Giá xăng tiếp tục tăng vào ngày mai, dự báo vượt 24.000 đồng/lít?

20/02/2023 11:40 AM | Kinh doanh

Trước xu hướng tăng giá của thị trường xăng dầu thế giới, trong kỳ điều hành ngày mai (21/2), dự báo giá xăng trong nước có thể tiếp tục tăng khoảng 250 đồng/lít, đưa giá xăng vượt 24.000 đồng/lít.

Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/2 cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 dùng để điều chế xăng E5 RON 92 là 98,01 USD/thùng; RON 95 là 101,26 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu hỏa, dầu diesel tiếp tục có xu hướng giảm.

Sáng 20/2, trên thị trường thế giới, giá dầu Brent giao dịch ở mức 83,1 USD/thùng, tăng nhẹ 0,1% so với hôm qua; dầu WTI giao dịch mức 76,5 USD/thùng, tăng 0,2%.

Giá xăng tiếp tục tăng vào ngày mai, dự báo vượt 24.000 đồng/lít? - Ảnh 1.

Dự báo trong kỳ điều hành ngày mai (21/2), giá xăng sẽ tiếp tục tăng

Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, dựa trên diễn biến giá thế giới, trong kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 260 đồng/lít; xăng RON 95 có thể tăng 250 đồng/lít. Trong khi giá dầu tiếp tục giảm 340-500 đồng/lít/kg. Mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành quyết định trích lập quỹ bình ổn.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 5 lần tăng . Cụ thể, ngày 1/1, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.030 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 1.100 đồng/lít. Sau đó 2 ngày, xăng E5 RON92 tiếp tục tăng thêm 330 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 350 đồng/lít.

Trong kỳ điều hành ngày 11/1, giá xăng E5 RON 92 tăng 332 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 347 đồng/lít. Đến ngày 30/1, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 970 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 990 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 13/2, giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 540 đồng/lít, lên 22.860 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 620 đồng/lít; lên 23.760 đồng/lít.

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính , thị trường xăng dầu thế giới đang chịu ảnh hưởng của các yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất; lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; các tín hiệu trái chiều về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc…

Theo Dương Hưng

Cùng chuyên mục
XEM