Giật mình khi biển Đà Nẵng bị "đầu độc": "Buộc phải để nước thải tràn ra biển"

08/08/2016 19:24 PM | Xã hội

Các bãi biển Đà Nẵng đang bị nước thải từ các khu dân cư "đầu độc" hàng ngày, nhưng cơ quan chức năng buộc phải lựa chọn hoặc khu dân cư ngập úng, hoặc biển mất vệ sinh.

Hệ thống xử lý nước thải quá tải

Biển Đà Nẵng đang hày ngày bị "đầu độc" bởi nước thải khiến lãnh đạo và người dân thành phố biển này vô cùng bức xúc, lo lắng.

Trước đó, ngay từ khi vừa mới nhậm chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh đã đích thân đi thị sát cống xả thải kênh Phú Lộc đổ ra biển Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê). Tại đây, ông Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm ô nhiễm.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. trong lần kiểm tra kênh Phú Lộc, nơi xả nước thải ra biển
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. trong lần kiểm tra kênh Phú Lộc, nơi xả nước thải ra biển

Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua nhưng tình trạng này vẫn chưa thay đổi khiến biển Đà Nẵng trở thành bể hứng nước thải khổng lồ của thành phố.

Theo thống kê của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, có đến 45 cống nước thải từ các khu dân cư đổ ra các bãi biển Đà Nẵng.

Tuy nhiên, phần lớn trong số đó chưa hề được xử lý hoặc chỉ được xử lý một phần. Ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết có 4 trạm xử lý nước thải hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 100.000m3/ngày.

"Hệ thống xử lý nước thải của Đà Nẵng đang gộp chung với hệ thống thoát nước mưa. Hệ thống này đang ở trong tình trạng qua tải. Nhất là khi trời mưa, lượng nước đổ về lớn sẽ khiến nước thải chảy tràn ra cống.

Hệ thống xử lý nước thải hiện có cũng đã quá cũ, quá sức chịu đựng. Việc vẫn đang sử dụng hệ thống này là đã rất cố gắng", ông Mã nói.

Cống xả kênh Phú Lộc, điểm nóng ô nhiễm tại biển Nguyễn Tất Thành
Cống xả kênh Phú Lộc, điểm nóng ô nhiễm tại biển Nguyễn Tất Thành

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho hay, do hệ thống xử lý nước thải quá tải, cũ kỹ nên nước thải ô nhiễm, bốc mùi hôi thối thường xuyên tràn ra biển.

"Chúng tôi cũng đau xót lắm nhưng chưa có dự án xử lý vấn đề này.

Ban đã từng nhiều lần kiến nghị Sở Tài nguyên môi trường, Sở Du lịch nhưng thành phố chưa có kinh phí để lập dự án xử lý", ông Nghĩa bày tỏ.

Còn ông Mai Mã cho hay, để giải quyết vấn đề ô nhiễm, Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp tạm thời như gạt lại cát tại các cống xả để tạo cảnh quan. Công nhân môi trường cũng tiến hành phun hóa chất để khử mùi tại các cửa xả.

"Chúng tôi có biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm là xây dựng hệ thống van lật để giữ nước thải. Tuy nhiên hiện mới chỉ áp dụng được tại 3 cửa xả.

Công ty đã đề nghị thành phố áp dụng tại các cửa xả nhưng hiện mới chỉ được đồng ý áp dụng thêm tại 1 cửa", ông Mã nói

Để khu dân cư ngập úng hay để biển ô nhiễm?

"Chúng tôi rất lo lắng về sự ô nhiễm này. Đà Nẵng đang trở thành trung tâm du lịch của cả nước, nếu tình trạng này không được khắc phục sớm thì sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của các bãi biển", ông Mã bày tỏ.

Tuy vậy, ông Mã cho rằng Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng buộc phải để nước thải tràn ra biển. Trước đây công ty có dùng lưới chặn tại các cửa cống để ngăn rác. Biện pháp này lại gây ra ngập úng ở các khu dân cư.

"Chúng ta phải chọn, hoặc để các khu dân cư ngập úng hoặc để bải biển mất vệ sinh", ông Mã cho hay.

Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ môi trường (Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng) cũng đưa ra so sánh kể trên.

"Hiện chúng tôi chưa có giải pháp gì để xử lý triệt để. Nếu có thì chỉ còn cách dùng một số phương pháp để hạn chế mùi hôi của nước thải", bà Mã cho biết thêm.

"Thành phố phải giao cho các quận hoặc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng quản lý chứ cơ chế hiện nay là chung chung, không có trách nhiệm rõ ràng.

Đơn vị nào được phân cấp thì vừa có trách nhiệm khai thác nhưng vừa có nhiệm vụ bảo vệ", ông Lê Minh Trung, Bí thư quận ủy Thanh Khê, đề xuất.

Theo Đình Thức

Cùng chuyên mục
XEM