Giải mã câu lạc bộ tối mật của các nhà đầu tư ưu tú nhất thế giới: Không tên, không ban điều hành, cần 25 triệu USD để gia nhập

05/05/2018 14:16 PM | Kinh doanh

Nhóm không tên có quyền "cấp phép" cho một nhà đầu tư ngồi vào "mâm trên với những giao dịch đẳng cấp - điều mơ ước của những kẻ nghiệp dư ngốc nghếch".

Trong một ngành công nghiệp mà quyền lực và ảnh hưởng được đo đếm bằng những đồng đô la, đây có thể là câu lạc bộ độc nhất vô nhị trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, cái giá để gia nhập nhóm tinh hoa này không hề nhỏ. Chi phí tối thiểu là 25 triệu USD.

Không tên, không ban điều hành nhưng câu lạc bộ này gồm danh sách những nhà đầu tư giàu có và thành công nhất trên thế giới. Về cơ bản, mỗi thành viên có thể được ví như cả 1 công ty của chính mình bởi họ có thể thẩm quyền giải quyết những sản phẩm tài chính phức tạp phục vụ cho các định chế quản lý hàng trăm tỷ USD. Trên tất cả, họ phải làm điều đó mà không thu hút sự chú ý của các triệu phú hàng ngày của Phố Wall.

Cấp bậc của họ cũng ngày càng trở nên có chọn lọc hơn. Dù chẳng ai đếm nhưng những người trong ngành công nghiệp tài chính cho rằng nhóm tinh hoa này có không quá 3.000 người khi đạt đỉnh 1 thập kỷ trước. Hiện tại, số lượng thành viên của câu lạc bộ này đã bị thu hẹp đáng kể từ sau khủng hoảng tài chính. Nhiều tháng dò la, Bloomberg mới chỉ xác định được 12 cá nhân nằm trong cái gọi là: Thỏa thuận Tổng thể của Hiệp hội Giao dịch Phái sinh và Hoán đổi quốc tế (ISDA).

Họ là những ông trùm quỹ đầu cơ mạo hiểm như Chris Rokos và Michael Platt cũng như những "cá mập" đang làm việc tại các ngân hàng đầu tư sừng sỏ như Deutsche Bank AG và Goldman Sachs Group. Chính bản thân Deutsche Bank và Goldman Sachs cũng trở thành "khách hàng" của họ.

Trong thị trường phái sinh trị giá 542 nghìn tỷ USD, Thỏa thuận Tổng thể ISDA vạch ra các điều khoản được áp dụng cho một giao dịch phái sinh giữa hai bên. Theo giải thích của Michael Lewis trong The Big Short, chúng đại diện cho những "giấy phép", cho phép một nhà đầu tư ngồi ở "mâm trên và thực hiện các giao dịch cấp cao vốn là niềm mơ ước với những kẻ nghiệp dư ngốc nghếch". Họ có thể tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng nhất.

"Các ngân hàng thường theo đuổi những thương vụ này bởi họ có thể kiếm được gấp 2, gấp 3 lần so với thông thường. Đó cũng là cách hay để thu hút những khách hàng có giá trị", Manuel de Souza-Girao, cựu quản lý tài sản cấp cao của Deutsche Bank và Credit Suisse Group AG, cho hay.

"Đây không phải là thứ dành cho các nhà đầu tư trung bình với mức thu nhập 2 đến 5 triệu USD/năm. Nó sẽ tạo ra cái gì đó có ích cho những trader nổi tiếng hoặc các nhà đầu tư giàu có kếch xù, những người không gặp khó khăn khi cần có lượng tài sản thế chấp lớn", Nelson Rangel, một nhà đầu tư đã nghỉ hưu chuyển sang phụ trách văn phòng đầu tư của Raven Capital BV, tiết lộ.

Tuy nhiên, các ISDA không chỉ dành cho các nhà đầu tư nổi tiếng. Nhóm các chủ ngân hàng và các quản lý quỹ cấp cao không quen mặt công chúng cũng dùng tài sản và những mối quan hệ đã xây dựng được trong ngành công nghiệp tài chính để gia nhập nhóm tinh hoa này.

Sofiane Gharred, 39 tuổi, đã ký một ISDA với Citigroup Inc. vào năm 2014 trước khi bắt đầu quản lý quỹ đầu tư Selwood Asset Management của mình. Gharred người sinh ra ở Tunisia và học tại Paris, từ chối bình luận về các khoản đầu tư cá nhân và khẳng định không ký bất cứ giao dịch cá nhân nào từ khi điều hành Selwood từ giữa năm 2015. Trong 2 năm đầu tiên, tài sản nằm dưới sự quản lý của Selwood đã tăng 1 tỷ USD.

Theo những nguồn thạo tin, để tự mình thực hiện giao dịch các hợp đồng hoán đổi (swap) và các hợp đồng OTC khác với Citigroup, một cá nhân phải có tài sản ròng tối thiểu là 25 triệu USD, với ít nhất 5 triệu USD được gửi trong tài khoản mở tại ngân hàng. Với Goldman Sachs và JPMorgan Chase & Co., sự đòi hỏi cao hơn so với Citigroup mặc dù trong hầu hết các trường hợp, có sự linh động đối với các khách hàng lâu năm.

 Giải mã câu lạc bộ tối mật của các nhà đầu tư ưu tú nhất thế giới: Không tên, không ban điều hành, cần 25 triệu USD để gia nhập  - Ảnh 1.

