Giới trẻ đang có nguy cơ loãng xương cao chỉ vì 5 thói quen nhiều bạn hay mắc phải

04/12/2017 15:28 PM | Sống

Chỉ cần điều chỉnh lại 5 thói xấu này cũng là phương pháp bảo vệ xương tốt hơn.

Loãng xương được đánh giá là một trong những chứng bệnh nguy hiểm không kém gì nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Lúc này xương rất yếu nên dễ gãy, thậm chí đôi khi chỉ là va chạm nhẹ nhàng. Nguy hiểm hơn là nguy cơ bị thương tật suốt đời sẽ rất cao do mức độ lành xương diễn ra không hiệu quả.

Đặc biệt, hiện nay loãng xương không chỉ còn là căn bệnh của người già mà nó đã bắt đầu ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi. Do đó, ngay từ bây giờ bạn nên lưu ý từ bỏ những thói quen không tốt cho xương để bảo vệ sức khỏe xương tốt hơn nhé.

Hút thuốc

Theo nhận định của Viện Sức khoẻ Quốc gia về Loãng xương thì những người hút thuốc lá thường có mật độ xương thấp hơn. Đó là do thói quen hút thuốc sẽ tạo ra các tế bào gây hại được gọi là gốc tự do mà theo bác sĩ Edward Domurat ở California cho biết rằng, các gốc tự do này sẽ loại bỏ những tế bào tạo ra xương.

Ngoài ra, hút thuốc cũng làm tăng sản xuất hormone căng thẳng là cortisol nên có thể góp phần làm suy yếu xương cũng như cản trở sản xuất các hormone xây dựng xương. Do đó, không hút thuốc, giảm hút thuốc, bỏ hút thuốc dần dần là lựa chọn được rất nhiều chuyên gia sức khỏe khuyến khích.

Ngồi nhiều

Giống như phần cơ thì phần xương của cơ thể cũng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi bạn tập thể dục. Do đó, nếu mỗi ngày bạn dành quá nhiều thời gian để ngồi hoặc nằm một chỗ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của xương và lâu dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Thậm chí, giáo sư Laila S. Tabatabai thuộc trường Cao đẳng Y khoa Weill Cornell cho biết: "Những bệnh nhân nằm một chỗ thường có nguy cơ mất xương nhanh hơn".

Do đó, nếu tính chất công việc khiến bạn ít vận động thì bạn phải chú ý dành thời gian tập thể dục mỗi ngày để bảo vệ xương và chống loãng xương hiệu quả.

Ăn quá mặn

Bác sĩ Frederick Singer, giám đốc chương trình nghiên cứu về nội tiết và bệnh xương tại Viện ung thư John Wayne, California cho biết: "Lượng muối ăn vào mỗi ngày có liên quan đến mật độ xương thấp của cơ thể". Bởi khi lượng muối ăn vào tăng lên, cơ thể bạn sẽ giải phóng canxi trong nước tiểu. Trên thực tế, phụ nữ trưởng thành có thể mất 1% mật độ xương mỗi năm chỉ do thói quen ăn thêm 1gr natri mỗi ngày.

Do đó, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo thì chỉ nên dùng tối đa là 2.300mg natri mỗi ngày đối với thanh niên trẻ và không quá 1.500mg mỗi ngày đối với người lớn tuổi.

Uống quá nhiều rượu

Cũng như thói quen hút thuốc, rượu có thể làm tăng sản xuất cortisol trong cơ thể, đồng thời làm giảm lượng testosterone và estrogen khiến xương yếu hơn. Do đó, hạn chế uống rượu cũng là lời khuyên của các chuyên gia dành cho bạn. Chỉ cần giảm tiêu thụ rượu lại thì nguy cơ loãng xương cũng như các nguy cơ sức khỏe khác có thể được giảm đi đáng kể.

Ở trong mát cả ngày

Nếu thiếu hụt vitamin D, cơ thể sẽ hạn chế tổng hợp canxi nên xương của bạn cũng trở nên mỏng và giòn hơn. Tuy nhiên, vấn đề chính cần nói ở đây là lượng vitamin D này hầu hết được cơ thể hấp thụ từ ánh nắng mặt trời, chứ trong thực phẩm thì cực kỳ ít ỏi.

Do đó, nếu bạn cứ ở trong mát từ sáng đến chiều tối thì lâu dần có thể gặp tình trạng thiếu vitamin D, kéo theo việc thiếu canxi nên xương cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Do đó, để xương phát triển tốt và chắc khỏe hơn thì bạn nên dành thời gian, tốt nhất là vào sáng sớm để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hấp thụ vitamin D hiệu quả hơn nhé.

Nguồn: Everydayhealth

Theo Đoan Trang

Cùng chuyên mục
XEM