Giảng viên ĐH kinh tế khuyên sinh viên: Đừng dại học Quản trị kinh doanh!

24/08/2016 08:31 AM | Kinh doanh

Trước ngưỡng lựa chọn nghề nghiệp tương lai của kỳ xét tuyển đại học vừa qua, giảng viên một trường đại học kinh tế ở Việt Nam đã có bài chia sẻ khuyên sinh viên đừng nên học quản trị kinh doanh. Giảng viên này chỉ ra những lý lẽ rất sâu sắc khiến không ít học viên đang theo học ngành này chột dạ.

Bài chia sẻ của giảng viên này có tiêu đều: "QUẢN TRỊ KINH DOANH? ĐỪNG!"

Theo lời người viết, tối ngày 18/8, khi đi ăn tại một quán bánh canh quen thuộc, ông có nghe được câu chuyện của anh chị chủ quán kể về dự định ghi danh học ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học (tạm gọi X) của cô con gái.

Sau khi nghe kể chuyện, giảng viên này nói: "Cháu nhà anh chị muốn học ngành quản trị kinh doanh ở bậc đại học? - Đừng!!"

Anh chị chủ quán ngạc nhiên hỏi lý do, anh trả lời: "Quản trị kinh doanh không phải là một nghề! Và ngành này cũng không nên học ở bậc đại học...".

Giảng viên trường đại học kinh tế này đã đưa ra những lý do như sau:

"Quản trị cái gì khi ta mười tám đôi mươi?

Ngành quản trị kinh doanh, nói ngắn gọn là đào tạo ra những nhà quản trị doanh nghiệp. Những môn quản trị được dạy phổ biến tại các trường đại học Việt Nam, Mỹ, và khắp nơi trên thế giới như human resources management (quản trị nguồn nhân lực), retail management (quản trị bán lẻ), organizational behavior (hành vi tổ chức), business law (luật kinh tế), marketing management (quản trị marketing) v.v...

Anh chị nào cho rằng ở tuổi mười tám hai mươi mình nên bỏ ra một đống tiền (của cha mẹ) rồi một đống thời gian vào trường ngồi nghe những thứ trên?

Các anh chị đang mười tám hai mươi, phần lớn đang đi học bằng tiền bạc do cha mẹ chu cấp, chưa có một công việc chính thức nào để tự nuôi sống bản thân mình. Ai trong số các anh chị cho rằng mình đủ sức quản trị một doanh nghiệp, hay một bộ phận trong doanh nghiệp?

Ai trong các anh chị tự tin nói rằng, bằng những thông tin thu nhặt được tại đại học về quản trị kinh doanh, anh chị sẽ mở công ty làm ăn thành công, hoặc sẽ leo cao trên nấc thang công việc (corporate ladder)?

Cho nên, việc theo đuổi ngành quản trị kinh doanh ở bậc đại học, với phần lớn các anh chị đang ở độ tuổi mười tám hai mươi, sẽ là sai lầm! Các anh chị sẽ lãng phí thời gian và công sức của mình, sẽ lãng phí tiền bạc của cha mẹ!

Quản trị kinh doanh không phải là một nghề!

Nền kinh tế đa dạng hiện nay tạo ra rất nhiều công ăn việc làm khác nhau. Và, những công việc tốt nhất cho người mới đi làm luôn luôn gắn liền với một nghề cụ thể. Kỹ sư máy tính, bác sĩ y khoa, giảng viên đại học, kiến trúc sư, luật sư... hay đầu bếp, công nhân hàn, thợ điện nước, nhạc công, lái xe container... Tất cả đều có thể gọi tên dễ dàng bằng cách đặt chữ "nghề" phía trước, một cách trang trọng.

Quản trị kinh doanh không như vậy! Không có cái gì gọi là "nghề quản trị kinh doanh" hết! Và không có ai mới ra trường mà có thể tự tin giới thiệu "tôi làm nghề quản trị kinh doanh" cả!

Sinh viên đang được dạy cái gì tại các trường quản trị kinh doanh?

Nói ngắn gọn, là lý thuyết suông!

Về phía sinh viên, như đã nói, vấn đề quan trọng nhất mà các anh chị cần thành thạo đơn giản là quản trị bản thân mình. Anh chị không cần, và không nên tự gây áp lực cho chính mình bằng cách theo đuổi quản trị kinh doanh để "sau này điều khiển người này hay sai khiến người khác".

Về phía giảng viên, phần nhiều giảng viên đang dạy ngành này chưa từng đi qua các nấc thang doanh nghiệp, chưa từng tự mở và điều hành một công ty. Chuyện này không chỉ phổ biến tại Việt Nam, mà tại Mỹ hay bất cứ đâu cũng vậy.

Anh chị có dám đi khám bệnh nơi một bác sĩ chưa từng làm tại bệnh viện? Vậy anh chị trông đợi gì ở một giảng viên nào đó chưa từng điều hành doanh nghiệp giảng dạy cho anh chị về quản trị kinh doanh?

Anh chị có để ý vì sao gần như tất cả các đại học tại Việt Nam đều có ngành quản trị kinh doanh? Đơn giản thôi, vì giảng viên chỉ cần dạy suông, sinh viên chỉ cần học suông, riêng học phí vẫn phải trả đầy đủ như mọi ngành khác.

Cho nên, quản trị kinh doanh là cái mỏ vàng của sinh viên dành cho các đại học thay nhau đào từ năm này sang năm khác.Và nếu, anh chị may mắn được học ngành quản trị kinh doanh với những người thầy giỏi cả về kinh nghiệm quản trị điều hành công ty lẫn lý thuyết, được học tại một trường tốt, thì khi ra trường nó vẫn không đảm bảo cho anh chị một việc làm tốt.

Đơn giản vì, môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phi kinh tế, từ những tác vụ nhỏ hàng ngày cho tới quy mô lớn, nên ít có chỗ để triển khai các phương pháp quản trị thuần túy. Thậm chí, các hãng tư vấn quản trị hàng đầu thế giới như BCG, McKinsey hay cả RAND, nếu họ vào Việt Nam thì chưa chắc họ sẽ tư vấn được cái gì cho nên hồn!

Vậy anh chị nên làm gì?

Những gì người ta không dạy trong ngành quản trị kinh doanh:

1. Chọn một lĩnh vực có thể gọi là NGHỀ, học hỏi hết mình.

2. Đi làm thêm, bất cứ việc gì, dù là kiếm tiền hay làm thiện nguyện! Anh chị cần hiểu trước tiên là giá trị của lao động thực sự, giá trị của đồng tiền do chính đôi tay mình làm ra. Anh chị cần học cách tiêu tiền, cách tiết kiệm những đồng tiền mình làm được. Và, để nhận ra một bài học lớn, rằng cha mẹ mình đã vất vả tới mức độ nào để nuôi mình ăn học tới hôm nay.

3. Học cách quản trị thời gian của bản thân. Học cách quản trị các mối quan hệ mình đang có, từ bạn bè thầy cô tại trường, tới những đồng nghiệp tại chỗ làm. Học cách cân bằng tâm lý, khi mệt mỏi, khi chán nản, khi mất phương hướng... Học cách khiêm tốn khi đạt được những thành quả ban đầu.

4. Tìm cho mình một người thầy có kinh nghiệm điều hành kinh doanh, và học hỏi từ vị ấy. Vị này có thể là chính người cha người mẹ mình, hoặc anh chị mình, hoặc sếp nơi chỗ làm, hoặc, một người nào đó ta tình cờ quen biết.

5. Đọc sách: Nên bắt đầu từ việc đọc tự truyện của các doanh nhân, để ý coi họ khởi nghiệp như thế nào, họ thành công và thất bại ra sao. Ví dụ như cuốn What they don't teach you at Harvard Business School của tác tác giả Mark H. McCormack. Rồi sau đó mới đọc tới các sách về lý thuyết quản trị, các bài nghiên cứu lấy ra từ Harvard Business Review chẳng hạn.

6. Ra trường và đi làm. Để dành tiền sau hai ba bảy năm làm việc, rồi ghi danh học MBA, nghĩa là thạc sĩ quản trị kinh doanh. Anh chị có thể đăng ký vào một chương trình MBA uy tín nào đó tại Việt Nam, hay ghi danh vô Haas, vô HBS. Cho dù là trường nào thì anh chị luôn luôn phải tìm hiểu thật kỹ về profile của giảng viên, coi họ có xứng đáng để anh chị bỏ ra một đống tiền theo học hay không.

7. Lập lại từ bước thứ ba trở đi, ở mức độ tinh tế hơn".

Nói tóm lại, Quản trị kinh doanh là một ngành hay, nó là kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm thực tế và lý thuyết sách vở. Và vì tất cả những lý do trên, giảng viên này cho rằng các sinh viên tương lai của Việt Nam không nên theo học quản trị kinh doanh ở bậc đại học, dù trong nước hay du học.

"Các anh chị nên học để có một nghề, đồng thời học quản trị bản thân mình trước. Rồi sau đó theo thời gian, khả năng quản trị kinh doanh của anh chị sẽ tới sau. Và, để kết lại bài viết này, thầy xin chúc anh chị gặp thuận lợi và may mắn với lựa chọn của mình, rồi ra sức nỗ lực dấn thân vào nó", giảng viên này viết.

Trần Trung Kiên

Cùng chuyên mục
XEM