Giám đốc WB nói chìa khóa giúp Việt Nam 20 năm nữa có thu nhập như Hàn Quốc năm 2000

30/05/2016 14:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Khu vực kinh tế tư nhân gắn liền cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho tư nhân phát triển là một trong những động lực chính để đạt được mục tiêu mà Báo cáo 2035 đặt ra.

Đó là quan điểm được đưa ra tại Hội thảo "Khát vọng Việt Nam 203: Vai trò của doanh nghiệp và Yêu cầu Hiện đại hóa thể chế do Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày 30/5 tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc xây dựng báo cáo Việt Nam 2035 đã tạo ra sự phấn khích cho cộng đồng DN, khi lần đầu tiên có định hướng tầm nhìn 20 năm cho Việt Nam, tạo ra niềm tin cho DN.

"Cộng đồng DN cần một tầm nhìn dài hạn chứ không chỉ dựa vào một tầm nhìn ngắn vài ba năm" - Chủ tịch VCCI nói.

Do đó, việc báo cáo đã đưa ra 6 định hướng để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, gắn với sự phát triển của DN, đều có vai trò của doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân là cốt lõi.

Chủ tịch VCCI khẳng định: Vai trò của doanh nhân trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới là rất quan trọng. Song để phát triển doanh nhân, DN tư nhân thì thể chế rất quan trọng.

“Thể chế nào doanh nghiệp đó. Ở tròn thì bầu, ở ống thì dài. Nhưng doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế, đây là một mối tác động hai chiều”.

Theo đó, văn kiện Đại hội Đảng 12 đã có những định hướng rất quan trọng và được nêu trong Báo cáo 2035: Xác định DN là nòng cốt, đi đầu, tiên phong trong phát triển nền kinh tế.

Để hướng tới một Chính phủ chuyên nghiệp phải có thời gian, mỗi người hướng đến người dân và DN để làm tròn bổn phận của mình. Như Thủ tướng đã nói là Chính phủ liên chính, lấy người dân làm đối tượng phục vụ.

Đồng quan điểm, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, cũng cho rằng một trong những yếu tố trong quá trình chuyển đổi kinh tế là xây dựng nền tảng tư nhân mạnh mẽ, dẫn đầu trong kinh tế Việt Nam.

"Tạo khu vực Doanh nhân doanh nghiệp thành chuỗi kết nối với giá trị toàn cầu, nâng cao chuỗi, giá trị cao hơn. Khu vực tư nhân là chìa khó để ta đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tăng đến năm 2035" - bà Victoria Kwakwa nói.

Theo Giám đốc WB tại Việt Nam, hiện nay khu vực tư nhân cũng đang đóng vai trò mạnh mẽ ở Việt Nam, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đang hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nhiều DN mong manh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cho dù có cơ hội phát triển.

Do đó, cùng với phát triển kinh tế tư nhân, cần thúc đẩy cải cách thể chế. Bà Victoria Kwakwa cho rằng sự phát triển của tư nhân đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, xác định chính sách hỗ trợ cho DN tư nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thể chế, tạo ra mô hình nhà nước mới, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình....

Phó Giám đốc WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng đánh giá rất cao khi Nghị quyết của Đảng chỉ ra tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, bộ máy Chính phủ mới được kiện toàn đã thúc đẩy Nhà nước và cải cách. Dẫn chứng là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện Chính phủ rất chú trọng DN tư nhân, tạo cơ hội đạt được mục tiêu đặt ra trong 2035.

Trong báo cáo 2035 đặt ra mục tiêu, với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng có ba vấn đề đang đặt ra với Việt Nam là: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng nếu ta không bắt kịp, không khai thác và giải quyết được thì cơ hội này sẽ trôi đi.

Thứ hai là, động lực quá trình đổi mới 30 năm trước, giải pháp thời kỳ đó giờ đây đã phát huy hết tác dụng, nên cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, khác với giai đoạn trước để tạo ra động lực phát triển kinh tế.

Thứ ba là những năm 90 đến nay quá trình toàn cầu hóa của nền kinh tế đã và đang tham gia hội nhập sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại, tao ra cơ hội và thách thức. Đó là tình trạng trì trệ khi những nhân tố tăng trưởng đang có xu hướng giảm, sức cạnh tranh giản; quá trình đô thị hóa; môi trường....

Đặc biệt, cải cách và thể chế đã đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Việt Nam đang gặp vấn đề thể chế, được nói nhiều nhưng chưa được giải quyết, đây cũng là một trong những nút thắt cản trở sự phát triển.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM