Giải đua F1 sẽ là "món hời" cho kinh tế Việt Nam?

08/11/2018 17:13 PM | Xã hội

Những màn đua nghẹt thở tại Hà Nội sẽ được phát trên các kênh truyền hình toàn cầu với hơn 500 triệu người hâm mộ trung thành của giải đua công thức 1.

Ông Chase Carey, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Formula One tại Lễ trao quyền đăng cai Giải đua F1 cho Hà Nội vùa qua đã dành nhiều lời khen có cánh cho thành phố.

"Đây là thành phố thú vị nhất thế giới", ông nói và cho biết Việt Nam là sự lựa chọn hoàn hảo trong tầm nhìn dài hạn của F1 và mở ra những cơ hội thú vị cho đầu tư vào Hà Nội hay rộng hơn là đất nước Việt Nam.

"Chúng tôi rất mong đợi những lợi ích kinh tế mang lại", ông nói. Lợi ích này, có thể được cụ thể hoá trước tiên bằng việc Hà Nội được quảng bá trên các phương tiện thông tin toàn cầu, đến với 500 triệu người hâm mộ trung thành môn thể thao nghẹt thở này.

Ông Nguyễn Việt Quang, TGĐ Tập đoàn VinGroup, đơn vị đứng đằng sau giải đua F1 tại Việt Nam cũng thẳng thắn nói về lý do tài trợ. F1 được tập đoàn nhìn nhận theo hai khía cạnh.

Mặt thứ nhất, khi giải đua danh giá thế giới được tổ chức sẽ đưa tên tuổi Việt Nam vào bản đồ sự kiện thể thao toàn cầu, tạo tiền để cho những sự kiện quốc tế tiếp theo. Thông qua đó, hình ảnh của một Việt Nam năng động, hiện đại, văn minh sẽ được xây dựng và quảng bá mạnh ra quốc tế. Ông Quang kỳ vọng mỗi mùa giải sẽ trở thành một lễ hội lớn, thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam.

Ở mặt còn lại, VinGroup đang sở hữu Vinfast, sản xuất ô tô, xe máy, do đó, tổ chức F1 không chỉ tốt cho du lịch Việt Nam mà còn để quảng bá hình ảnh ô tô Việt đẳng cấp ra thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 10 tháng năm 2018 ước đạt 12,8 triệu lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2017.

Ngành du lịch đang được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng sẽ tăng mạnh hơn nữa nếu có thêm những động lực mới mà giải đua F1, như đã nói ở trên, có thể là cơ hội.

Singapore là một ví dụ điển hình trong việc dùng thể thao, cụ thể là giải đua công thức 1, "nuôi" du lịch. Đảo quốc sư tử, năm 2008, đã nhọc công và tiêu tốn một khoản tiền lớn để dành quyền đăng cai chặng đua F1 về đêm. Thời điểm đó, nhiều nước trong khu vực châu Á cũng đã có chặng đua này như Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc.

Singapore cho rằng đất nước dù là điểm đến hấp dẫn nhưng để tăng tốc, cạnh tranh trong ngành du lịch khắc nghiệt cần một động thái mạnh mẽ hơn. Đó là lý do họ quyết tâm đăng cai giải đấu.

Tờ Straitstimes năm 2017 dẫn lời của James Walton, trưởng nhóm kinh doanh thể thao của Deloitte Singapore và Đông Nam Á cho biết từ giải đua F1 được tổ chức, Singapore cho thế giới thấy đây là một nền kinh tế mạnh, có thể tổ chức các sự kiện thể thao, văn hoá tốt. "Các đội chơi và du khách sẽ tận hưởng chuyến đi suôn sẻ đến Singapore và hoá đơn từ những người này sẽ rơi vào túi các nhà bán lẻ", James cho biết.

PGS. Sharon Ng, thuộc bộ môn tiếp thị tại trường Kinh doanh Nanyang, ĐH Công nghệ Nanyang nói thêm: "F1 là môn thể thao toàn cầu và sẽ tạo cơ hội cho hình ảnh của chúng tôi ra thế giới. Singapore thường được xem là thành phố kém sôi động hơn những nơi khác, F1 giúp tăng thêm niềm vui, sự hứng thú. Nên tôi nghĩ Singapore nên tiếp tục tổ chức".

Thống kê của Hội đồng Du lịch Singapore (STB) cho thấy sự đóng góp mạnh mẽ của F1 đối với ngành du lịch đảo quốc sư tử khi từ năm 2008 – 2015, cuộc đua F1 ban đêm đã thu hút tổng cộng 350 nghìn khách quốc tế, trung bình tạo ra 150 triệu USD mỗi năm.

Theo Hà Thu

Cùng chuyên mục
XEM