Giải mã sự thành công của những nền tảng công nghệ tỷ đô

09/01/2019 16:30 PM | Công nghệ

Chìa khóa để Uber, TikTok,… vươn lên trở thành những nền tảng tỷ đô hoàn toàn nằm ở công nghệ cốt lõi mà họ ứng dụng.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một trong những startup thành công nhất trên thế giới chính là Uber. Khởi đầu là một ứng dụng chia sẻ phương tiện di chuyển, Uber đã vươn lên trở thành startup đắt giá nhất hành tinh, với giá trị ở thời điểm cuối tháng 10/2018 là 72 tỷ USD.

Tuy nhiên cũng vào cuối tháng 10, một startup khác đã vượt qua Uber để trở thành startup có trị giá cao nhất thế giới.. Đó chính là TikTok, mạng xã hội video dạng ngắn. Với khoản đầu tư lên đến 3 tỷ USD từ Softbank trong vòng đầu tư mới nhất, giá trị của TikTok đã đạt mức 75 tỷ USD.

Vậy điều gì đã làm nên thành công của TikTok, một ứng dụng mà "tuổi đời" mới chỉ hơn 2 năm? Nói một cách ngắn gọn, họ hiểu được hành vi của người dùng, và ứng dụng công nghệ để đáp ứng tốt nhất hành vi đó.

Công nghệ AI – Khi trải nghiệm người dùng được cá nhân hoá

TikTok là một nền tảng chia sẻ video dạng ngắn với thời lượng chỉ 15s, nhưng người dùng có thể dành hàng giờ xem video mỗi ngày. Điều khiến cho TikTok thu hút người dùng như vậy chính là khả năng đáp ứng hành vi của người dùng: cung cấp nội dung mới, thay đổi liên tục, và luôn phù hợp với những gì họ thích xem, kể cả khi họ chưa biết mình muốn xem gì.

Điểm quan trọng nhất khiến cho video trên TikTok luôn thỏa mãn được người dùng là khả năng gợi ý video. Mỗi hành động, thao tác của người dùng đều để lại dữ liệu cho hệ thống AI của TikTok phân tích: xem hết video, dừng xem, chuyển qua video mới… Khi có một lượng dữ liệu đủ lớn, TikTok có thể giới thiệu những video phù hợp nhất với sở thích của người dùng thông qua mục "Dành cho bạn", ngay cả khi mà họ còn chưa biết mình thích điều gì!

Giải mã sự thành công của những nền tảng công nghệ tỷ đô - Ảnh 1.

Cách hoạt động của TikTok thực ra đã được rất nhiều công ty khai thác. Một ví dụ có thể kể đến chính là Spotify. Với khoảng 10 triệu người cùng nghe nhạc mỗi phút trong ngày, Spotify có thể thu thập được những dữ liệu về loại nhạc yêu thích, thời gian nghe nhạc hay thiết bị được sử dụng để truy cập. Từ đó, các thuật toán sẽ được phân tích để mang đến những trải nghiệm chuyên biệt cho từng người nghe.

Việc các dịch vụ ngày càng mang tính cá nhân là điều tất yếu, khi người dùng có quá nhiều lựa chọn. Dịch vụ càng liên quan đến nhu cầu bản thân: giải trí, mua sắm, vận chuyển… thì càng phải đưa ra được những lựa chọn mà người dùng cảm thấy ưng ý nhất. Nhìn vào cách hoạt động của Amazon trong lĩnh vực mua sắm, Spotify khi nghe nhạc, Netflix khi xem phim, có thể dễ dàng nhận thấy sự cá nhân hóa cao độ. Và không ngoa khi nói rằng TikTok đang làm rất tốt ở mảng này.

Tạo ra hành vi cho người dùng

Tuy nhiên trước khi đạt đến quy mô đủ lớn để có thể thu thập dữ liệu lớn từ người dùng, những công ty thành công nhất đều có điểm chung: tạo ra hành vi cho người dùng.

Nói về tạo hành vi, có lẽ Amazon là ví dụ thú vị nhất. Năm 2005, họ đưa ra dịch vụ Amazon Prime, người dùng chỉ cần đóng một khoản phí nhất định để được hưởng hàng loạt ưu đãi và thời gian giao hàng siêu nhanh. Chương trình thành viên là thứ đã được các hệ thống bán lẻ ứng dụng hàng chục năm, nhưng Amazon Prime đã đưa ra những tiêu chuẩn mới.

Giải mã sự thành công của những nền tảng công nghệ tỷ đô - Ảnh 2.

Với TikTok, hành vi mới họ đưa ra cho người dùng chính là dành thời gian để xem những video ngắn, hấp dẫn, thay đổi liên tục. Không dừng lại ở đó, TikTok còn tạo ra một nền tảng hoàn toàn mới cho những người sáng tạo nội dung. Bằng cách khuyến khích người dùng tạo ra nội dung thông qua một loạt các công cụ quay chỉnh video độc đáo và dễ sử dụng, kho nhạc nền phong phú cùng với những xu hướng vô cùng hấp dẫn, TikTok giúp mỗi người dùng có thể tự do sáng tạo với nhiều nội dung đa dạng. Thông qua đó, TikTok đã tạo được một nền tảng video sáng tạo nhất hiện tại.

Mấu chốt vẫn là công nghệ

Tạo ra hành vi tiêu dùng mới đã khó, duy trì và phát triển hành vi đó còn khó hơn. Mọi startup đều biết được rằng để thành công, họ cần phân tích hành vi của người dùng và đưa ra một giải pháp, ứng dụng đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có nền tảng công nghệ đủ sâu để làm được điều đó. Nói cách khác, mọi doanh nghiệp đều muốn tạo ra sản phẩm có thể tương tác trực tiếp, trở thành một người bạn với người dùng, nhưng tất cả phụ thuộc vào trình độ công nghệ.

Đó là lý do những công ty công nghệ hàng đầu không tiếc tiền để lôi kéo những kỹ sư tài năng nhất về với mình. Sự khác biệt về công nghệ chính là điểm phân biệt giữa kẻ xuất chúng và kẻ sao chép. Ngoài Uber hay Grab, có hàng chục ứng dụng gọi xe tương tự, nhưng những gì họ làm được chỉ là sao chép bề ngoài. Nhiều ứng dụng công nghệ khác cũng đang học hỏi TikTok để đưa ra một dịch vụ tương tự, nhưng có thành công hay không thì còn phải chờ thời gian.

Đối với một nền tảng video dạng ngắn như TikTok, công nghệ lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Không dừng lại ở việc thưởng thức video, với sự hậu thuẫn của công nghệ AI, TikTok cung cấp cho người dùng kho tàng đa dạng những hiệu ứng đặc biệt, các tính năng quay video thú vị, sticker và các công cụ chỉnh sửa video mạnh mẽ cũng bộ nhận diện khuôn mặt nhanh nhạy giúp người dùng có thể dễ dàng tạo ra các video ngắn độc đáo, chia sẻ chúng với bạn bè và cả thế giới.

Giải mã sự thành công của những nền tảng công nghệ tỷ đô - Ảnh 3.

Với nền tảng công nghệ AI hữu ích, TikTok đã cung cấp cho người dùng một loạt công cụ quay video thú vị

Như vậy, có thể thấy mấu chốt thành công của những startup công nghệ cuối cùng vẫn phụ thuộc vào… công nghệ. Bạn có thể làm được rất nhiều điều tương tự, nhưng nếu không có một nền tảng công nghệ chắc chắn để bổ trợ, tất cả những gì bạn làm sẽ chỉ là sao chép. Kẻ đứng đầu luôn là công ty có nền tảng công nghệ vững chắc nhất.

Ánh Dương

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM