Giám đốc World Bank Việt Nam: Rủi ro đáng kể của AI chính là cơn sốt nhất thời không đáp ứng được kỳ vọng!

25/09/2019 14:54 PM | Xã hội

AI vói dữ liệu lớn không được chuẩn bị hoặc áp dụng thấu đáo cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro đáng kể, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho thành phố Hồ Chí Minh.

Với những vấn đề mà TP. Hồ Chí Minh gặp phải như bất cập về hạ tầng, giao thông, dịch vụ công… và những mục tiêu đặt ra về phát triển kinh tế thì AI có thể là một trong số những giải pháp hữu hiệu, theo đại diện World Bank.

Bởi với sự phát triển bùng nổ của "dữ liệu lớn" kỹ thuật số, năng lực xử lý thông tin của máy tính tăng theo cấp số nhân trên cơ sở các nền tảng đám mây, những hoạt động đổi mới và đầu tư mạnh mẽ cho các phương pháp và thuật toán AI đã cho thấy AI có thể thực hiện một số việc thực sự tốt.

Hiện các trung tâm toàn cầu như Thượng Hải, Singapore hay Seoul đã và đang lồng ghép AI trong từng đặc điểm đặc trưng nhất của thành phố mình.

Tuy nhiên, ông Ousmane Dione nhấn mạnh rằng dù tốt đến đâu thì cũng cần phải hiểu rõ AI là công cụ phục vụ con người. Bởi vậy, góp ý cho TP. Hồ Chí Minh trong việc ứng dụng AI, ông Ousmane Dione lưu ý 3 yếu tố.

Thứ nhất là cần đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực (ở đâu) và cách thức áp dụng AI (như thế nào) cho TP HCM.

Thứ hai là đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của thành phố.

Thứ ba là đảm bảo rằng những nhà quản lý hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI.

"Ứng dụng AI thành công đòi hỏi thiết lập ưu tiên ngoài kịch bản phát triển thông thường", ông nói.

Vì vậy, ông cho rằng AI thành công không đơn thuần chỉ là tự động hóa các hoạt động thông thường. Tức cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 không thể vận hành trong "bộ máy quan liêu 1.0".

"Chúng ta chỉ có thể mở ra cơ hội mới nếu đảm bảo rằng con người và quy trình - bao gồm khung pháp lý, quy định ở cấp trung ương và địa phương - tích cực nắm bắt và hòa cùng xu thế ứng dụng AI", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, AI thực sự đòi hỏi nguồn dữ liệu đầy đủ - giờ được coi là tài nguyên quan trọng nhất thay cho vị thế của dầu mỏ!

Nguồn dữ liệu AI có thể bao gồm các hệ thống hiện tại (như cơ quan đăng ký, cấp phép xây dựng, hồ sơ thuế, dữ liệu hành chính), nhưng cũng có thể từ nhiều nguồn đa dạng hơn như cảm biến, điện thoại thông minh hoặc vệ tinh.

Theo đại diện World Bank, đối với những thách thức chính của TP HCM, tài sản dữ liệu cho AI có thể được lấy từ các nền tảng quốc tế, quốc gia hoặc địa phương...

"AI với dữ liệu lớn không được chuẩn bị hoặc áp dụng thấu đáo cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro đáng kể", ông nói và cho biết "Rủi ro chính là cơn sốt nhất thời không đap ứng được kỳ vọng".

Việc theo đuổi AI và dữ liệu lớn một cách mơ hồ chính là một hoạt động sao nhãng, không những tốn kém về thời gian, nguồn lực mà còn không giải quyết được các vấn đề thực tế.

"Tôi muốn khẳng định rằng TP. Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng trong việc nắm bắt cơ hội AI một cách có nguyên tắc và kỷ luật để đạt được kết quả cuối cùng. Nhưng nếu không cung cấp đủ nguồn lực và quản lý các sáng kiến quan trọng mang tính xuyên suốt thì không có gì đảm bảo được thành công đó", ông lưu ý.

Theo T.Công

Cùng chuyên mục
XEM