Giám đốc điều hành Shopee VN: TMĐT trong nước tồn tại 2 vấn đề khá đặc trưng

06/09/2017 16:13 PM | Công nghệ

Ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam nhận định: "Năm 2017 sẽ là cột mốc định hình thị trường TMĐT".

Shopee xuất hiện lần đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á và Đài Loan vào tháng 12/2015, khá trễ so với những kênh mua sắm trực tuyến khác.

Được phát triển bởi Garena, ứng dụng này đã tạo dấu ấn khá mạnh tại thị trường khu vực phía Đông bán cầu. Với điểm nhấn là sự kết hợp của kênh thương mại điện tử (C2C) và mô hình mạng xã hội đang thịnh hành.

Tuy "sinh sau đẻ muộn", Shopee đã sở hữu hơn 40 triệu lượt tải ứng dụng, tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt mức 3 tỷ USD đã giúp Shopee trở thành sàn thương mại có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Trước thềm Ngày hội mua sắm di động "9.9 Online Shopping Day", ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam có chia sẻ:

"Năm 2017 sẽ là cột mốc định hình thị trường TMĐT. Một trong những đặc điểm của TMĐT Việt Nam hiện nay là chưa có một tên tuổi đủ lớn để dẫn dắt thị trường, các doanh nghiệp vẫn trong quá trình thử nghiệm các giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 – 2019, những mô hình phù hợp nhất sẽ được chứng minh, định hướng cho toàn bộ các doanh nghiệp trong cuộc đua TMĐT. Một số doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng, chiếm lĩnh thị phần và tạo ra những quy tắc chung của cuộc đua, phần còn lại sẽ phải chấp nhận hoặc tham gia vào trật tự này hoặc từ bỏ".

Theo ông Pine Kyaw, mua sắm trực tuyến hiện đang dần bắt kịp xu hướng mua sắm truyền thống tại Việt Nam. Minh chứng là 58% những người được hỏi đều cho biết, họ thường tìm kiếm sản phẩm qua kênh trực tuyến, so với kênh truyền thống là 61%.

Tương tự như vậy, thói quen mua sắm của người Việt cũng đang thay đổi, khi kênh trực tuyến đạt 38%, còn kênh truyền thống là 46%.

Do đó, Shopee đặt cược vào TMĐT trên di động. Shopee khởi đầu từ nền tảng di dộng, với các tính năng xã hội như chat và trả giá, được thiết kế ngay từ ban đầu để giúp việc mua và bán trên di động dễ dàng hơn.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của di động và phát triển các ứng dụng cho kênh này. Tuy nhiên, không nhiều đơn vị thật sự tập trung vào định hướng này như Shopee.

Sự tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam là một sự thật không thể phủ nhận. Câu hỏi quan trọng đặt ra với các tên tuổi lớn là làm sao kết nối, cho phép mua bán trực tuyến giữa các lãnh thổ một cách dễ dàng trên toàn bộ khu vực ASEAN thậm chí là Trung Quốc. Doanh nghiệp giải quyết được bài toàn này sẽ trở thành người chiến thắng.

Theo ông Pine Kyaw, TMĐT Việt Nam tồn tại 2 vấn đề khá đặc trưng.

Thứ nhất, tỷ lệ lựa chọn thanh toán khi giao hàng của người dân Việt Nam là gần 65%, gấp hơn 8 lần so với mức trung bình trên thế giới (chỉ khoảng 8%). Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng gần như không đáng kể. Cùng với đó, tỷ trọng bán lẻ TMĐT chiếm chưa đầy 4%.

Thứ hai là vấn đề giành được niềm tin khách hàng. Tâm lý người tiêu dùng Việt cảm thấy rất thiếu an toàn khi mua sắm trực tuyến, dẫn đến không chịu thanh toán online cũng như không mua các mặt hàng giá trị lớn qua kênh trực tuyến.

Nếu một doanh nghiệp có thể đưa ra chính sách đảm bảo sự an toàn cho khách hàng thì đó sẽ là một trong những ưu thế lớn.

Nói về chiến lược ngắn hạn trong năm 2017, ông Pine Kyaw cho biết, việc sử dụng các dịch vụ khuyến mãi, ưu đãi lớn cho khách hàng chính là con đường ngắn nhất để có thể chạm đến trái tim người tiêu dùng.

Đó cũng là lý do Shopee khởi động chương trình "9.9 Online Shopping Day" vào ngày 9 tháng 9 năm 2017. Đây là lần thứ 2 sự kiện mua sắm trực tuyến thường niên này diễn ra tại Việt Nam. Trong năm 2016, 9.9 Online Shopping Day đã đạt được những kết quả như: lượt giao dịch tăng hơn 5 lần, lượng truy cập tới Shopee tăng hơn 3 lần chỉ trong vòng 24h...

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM