Gian nan quá trình vận động Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit

05/12/2018 19:45 PM | Xã hội

Nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận Brexit mới trước Quốc hội của Thủ tướng Anh Theresa May đang đứng trước hàng loạt thách thức lớn.

Hôm qua (4/12), ngay trong ngày đầu tiên của phiên tranh luận kéo dài 5 ngày quyết định số phận tương lai của Brexit cũng như chính phủ Anh, mặc dù đã dành ra nhiều giờ đồng hồ thương thuyết trước Quốc hội để vận động sự ủng hộ cho thỏa thuận sơ bộ này, song trái với kỳ vọng, Thủ tướng Anh Theresa May nhận được lại là phản ứng gay gắt từ cả bên ủng hộ lẫn bên phản đối Brexit.

Thậm chí chính phủ của Thủ tướng Theresa May còn đang bị quy trách nhiệm là “coi thường quốc hội”, trong khi một số nghị sĩ Anh phản đối Brexit đang ra sức yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit.

Các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức tán thành thỏa thuận lịch sử để Anh rời khối, hay còn gọi là Brexit, tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ở Bỉ hôm 25/11 vừa qua, mở ra hy vọng về quan hệ gắn bó giữa hai bên trong tương lai. Song để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận này vẫn cần qua được “cửa ải” Nghị viện Anh.

Vào ngày 11/12 tới, các nghị sĩ nước này sẽ quyết định liệu có chấp nhận hay không thỏa thuận này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phiên tranh luận kéo dài 5 ngày đang diễn ra tại Nghị viện Anh trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới, sẽ mang tính quyết định đối với số phận “chiếc ghế nóng” của Thủ tướng Anh, hay sẽ dẫn tới kịch bản tồi tệ nhất là Anh sẽ rời Liên minh châu Âu sau 4 thập kỷ gắn bó mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, có vẻ như phiên tranh luận đã không có mở đầu suôn sẻ khi thỏa thuận mà Thủ tướng May vừa đạt được với Liên minh châu Âu - trong đó lên kế hoạch giữ mối quan hệ gần gũi với khối này sau Brexit – đã vấp phải sự chỉ trích từ cả những người ủng hộ và phản đối Brexit.

Rõ ràng, Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không có nhiều lựa chọn nếu quốc hội nước này phản đối bản thỏa thuận vừa được nhất trí với Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Theresa May có khả năng phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về thỏa thuận này. Hoặc tình huống tệ hơn là nhà lãnh đạo Anh sẽ phải đối mặt với sức ép buộc phải từ chức trong trường hợp nước này rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận - một viễn cảnh đe dọa kéo theo sự hỗn loạn cho nền kinh tế và giới doanh nghiệp Anh.

Một viễn cảnh khác là khả năng Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit, mặc dù chính phủ của Thủ tướng Theresa May đến nay vẫn khẳng định, điều này sẽ không xảy ra.

Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh: “Có thể nói gì về nền dân chủ của chúng ta nếu như cuộc bỏ phiếu lớn nhất trong lịch sử của chúng ta lại được tổ chức thêm một lần nữa chỉ bởi vì đa số thành viên trong chính ngôi nhà của chúng ta lại không thích kết quả này? Chúng ta đã bỏ phiếu để đưa ra quyết định cho người dân Anh, đồng thời hứa sẽ tôn trọng quyết định của họ. Nếu chúng ta phản bội lại lời hứa đó, làm sao chúng ta có thể trông đợi họ tin tưởng chúng ta thêm một lần nữa”.

Hiện không chỉ phe phản đối Brexit muốn ngăn chặn thỏa thuận kể trên tại Quốc hội, mà ngay cả các vị Bộ trưởng trong Nội các của bà May hay các đồng minh của nhà lãnh đạo này tại Quốc hội - đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland - cũng thể hiện rõ sự phản đối của họ đối với thỏa thuận được cho là “không hoàn hảo” này. Chính Bộ trưởng Tư pháp Anh Geoffrey Cox, người đứng về phía thỏa thuận Brexit cũng đã phải thừa nhận thỏa thuận này bao gồm một số yếu tố “kém hấp dẫn” và “chưa thỏa mãn”.

Rất nhiều nghị sĩ Quốc hội Anh chỉ trích mạnh mẽ điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit nhằm duy trì biên giới mở giữa Cộng hòa Ireland và vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Công đảng đối lập tuyên bố đảng này sẽ đề xuất yêu cầu thỏa thuận Brexit phải được chỉnh sửa trước khi chấp nhận văn bản này, trong khi các nhà lập pháp có tư tưởng ủng hộ Liên minh châu Âu ở Anh lại thẳng thừng tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này.

Rõ ràng, càng về cuối phiên tranh luận, kế hoạch của Thủ tướng Theresa May được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều cam go, thử thách hơn khi mà giới lập pháp Anh ngày càng đưa ra thêm nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh thỏa thuận gây chia rẽ này.

Theo Phương Anh

Cùng chuyên mục
XEM