Giao tranh bùng phát, dấy nguy cơ chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan

04/03/2019 08:30 AM | Xã hội

Căng thẳng biên giới Ấn Độ-Pakistan đẩy hai đối thủ hạt nhân Nam Á đến gần bờ vực xung đột hơn bao giờ hết trong 2 thập kỷ qua.

Những tưởng tình hình giảm nhiệt khi Pakistan thả phi công Ấn Độ hôm 1.3, nhưng đến cuối ngày xung đột lại bùng phát và kéo sang ngày 2.3 ở khu vực tranh chấp Kashmir làm ít nhất 8 người thiệt mạng.

Theo quân đội Pakistan, 2 binh lính nước này tử nạn trong trận pháo kích từ đường kiểm soát (LoC) phía Ấn Độ - ranh giới chia cách khu vực Kashmir giữa 2 nước.

Ở bên kia biên giới, 1 người mẹ và 2 con thiệt mạng vì trúng pháo kích của Pakistan vào ngôi nhà của họ ở vùng Poonch - Press TV dẫn lời các nhà chức trách Ấn Độ kiểm soát Kashmir.

Quân đội Pakistan sáng 2.3 ra tuyên bố cho biết, 2 dân thường thiệt mạng và 2 người khác bị thương khi các lực lượng Ấn Độ nối lại pháo kích và bắn phá sau thời gian tạm lắng vài giờ.

Giao tranh bùng phát, dấy nguy cơ chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan - Ảnh 1.

"Vua pháo binh" M777 của Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times


Sau khi chia tách năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan ở trong tình trạng kích động gần như liên tục. Hai bên tham gia trong nhiều cuộc chiến lớn, trong đó trận chiến gần nhất năm 1999 làm hàng nghìn người thương vong. Kể từ đó, 2 bên liên tục củng cố khả năng quân sự.

Ấn Độ hiện vượt Pakistan trên hầu hết các chỉ số, như số lượng chiến đấu cơ, số quân, số xe tăng và trực thăng.

Ấn Độ cũng vượt Pakistan về các chỉ số khá, đặc biệt là ngân sách quân sự, 64 tỉ USD so với 11 tỉ USD - CNN dẫn số liệu của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nhưng thông thường, con số không phải là tất cả. Trong câu chuyện này còn có các yếu tố khác như mối quan hệ với Trung Quốc và phương Tây.

Tuy nhiên, mỗi động thái căng thẳng đều gây lo lắng trong khu vực, nhất là khi sự thù địch giữa 2 quốc gia sở hữu hạt nhân tăng đột biến.

Số liệu của SIPRI năm ngoái cho thấy Pakistan có từ 140-150 đầu đạn hạt nhân, trong khi Ấn Độ có khoảng 130-140. Nhiều người lo ngại rằng nếu tình hình trở nên tồi tệ với Pakistan, những vũ khí hạt nhân này có thể được sử dụng trước khi giới chức quân sự ở Islamabad có thể ngăn chặn.

Pakistan có chính sách chiến lược uỷ quyền thông qua sử dụng hạt nhân tới các đơn vị chiến thuật cấp thấp. Thật sự là có nguy cơ sử dụng hạt nhân nếu những chỉ huy cấp thấp này thấy phù hợp” - CNN dẫn lời ông Peter Layton, cựu sĩ quan không quân Australia và hiện là chuyên gia Viện Châu Á Griffith nhận định.

Theo Ngọc Văn

Cùng chuyên mục
XEM