Giải mã ngưỡng 50 USD/thùng của giá dầu

30/05/2016 11:34 AM | Kinh tế vĩ mô

Tình hình gián đoạn cung dầu tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong hơn một thập kỷ qua đã khiến thị trường “sợ hãi” và đẩy giá dầu trở lại ngưỡng 50 USD/thùng.

Hiện khoảng 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 3% tổng sản lượng dầu toàn cầu mỗi ngày hiện đã bị dừng cung khỏi thị trường do các sự kiện làm gián đoạn sản xuất, như cuộc xung đột quân sự tại Nigeria, cháy rừng tại Canada hay tình trạng bất ổn tại Libya.

Giá dầu tăng do đâu?

Theo nghiên cứu của hãng Clearview Energy Partners, đây là thời điểm cung dầu trên thế giới bị gián đoạn nhiều nhất kể từ khi cuộc chiến tranh tại Iraq năm 2003 làm giá dầu bị ảnh hưởng.

Năm 2003, cuộc chiến tranh Iraq đã khiến gần 50% sản lượng dầu của nước này bị ngừng trệ.

Trong khi đó, những nguồn cung dầu khác lại không thể nhanh chóng tăng sản lượn để bù đắp chỗ trống. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện không thể ngay lập tức tăng sản lượng và họ cũng chưa chắc có ý định tăng sản lượng khi giá dầu vẫn ở mức thấp.

Ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến cũng tương tự khi hàng loạt các mỏ dầu bị bỏ hoang do giá dầu giảm mạnh thời gian trước đó. Chi phí cho việc vận hành lại những mỏ này khiến các công ty không có ý định tăng sản lượng khi giá dầu mới chỉ nhất thời tăng nhẹ.

Thông thường, tình hình bất ổn địa chính trị và thiên tai khiến những quốc gia xuất khẩu dầu lớn bị ảnh hưởng hoặc những tuyến đường vận chuyển bị gián đoạn, qua đó thúc đẩy giá dầu đi lên khi nhà đầu tư lo ngại thiếu nguồn cung trên thị trường.

Năm 2011, sự trỗi dậy của phong trào hồi giáo tại Trung Đông cũng như tình hình bất ổn tại Lybia đã khiến nguồn cung dầu tại khu vực này bị ảnh hưởng và đẩy giá dầu bình quân trong năm đó vượt ngưỡng 110 USD/thùng.

Theo hãng ClearView, kể từ năm 2012 đã có hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày bị gián đoạn không thể đưa ra thị trường do những nguyên nhân khách quan.

Vào giữa năm 2014, sự bảnh trướng mạnh mẽ của Tổ chức IS đã khiến nhà đầu tư lo ngại những mỏ dầu chính ở nhiều thành phố Iraq bị ảnh hưởng, qua đó đẩy giá dầu vượt 110 USD/thùng.

Tuy nhiên, cuối năm 2014 và 2015 lại là ngoại lệ khi dù Iran bị cấm vận xuất khẩu dầu mỏ và nhiều mỏ dầu tại Lybia phải đóng cửa do nội chiến nhưng giá dầu vẫn giảm mạnh. Nguyên nhân chính là ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ bùng nổ khiến giá dầu giảm mạnh 76% trước khi xuống mức đáy vào tháng 2/2016.

Dẫu vậy, giá dầu thô Mỹ WTI vẫn tăng từ mức 27 USD/thùng vào tháng 2/2016 lên ngưỡng 50 USD/thùng tuần trước do giá dầu thấp trước đó khiến nhiều nguồn cung suy giảm, khiến nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ thiếu dầu khi thiên tai hay bất ổn chính trị làm ảnh hưởng cung dầu.

Bên cạnh đó, việc các nhà sản xuất dầu lớn như Nga, OPEC hay Iran có cuộc gặp bàn về khả năng đóng băng sản lượng trong tháng 4/2016 cũng là một yếu tố tác động đến đà tăng của nhiên liệu này.

Cũng trong tháng 4/2016, cuộc đình công của các công nhân tại Kuwait đã khiến gần 50% sản lượng sản xuất dầu của nước này bị đình trệ. Trong khi đó, cháy rừng tại Canada đang khiến nước này phải đóng cửa hàng loạt các cơ sở sản xuất dầu cát nhằm tránh bị ảnh hưởng.


Biểu tình của công nhân ngành dầu mỏ tại Kuwait.

Biểu tình của công nhân ngành dầu mỏ tại Kuwait.

Tại Nigeria, lực lượng vũ trang ly khai đã tấn công các cơ sở sản xuất và đường ống xuất khẩu dầu, khiến sản lượng dầu mỏ tại đây xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Ngoài ra, một số chuyên gia lại cho rằng việc giá dầu giảm khiến ngân sách của nhiều nước xuất khẩu dầu lớn bị ảnh hưởng, qua đó lượng tài chính dành cho bảo dưỡng và tăng cường sản lượng khai thác bị cắt giảm. Đây là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ không kịp bù đắp cho những chỗ trống gây ra bởi thiên tai và xung đột địa chính trị.

Giá dầu sẽ giảm trở lại?

Một số chuyên gia phân tích cho rằng đà tăng giá dầu hiện nay sẽ suy yếu dần khi Canada bắt đầu cho các nhà máy bị buộc tạm ngừng hoạt động trước đây mở cửa trở lại trong khi sản lượng dầu của Kuwait đã quay lại bình thường.


Cháy rừng tại Canada khiến nhiều khu mỏ dầu phải đóng cửa.

Cháy rừng tại Canada khiến nhiều khu mỏ dầu phải đóng cửa.

Thậm chí, dù sản lượng dầu của Libya đã nằm dưới mức tiềm năng trong nhiều năm như các chuyên gia phân tích đều dự đoán xuất khẩu dầu của nước này trong thời gian tới sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại không chắc chắn liệu giá dầu có giảm trở lại hay tăng tiếp hay không. Hiện những quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Iraq, Nigeria và Venezuela đang chiếm 25% tổng sản lượng dầu thô của OPEC và những nhà sản xuất này đều đang gặp vấn đề và có thể ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu dầu.

Hiện Iraq đang cố gắng duy trì sản lượng dầu mỏ của mình trong khi bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tấn công nhiều khu vực khai thác. Trong khi đó, tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị tại Venezuela khiến nước này có khả năng không thanh toán được các dịch vụ vận chuyển dầu quốc tế, qua đó khiến sản lượng dầu của nước này đi xuống.

Hơn nữa, cuộc xung đột vũ trang tại Nigeria vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và rất có thể những cuộc tấn công vào các nhà máy sản xuất dầu tại đây vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Nếu thị trường vẫn đang thừa cung dầu lớn như trước đây, việc gián đoạn cung dầu do những yếu tố khách quan có thể không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên nguồn cung dầu hiện đang gặp khó sau đợt giảm giá mạnh nên những cuộc gián đoạn nguồn cung này có thể tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM