Giá vé rẻ, tiếp viên “mát mẻ”: Hãng hàng không Hooters Air “ngã chổng vó” sau 3 năm với khoản lỗ 40 triệu USD!
Tưởng chừng như nắm chắc được công thức thành công khi vừa sở hữu giá vé cạnh tranh, vừa cung cấp dịch vụ “đỉnh cao” cho khách hàng, nhưng Hooters Air lại trở thành một bài học đau đớn về “tự tin quá đà”.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Được coi là "nhà hàng gợi cảm" đầu tiên và thành công nhất, Hooters tăng trưởng nhanh chóng thành một chuỗi 430 địa điểm với lượng tiền mặt dồi dào.
Kế hoạch: Nhằm đưa thương hiệu Hooters lên một tầm cao mới, chủ tịch Brooks đã thành lập Hooters Air, hãng bay "hoàn hảo" với giá vé rẻ, tiếp viên gợi cảm, ghế ngồi rộng rãi, …
Kết quả: Hooters Air nhanh chóng sụp đổ chỉ sau 3 năm khi đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ, sự nghi ngờ từ khách hàng và xu hướng đi lên của giá xăng dầu…
Nhà hàng và... hàng không?
Hooters được thành lập bởi 6 doanh nhân tại Florida vào năm 1983. Chưa đầy 1 năm sau, nhà đầu tư Robert H. Brooks đã nhận ra tiềm năng của mô hình này và nhanh chóng mua đứt thương hiệu, quyền mở rộng và nhượng quyền, tiến tới việc thâu tóm cả tập đoàn Hooters.
Dưới sự dẫn dắt của ông chủ mới, Hooters tăng trưởng vượt bậc khi phát triển từ vài cửa hàng nhỏ tại Florida vào những năm 1980 để trở thành một chuỗi hơn 430 nhà hàng khắp thế giới vào những năm 2000 (bao gồm cả Đài Loan, Venezuela và Thụy Sĩ).
Ngoài đồ ăn, thức uống và không gian được đánh giá cao, khách hàng không ngần ngại chia sẻ rằng họ đến với Hooters vì sự hấp dẫn của những tiếp viên trẻ đẹp với bộ đồng phục không thể nào mát mẻ hơn.
Được đánh giá là "nhà hàng gợi cảm" đầu tiên trên thế giới, Hooters phát triển mạnh mẽ hơn 35 năm mặc bao khó khăn trên thị trường.
Vào thời kỳ "hoàng kim" vào những năm 2000, đặc biệt là vào năm 2003. Cả chuỗi nhà hàng liên tục "cháy chỗ" giúp Hooters cực kỳ dư dả về tài chính, chủ tịch Bob Brooks tự tin rằng đây là lúc mà đứa con tinh thần của ông phát triển lên một tầm cao mới.
Nghĩ là làm, ông ngay lập tức mua lại hãng hàng không nhỏ Pace Airlines tại North Carolina, sơn tất cả máy bay về màu trắng – cam, dán logo và đưa Hooters Air vào hoạt động.
Với trụ sở chính tại Myrtle Beach, Carolina, Hooters Air ngay lập tức gây ấn tượng khi cam kết giá vé cực thấp, chỉ từ 99 USD trên mỗi vé bay trực tiếp một chiều đến hơn 15 địa điểm trên khắp nước Mỹ.
Chất lượng và thành công
Hooters Air được sinh ra để trở thành một "chiêu trò marketing" khá đặc biệt của Hooters và được mệnh danh là "biển quảng cáo biết bay" cho chuỗi nhà hàng này. Nhưng trên thực tế, Hooters Air còn làm được nhiều hơn thế.
Do là một thương hiệu "sinh sau đẻ muộn", Hooters Air biết rằng mình phải khác biệt để tồn tại. Bắt đầu là hàng loạt chương trình quảng cáo tập trung vào những người đam mê golf, với thế mạnh hơn 100 giải golf được tổ chức mỗi năm ngay tại thành phố đặt trụ sở chính - Myrtle Beach.
Hai "cô nàng Hooters" với bộ đồng phục mát mẻ được bố trí để phục vụ cho khách hàng song song với những tiếp viên khác.
Chưa hết, dù bán giá vé rất cạnh tranh so với các đối thủ, tất cả ghế ngồi trên Hooters Air không những có chỗ để chân rộng rãi như hạng thương gia, mà còn bọc một lớp da màu đen sang trọng.
Nhưng điểm khác biệt nhất chính là dịch vụ khi bay, trong khi các hãng bay giá rẻ cắt bỏ dịch vụ và bán thêm suất ăn, quà lưu niệm xuyên suốt chuyến bay để gia tăng doanh thu. Hooters Air không rao bán bất kỳ thứ gì và cung cấp suất ăn miễn phí cho những chuyến bay trên 1 giờ.
Những điểm mạnh trên nhanh chóng đem lại nhiều kết quả tích cực. "Khi hoạt động hết công suất, Hooters Air dễ dàng mang tới 3.000 – 5.000 khách mỗi tuần đến khu vực Myrtle Beach," Brad Dean – Trưởng phòng thương mại Myrtle chia sẻ: "Hooters Air không chỉ là một hãng bay mà còn là một chương trình vì cộng đồng lớn nhất mà tôi từng thấy. Ngài Brooks tin rằng Myrtle Beach có cơ hội phát triển thành một trung tâm du lịch và kinh tế lớn trên cả nước."
Ngoài ra thì Hooters Air cũng đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho những khu vực nhỏ lẻ mà hãng bay này hoạt động như sân bay Gary Indiana và vùng Nam Chicago.
Thất bại không tránh khỏi
Dù đóng góp tích cực về mặt kinh tế cho nhiều khu vực, nhưng bản thân Hooters lại không cùng cảnh ngộ khi phải ngừng hoạt động vào năm 2006, tức chỉ 3 năm sau khi xuất hiện, với khoản lỗ lên tới 40 triệu USD.
Thất bại này cũng chấm dứt hợp đồng lao động cho hơn 350 nhân viên, từ phi công, tiếp viên cho đến kỹ sư vận hành. Bảy chiếc Boeing đang hoạt động cũng được bán gấp để bù lỗ.
Nhưng tại sao Hooters Air thất bại?
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, đầu tiên là thị trường hàng không vẫn còn bàng hoàng sau cuộc khủng bố 11/9, rất nhiều khách hàng chỉ muốn bay các hãng lớn vì yếu tố an toàn, điều đó đẩy một hãng bay vừa mới, vừa có vẻ "không chuyên nghiệp" như Hooters Air vào thế rất khó.
Thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, giá vé của Hooters Air nhanh chóng bị các hãng lâu năm với nhiều điểm đến hơn như Southwest "sao chép", khiến hãng bay non nớt này nhanh chóng đánh mất vũ khí cạnh tranh quan trọng.
Và cuối cùng là giá xăng dầu, từ lúc Hooters Air bắt đầu hoạt động cho đến lúc phá sản, giá xăng dầu trên thế giới liên tục tăng, đẩy các hãng có tiềm lực kinh tế kém vào tình thế cực kỳ khó khăn.
"Ngành hàng không là một mớ hỗn độn", Chủ tịch Brooks cho hay. "Đúng là Hooters có nhiều tiền, nhưng số tiền đó không đủ để giải quyết tình trạng này."
Tin vui là thất bại từ Hooters Air cũng không cản nổi bước tiến của thương hiệu "mẹ" - Hooters. Hàng trăm cửa hàng vẫn hoạt động hiệu quả và đẩy giá trị của chuỗi nhà hàng 35 năm tuổi lên hơn 250 triệu USD, chứng minh hiệu quả bán hàng không bao giờ suy giảm của "sự quyến rũ".