Pasi Hamalainen, cựu giám đốc điều hành của Pacific Investment Management Co. ở California, đã nghỉ hưu năm 2008 ở tuổi 41 để nuôi dạy con trai và đua xe Bugattis, từng có ISDA với Citigroup và Goldman Sachs. Người đàn ông gốc Phần Lan là thành viên Ủy ban đầu tư và giám sát rủi ro toàn cầu của Pimco. Trong giai đoạn từ 2008 – 2012, Hamalainen có những giao dịch hoán đổi lãi suất và tiền tệ phái sinh với các ngân hàng Mỹ. Ông qua đời năm 2014.

Kieran Goodwin, cựu trưởng phòng giao dịch tại King Street Capital Management, cũng có thỏa thuận ISDA trong giai đoạn 2010-2012. David Peacock, quản lý một quỹ phòng hộ cũng từng có hợp đồng ISDA. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông từ chối bình luận về thông tin này.

Ý tưởng về một nhóm cá nhân giàu có được các chủ ngân hàng và luật sư ủng hộ đã tạo ra Hiệp hội Hoán đổi và Phái sinh Quốc tế (ISDA). Jeff Golden, một cựu thành viên cấp cao của công ty luật Allen & Overy chính là một trong những tác giả của thỏa thuận nguyên bản năm 1987 và các bản cập nhật về sau.

Tuy nhiên, phái sinh không chỉ là để đầu cơ mà còn có nhiều mục đích khác, bao gồm cả bảo hiểu rủi ro. Sau khi chấp nhận mua ngôi nhà ở Kensington, quận đắt giá nhất của London, với lãi suất thả nổi, Guido Filippa đã ký một hợp đồng ISDA với Goldman Sachs để phòng vệ trong trường hợp lãi suất tăng.

Filippa, 45 tuổi, cho biết ông nhận được thỏa thuận thông qua đơn vị quản lý tài sản cá nhân của Goldman khi đang làm quản lý một văn phòng của ngân hàng này ở London. Ông tham gia vào phái sinh lãi suất 10 năm, theo đó sẽ trả trước khoản phí trị giá khoảng 4% giá trị khoản thế chấp, đổi lại ngân hàng thanh toán cho Filippa (theo quý) nếu lãi suất cho vay liên ngân hàng lên cao hơn mức định sẵn.

"Tôi mua bảo hiểm với chính đòn bẩy mình sử dụng. Chỉ có thời gian mới biết được tôi nhận được lợi ích gì từ nó nhưng bảo hiểm giúp tôi ngủ ngon dù bất cứ điều gì xảy ra với lãi suất", Filippa nói.

Không dễ dàng để có được một thỏa thuận ISDA cá nhân dù trước cuộc khủng hoảng tài chính, các nhân hàng quản lý chuyện này lỏng lẻo hơn. Các quy tắc mới được tạo ra để ngăn một cuộc khủng hoảng khác, tránh tình trạng chi phí vốn cho các công cụ giao dịch phái sinh không được xử lý qua trung tâm thanh toán bù trừ bị đội lên như trong thời kỳ khủng hoảng. Những bê bối pháp lý cũng khiến ngân hàng chọn lọc kỹ càng hơn những người mà họ sẵn sàng giao dịch mạo hiểm

Trong một số trường hợp, nhân viên ngân hàng cần có ISDA để có thể đứng ra giao dịch với ngân hàng mà mình đang làm việc cho. Hiện tại, Giám đốc điều hành cấp cao của Deutsche Bank, bao gồm cả Raj Bhattacharyya và Boaz Weinstein, từng có ISDA với ngân hàng trong khi làm việc ở đây. Cả hai đều từ chối bình luận.

Goldman Sachs cũng từng giao dịch các sản phẩm phái sinh OTC với một số nhân viên cấp cao. John Wang, cựu giám đốc quản lý khu vực New York là một ví dụ. Wang hiện đang điều hành một quỹ tại San Mario, California cho biết ông là một trong số nhân sự cấp cao có ISDA với ngân hàng trước khi rời đi.

Tuy nhiên, việc những nhân sự cấp cao trong ngân hàng có ISDA có thể tạo ra các xung đột lợi ích, chẳng hạn như việc nhân viên cấp thấp để cho nhân viên cấp cao những ưu đãi vì họ vừa là sếp, vừa là khách hàng. Việc xét duyệt và thông qua cũng có thể diễn ra nhanh chóng vì tất cả những người trong cuộc đều sẵn sàng với điều đó.

Những cựu quan chức cấp cao cũng có thể lách thể chế và sử dụng những mối quan hệ đẳng cấp của họ để có được một ISDA. Sau khi rời chức vụ, họ thành lập quỹ riêng và sử dụng chính quỹ đó để thiết lập các ISDA với ngân hàng họ từng làm việc. Simon Morris, người đứng đầu bộ phận giao dịch tín dụng của Goldman Sachs ở châu Âu là một ví dụ dù ông luôn từ chối bình luận.

"Chỉ có những người ở cấp cao nhất của thế giới tài chính được nhận những đãi ngộ này. Bạn cần rất giàu có, hiểu sâu biết rộng trong lĩnh vực tài chính nhưng quan trọng nhất bạn cũng cần biết đúng người trong ngân hàng để có ISDA", Tze Tung Chong, một nhân vật có tiếng trong giới tài chính nhấn mạnh.

Theo Linh Anh

Từ khóa:  đầu tư
Cùng chuyên mục
XEM