​Giấc mơ 10 năm về giá dầu của Tổng thống Putin sắp trở thành hiện thực

29/04/2016 17:08 PM | Kinh tế vĩ mô

Giấc mơ ấp ủ trong hơn một thập kỷ qua của tổng thống Putin sắp thành hiện thực: dầu thô của Nga sẽ được định giá ở Nga.

Chủ tịch sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất của Nga - Igor Sechin - đang kêu gọi các nhà giao dịch dầu thô quốc tế gia nhập thị trường giao dịch kỳ hạn của nước này. Nga đang hướng đến mục tiêu gia tăng thu nhập từ dầu Ural bằng cách tách biệt sản phẩm này với cơ chế định giá của dầu Brent (vốn là quy chuẩn giá dầu phổ biến nhất hiện nay). Một mục tiêu khác là thoát khỏi tình trạng dầu thô được định giá bằng USD.

Các chuyên gia cho rằng nếu Nga muốn thu hút sự tham gia của các nhà giao dịch quốc tế vào cơ chế định giá dầu do Nga thiết lập, điện Kremlin cần đảm bảo mình không có ý định đẩy giá dầu lên. Hiện nay, dầu thô là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách của Nga.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một hệ thống mà dầu của Nga được định giá và giao dịch một cách công bằng và công khai”, Alexei Rybnikov, chủ tịch sàn giao dịch hàng hóa quốc tế St. Petersburg (Spimex) nói.

Nga xuất khẩu một nửa sản lượng dầu thô của mình ra quốc tế và lâu nay vẫn phàn nàn về việc họ phải giảm giá dầu Ural xuống mức giá của dầu Brent Biển Bắc. Với việc giá dầu giảm hơn một nửa trong hai năm qua và Nga đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách kỷ lục kể từ năm 2010, nước này đang tìm mọi cách để nâng giá dầu lên. Việc thành lập thị trường giao dịch kỳ hạn của riêng mình sẽ giúp Nga chủ động hơn trong việc định giá dầu cũng như giúp các công ty trong nước có thêm doanh thu từ giao dịch dầu mỏ.

Nhằm thu hút các nhà giao dịch quốc tế, Ngân hàng Trung ương Nga đang chuẩn bị sửa luật để cho phép các công ty ngoài giao dịch hàng hóa và các sản phẩm phái sinh trên các sàn giao dịch của nước này. Ngân hàng này sẽ hỗ trợ Spimex trong việc định giá các hợp đồng xuất khẩu dầu kỳ hạn.

Theo chủ tịch của Spimex, các công ty dầu lớn nhất của Nga, bao gồm Rosneft, Lukoil, và Gazprom, đều ủng hộ việc thành lập thị trường giao dịch kỳ hạn mới này và có thể trở thành thành viên của thị trường. Ông từ chối nêu tên các công ty giao dịch nước ngoài, nói rằng Spimex vẫn đang trong quá trình đàm phán với các công ty muốn gia nhập thị trường.

Spimex là sàn giao dịch dầu thô lớn nhất của Nga kể từ khi thành lập vào năm 2008 sau khi chính phủ quy định các công ty dầu trong nước phải bán từ 5-10% sản phẩm của mình ở đây. Các nhà sản xuất dầu đã bán số hàng hóa trị giá 533 tỷ rúp (7,8 tỷ USD) ở sàn giao dịch này, tức hơn 15% tổng số dầu được bán trên thị trường trong nước.

Nga không phải là nước duy nhất muốn thay đổi cơ chế định giá dầu toàn cầu. Trung Quốc, nước đã vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng sẽ ra mắt hệ thống giao dịch kỳ hạn của mình trong năm nay. Trong khi đó, Iran và Venezuela, hai thành viên của OPEC, cũng đã kêu gọi giao dịch dầu thô bằng các đồng tiền khác thay vì USD như hiện tại.

Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch nước ngoài vẫn tỏ ra lưỡng lự trong việc gia nhập thị trường giao dịch kỳ hạn của Nga do quan ngại rằng chính phủ nước này sẽ can thiệp vào thị trường dầu mỏ. “Nhiều người vẫn nghi ngờ về cơ chế giao dịch của Spimex”, Eugene Lindell, chuyên gia phân tích của JBC nói.

Theo Long Nam

Cùng chuyên mục
XEM