Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: 'Con số 24.000 tiến sĩ của Việt Nam còn quá ít'

10/05/2016 17:28 PM | Xã hội

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Nhân tài đất Việt 2016 cho biết, số lượng người được học bài bản trở thành tiến sỹ của Việt Nam với con số 24.000 tưởng là nhiều, nhưng so với con số 90 triệu dân thì quá ít.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi Nhân tài đất Việt, giải thưởng Khuyến tài do Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất trong hệ thống giải thưởng của cuộc thi Nhân tài đất Việt nhằm khuyến khích những tài năng từ tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận.

Năm 2015, Giải thưởng Khuyến tài được trao cho các tác giả là ông Đinh Công Viên (huyện Kim Bảng, Hà Nam) với sáng chế Máy đập ngô, tuốt lạc, vỡ đỗ tương, vỡ lúa; ông Nguyễn Hoàng Nam ( huyện Duyên hải- Trà Vinh) sáng chế Robot bàn tay sạch, ông Bùi Hữu Nghĩa (huyện Thủ Thừa- Long An) tự học sáng chế nhiều may thu hoạch đay, Máy bón phân vùi rơm rạ...

Trả lời câu hỏi của ICTnews hiện Việt Nam có hơn 24.000 tiến sỹ, nhưng rất nhiều phát minh, sáng tạo lại xuất phát từ những nhà khoa học “hai lúa” và người dân Việt Nam đang sử dụng rất nhiều các phát minh, máy móc của Trung Quốc. Vậy điều gì đang xảy ra đối với hơn 24.000 tiến sỹ của Việt Nam? Họ đã đóng góp gì cho nền khoa học của Việt Nam?

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Nhân tài đất Việt 2016 cho biết, từ khi ông Vũ Oanh là Chủ tịch Hội Khuyến học đã trình lên Thủ tướng đề án xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập. Sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký vào quyết định tổ chức phong trào xây dựng xã hội học tập, học suốt đời. Thế nhưng, từ đó đến nay số lượng người tự học chưa nhiều.

‘Tôi được Hội khuyến học giao cho nhiệm vụ đi các nơi để đánh giá kết quả của những người lao động tự học thành tài để tặng giải thưởng. Tôi là một nhà khoa học có thâm niên mấy chục năm làm khoa học vẫn phải phục sát đất những anh “hai lúa” làm khoa học. Những anh chị “hai lúa” này mua sách tự học, học qua tivi… Chính vì vậy, Hội khuyến học thấy rằng cần phải vinh danh những người tự học thành tài. Chủ tịch Hội khuyến học yêu cầu tôi phải vào tận Trà Vinh, Vĩnh Long để xem đúng những người này sáng tạo máy móc đó hay không”.

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho biết, hơn 24.000 tiến sỹ của Việt Nam là con số nhiều, nhưng so với 90 triệu người dân Việt Nam (PV) thì con số nào nhiều hơn. Số lượng người được học bài bản trở thành tiến sỹ với con số 24.000 tưởng là nhiều, nhưng so với con số 90 triệu người Việt thì quá ít. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập và học suốt đời.

Trả lời truyền thông trước đó, Vụ trưởng Giáo dục Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, Vụ Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ thống kê ở Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ; Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.

Việc đánh giá luận án để cấp bằng là quyền tự chủ và trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Việc đánh giá cán bộ, công chức, người lao động… đang làm việc thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động. Thời gian tới, các cơ sở đào tạo sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sĩ làm việc tại cơ sở.

Theo Thái Khang

Cùng chuyên mục
XEM