Giải pháp nào cho... 200.000 USD?

13/01/2017 17:21 PM | Xã hội

Hôm qua, thật tình cờ khi cùng với thông tin treo giải 200.000 USD cho giải pháp chống kẹt xe ở Hà Nội là bức ảnh ông bố mở cửa xe cho con ị giữa đường Trung Kính - Hà Nội. Hai minh chứng về việc H...

Trời thì mưa lạnh rét mướt, đường thì tắc kín và đứa trẻ thì không thể nhịn nổi nữa. Nhiều người thấy cần phải bênh vực ông bố có xe hơi nọ vì không có lựa chọn nào tốt hơn.

Nếu thế, dẫu thành phố có chi đến 200 triệu USD hay nhiều hơn thế để thực hiện các giải pháp thì chúng ta vẫn cứ kẹt xe, không chỗ này thì chỗ khác.

Chừng nào những bức ảnh đổ tại tắc đường , trời mưa, con nhỏ đang buồn ị mà ông bố phải mở cửa cho con ị xuống đường vẫn còn được bênh vực. Chừng nào anh đi xế xịn giữ xe mình thơm tho còn mặc kệ thiên hạ, hàng trăm người (cũng đang đèo con nhỏ trùm áo mưa) kẹt xe đứng xung quanh.

Tôi nghĩ chúng ta luôn sẵn có hàng trăm thậm chí hàng ngàn giải pháp chống tắc đường mà không cần đến 200.000 USD để được trình bày.

Việc treo thưởng này cho phép các nhà quản lý thể hiện tinh thần cầu thị, nhưng một giải pháp đúng nghĩa sẽ vẫn khó khăn. Dẫu treo thưởng chỉ 1 USD là đã có ngay 100 giải pháp, nhưng giải pháp ấy có thể áp dụng tại Hà Nội được chăng?

Nói về giao thông của Hà Nội, thứ gây ra tắc đường cần giải pháp thống nhất đầu tiên là phải từ đầu óc, nhận thức, sau mới đến việc mở đường, làm cầu vượt hay tạo ra những điều kiện tiên quyết cho việc cấp phép xây nhà chung cư 30-40 tầng.

Phải "thông tắc" cho cái đầu, đừng để di dời các cơ quan vài trăm nhân viên rồi cấp phép xây chung cư cho vài ngàn cư dân ngay trên mảnh đất đó.

Phải "thông tắc não bộ" cho những ai chỉ quan tâm đến việc bán được càng nhiều nhà càng tốt, bán được càng nhiều xe càng tốt mà đường xá là việc của chính quyền. Nó hệt như ngôi nhà thì bé mà thằng anh cả cậy mình kiếm được nhiều tiền hơn thằng em, mua đủ thứ đồ về giăng khắp kiểu trò chơi chiếm đất vậy.

Cho đến khi việc đi lại trong nhà trở nên khó khăn thì thay vì chung tay mở rộng ngôi nhà, thằng cả lại muốn chiếm những vị trí đắc địa trong nhà, đẩy thằng em ra hành lang. Mà thằng em cũng có vừa đâu, nhà thì là nhà chung, đường thì là đường chung. Và thế là xô xát. Và thế là trèo lên nhau mà sống. Ai dại gì mà mang giường ngủ ra ngoài hành lang cơ chứ?

Tôi nghĩ đến những hơn thua một đầu xe trong những bận tắc đường. Ô tô đổ lỗi cho xe máy gây tắc đường. Xe máy đổ lỗi cho xe bus cồng kềnh. Rồi giao thông luôn trong tình trạng điền vào chỗ trống. Văn hoá gì cũng xếp sau quyền được ưu tiên của mỗi người.

Tôi đi ô tô, tôi đóng thuế nhiều hơn thì tôi phải chiếm dụng đường nhiều hơn chứ? Tôi phải được ưu tiên chứ? Không! Tôi nghèo! Tôi cũng cần mưu sinh chứ! Tôi phải được quyền ưu tiên chứ! Ồ, tôi là phương tiện phục vụ cộng đồng cơ mà! Hãy ưu tiên cho xe bus...

Chúng ta tắc đường ngay trong những quyền được ưu tiên chồng chéo như thế. Không ai cho ai quyền ưu tiên của mình. Ai cũng cho mình mới xứng đáng và ai cũng đấm ngực than mình là nạn nhân. Riết rồi lại vẫn là ngửa cổ lên trời than trách chính quyền yếu kém. Chính quyền trở thành bị bông để dân trút giận dữ.

Giải pháp nào cho giao thông Hà Nội? Khi mà giao thông Hà Nội vẫn được quyết định bằng việc người ta… bấm còi? Khi mà ai cũng tin một cách chắc như đinh đóng cột về triết lý "Còi to cho vượt"? Ra đường ai cũng bấm còi thì ai mà nói, ai mà nghe ai? Khi mà ai cũng thấy việc chế cho còi mình to hơn là điều nên làm và dễ hiểu?

Giải pháp nào cho giao thông Hà Nội? Khi mà nội cái việc đi đúng làn đường cũng là quá khó cho người tham gia giao thông. Thành phố năm lần bảy lượt ra quân xử phạt đi sai làn nhưng mọi thứ đều chỉ áp dụng theo kế hoạch dăm bữa nửa tháng.

Mà đến cả xử phạt, số lượng xe máy bỏ lại trong các bãi giữ xe vi phạm ngày càng tăng thì thay vì đưa đi tiêu huỷ người ta lại bán đấu giá để chúng lại trở lại với đường phố. Chúng ta không giảm bớt được lưu lượng xe thì mọi giải pháp đều biến thành nhất thời.

Mọi con đường từ bản vẽ dành cho 100 lượt xe lưu thông đến lúc thành hình thì có đến 1.000 lượt xe lưu thông. Khả năng lách luật ngày càng "giỏi" từ việc lách xe đường tắc khiến mọi chế tài đều trở thành "câu đố dễ giải".

Không có giải pháp nào đâu khi thay vì đi một đoạn nữa sẽ có vòng xuyến để rẽ, người dân lại chọn cách "xé lươn" để rẽ cho nhanh, cho tiện. Những con đường cứ thế mà tạp nham, mà úi xùi, mà nhếch nhác, rách nát bởi cái gọi là "ưu tiện cho mình" của người tham gia giao thông.

Nói về giao thông, nó giống như việc người ta cứ đi mãi, đi mãi để tìm một con đường thoáng. Mà Hà Nội bây giờ, tìm đâu ra một con đường còn thoáng nữa?

Theo Hoàng Anh Tú

Cùng chuyên mục
XEM