Giá nào cho điện mặt trời?

09/08/2017 16:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Đầu tư điện mặt trời là sự lựa chọn thân thiện cho môi trường và bền vững cho hệ sinh thái chung. Thế nhưng, bên cạnh yếu tố thời gian thu hồi vốn khá dài, vẫn có một thách thức khác hiếm khi được nhắc tới, đó chính là xử lý ô nhiễm gây ra từ dự án điện mặt trời.

Dự án điện mặt trời có thể gây ô nhiễm môi trường là một thực tế không thể tránh khỏi, vì chỉ riêng công nghệ sản xuất các tấm pin mặt trời này đã gây ô nhiễm môi trường. Các tấm pin ấy cũng chỉ có thời hạn sử dụng từ 20-25 năm hoặc 30 năm, còn sau đó thì làm sao để xử lý loại rác thải công nghiệp hết sức nguy hại này?

Câu hỏi của GS.TS. Đặng Lương Mô, nhà khoa học đầu ngành về vi mạch, tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia trí thức Việt kiều cho sự phát triển của TPHCM tổ chức gần đây, khiến những người quan tâm không khỏi giật mình khi biết rằng, thế giới vẫn chưa có công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm do các tấm pin mặt trời thải ra sau khi “hết date”!

Hơi sớm để “bàn lùi” như vậy khi điện mặt trời vẫn còn là hàng hiếm tại Việt Nam, nhưng cũng không muộn để cân nhắc thiệt hơn cho các thế hệ sau. Kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy xử lý vấn nạn rác thải đồ dùng điện tử và máy tính hiện đang là câu chuyện hết sức đau đầu trên toàn thế giới.

Thực tế ở Khu Công nghệ cao TPHCM cho thấy, có đến hàng chục doanh nghiệp tại đây từng mong muốn tự sản xuất điện mặt trời, nhưng rồi cuối cùng hầu hết đều bỏ dở dự án. Trong khi điều kiện tự nhiên về số giờ nắng trong năm tại TPHCM được xem là khá hấp dẫn, nếu chỉ xét về mặt sản lượng điện có thể sản xuất (2.000-2.500 giờ nắng/năm).

Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia tin rằng có lẽ điện mặt trời cần có thêm nhiều chính sách sâu rộng hơn nữa.

Đại diện cho 64 văn bản và 25 đề án về năng lượng sạch được giới Việt kiều gửi về từ khắp nơi trên toàn thế giới, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, một trong những băn khoăn lớn của nhà đầu tư là thời gian thu hồi vốn cho dự án quá dài, có khi hơn 1/4 thế kỷ. Làm thế nào để rút ngắn con số này nhằm tạo tính hấp dẫn hơn cho điện mặt trời?

Từ phía người tạo lập chính sách, Chính phủ đã đi thêm một bước bằng Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ban hành ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Theo đó, dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định cho dự án; áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án (nếu là hàng hóa trong nước chưa sản xuất được).

Ngoài ra, các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước… Đặc biệt, bên mua điện phải mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá 2.086 đồng/kWh (đương đương 9,35 cent/kWh).

Còn theo TS. Trần Duy Châu, cần tối ưu hóa lợi ích của địa phương để có thể chiếm được nhiều hơn phần lợi ích thặng dư của dự án. Ví dụ, nếu dự án đầu tư từ ngân sách thì Nhà nước cần ưu tiên cho các đối tác tại địa phương có đủ điều kiện tham gia cung cấp thiết bị, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành, lắp đặt… Hoặc cần có quy hoạch về xây dựng theo hướng ưu tiên cho những công trình có mái nhà, hướng nhà thuận tiện cho lắp đặt pin mặt trời; hoặc chính quyền cũng có thể tuyên truyền ý thức cộng đồng bằng cách lắp đặt hệ thống pin mặt trời ngay tại chính công trình của các sở, ngành, công trình có sử dụng vốn ngân sách…

Còn từ phía doanh nghiệp rất cần những cái bắt tay, liên kết để nâng cao tỉ lệ “nội địa hóa” của dự án, từ đó góp phần giảm giá thành sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam.

Ông David Ngô, Việt kiều Mỹ, thành viên của Dự án Saigon Sillicon City tin rằng, để giải được phần nào bài toán chi phí cho điện mặt trời phải có trí tuệ của người Việt tham gia vào khâu sản xuất thiết bị. Đó nên là khâu ít gây ra ô nhiễm nhất và cần có hàm lượng chất xám cao. Với những thứ buộc phải nhập khẩu thì hãy chọn nhà cung cấp uy tín trên thế giới và có mối quan hệ làm ăn lâu năm với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam để có sản phẩm chất lượng ở mức giá tốt nhất.

Theo Phương Hiền

Cùng chuyên mục
XEM