); Hàng không - Du lịch (giảm 51%); Hàng hải (giảm 43%); Bất động sản (bắt đầu giảm 29% vào tháng 11)...

"Do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và các khó khăn vừa xảy ra với các DN trong nước, nhu cầu tuyển dụng giảm là điều dễ hiểu" - Navigos nhận xét và cho rằng, tình trạng này có thể kéo dài sang 2023.

Khó đảm bảo lưới an sinh

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cú sốc của thị trường lao động lần này sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài hơn.

Giữ ổn định cho thị trường lao động - Ảnh 1.

Giày da là một trong những ngành đang gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự

Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, thời điểm này các năm trước, người lao động thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng hiện không có việc để làm thêm. Vì thế, thu nhập của người lao động sụt giảm. Dệt may là một trong số các ngành đang gặp khó khăn, nhiều DN phải chấm dứt hợp đồng lao động, giảm giờ làm. Đến nay, rất ít DN có đơn hàng đến hết tháng 3 của năm 2023. Một số đơn vị đang phải giãn ca, đồng thời phải "căng mình" để giữ công nhân.

Trong bối cảnh đó, rất cần giải pháp hỗ trợ người lao động. Trước làn sóng mất việc làm, các cấp công đoàn đã nhanh chóng vào cuộc và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động. Song để ổn định thị trường, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Về lâu dài cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng giúp người lao động. Bên cạnh đó, mở rộng chính sách bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo thị trường lao động an ninh, linh hoạt và hiệu quả hơn; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.

Ở góc độ DN, các chuyên gia cũng nhận định rằng, Nhà nước cần tạo cầu nối, minh bạch thông tin, có chính sách tạo liên kết giữa các DN trong thị trường lao động, giúp những DN có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động có thể tiếp cận được nguồn lao động từ những DN có nhu cầu cắt giảm lao động do bị tác động bởi việc sụt giảm đơn hàng trong giai đoạn này.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM