Giá gà từ chuồng ra siêu thị tăng 2-3 lần: Người nuôi khóc ròng, người mua chịu thiệt

11/03/2017 14:13 PM | Xã hội

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, giá gia cầm bán tại chuồng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên vẫn tồn tại một nghịch lý không dễ lý giải là khi người nuôi khóc ròng vì giá gà rẻ thì người mua tại các siêu thị vẫn phải chịu mức giá cao gấp 2-3 lần. Phải chăng khâu trung gian đang “ăn quá nhiều” hay con gà Việt từ chuồng ra siêu thị đã phải cõng hàng chục loại thuế, phí để rồi bị tăng giá nhiều lần…

Giá gà xuống thấp - người nuôi phá chuồng

Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đến ngày 8.3, giá gia cầm nuôi công nghiệp đã giảm xuống dưới 20 nghìn đồng/kg (giá cân tại trại), có nơi giá xuống dưới 19 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân thua lỗ thê thảm. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ - cho biết: Người nuôi gà công nghiệp thường lỗ nên những hộ nuôi gà trắng nhỏ lẻ đã “teo tóp” dần, hiện chỉ còn những trại nuôi lớn với quy mô trên chục ngàn con trở lên mới đủ sức cầm cự. Tuy nhiên, do tình trạng giá bấp bênh nên những trại chăn nuôi lớn này cũng giảm số lượng nuôi khoảng 30% hoặc giảm số đợt nuôi trong năm.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Một trong những lý do là đợt cúm gia cầm vừa qua, nhiều thông tin khuyến nghị người tiêu dùng không nên ăn gia cầm tươi sống mà nên ăn hàng đông lạnh, khiến người tiêu dùng không ăn gà “nóng”. Nếu giá thành dưới 20 nghìn đồng/kg, người nuôi gà đang thua lỗ”.

Không riêng gì gà công nghiệp, các con gia cầm khác như: Ngan, vịt, chim cút, bồ câu… và các sản phẩm khác từ gia cầm, đặc biệt là trứng, đang bị giảm giá mạnh. Đặc biệt là từ khi Bộ NNPTNT và Bộ Y tế công bố dịch cúm gia cầm, giá lại càng giảm mạnh. “Giá gà công nghiệp đã giảm từ 33 nghìn đồng/kg xuống còn 23 nghìn đồng/kg và đến thời điểm này chưa đến nổi 20 nghìn đồng/kg. Gà lông trắng cũng mất giá từ 10-12 nghìn đồng/kg, giá vịt cũng chỉ còn 26 nghìn đồng/kg; trứng gà từ 1 nghìn 600 đồng/quả đã giảm xuống chỉ còn 800 đồng đến 1 nghìn 100 đồng/quả” - ông Nguyễn Kim Đoán- Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ.

Con gà ra siêu thị phải cõng quá nhiều thuế - phí

Mặc dù giá bán tại trại chỉ 19-20 nghìn đồng/kg (khu vực phía Nam), 37 - 40 nghìn đồng/kg (phía Bắc) nhưng khi bán đến tay người tiêu dùng, giá gà cao gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần. Tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch - Cầu Giấy), giá gà công nghiệp từ 75 - 90 nghìn đồng/kg tuy loại. Thanh minh về việc giá gà công nghiệp quá cao, chị Vương Thị Minh (Vạn Phúc - Mê Linh - Hà Nội) cho biết: 10 ngày nay chị phải bắt gà công nghiệp với giá 40 nghìn đồng/kg do giá gà tăng. Theo chị Minh, trước tết nhiều hộ nuôi gà công nghiệp đã “treo máng” vì giá gà xuống thấp, thua lỗ.

Ghi nhận tại siêu thị Lotte Mart Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, khu vực thực phẩm thịt gia cầm tươi sống gà nguyên con CP HN có giá 62.000 đồng/kg, gà ta nguyên con CP HN: 88.900 đồng/kg. Các sản phẩm như đùi gà tháo khớp Thanh Đạt: 90.900 đồng/kg, cánh gà nguyên CP: 89.900 đồng/kg, cánh gà Thanh Đạt: 106.900 đồng, đùi tỏi gà Thanh Đạt: 101.900 đồng... Tại nhiều siêu thị khác, sản phẩm gà đông lạnh vẫn ở mức 95.000 đồng/kg (gà nguyên con), cánh gà Việt Nam: 76.900 đồng/kg, đùi tỏi già CP: 80.000 đồng/kg, đùi gà dai đông lạnh: 39.900 đồng/kg, philê gà Việt Nam: 77.900 đồng/kg.

Tại sao giá gia cầm đang ở mức đáy, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn phải ăn gà với giá cao? Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc CP Nhất Nam, cho biết: Giá gà giết mổ sẵn bán tại các siêu thị không mang lại lợi nhuận “khủng” như mọi người lầm tưởng, bởi sản phẩm khi đến siêu thị để phân phối cho người tiêu dùng, đã qua bao khâu: Đầu mối thu gom, lò giết mổ… “Tại các lò giết mổ, chủ lò phải chịu thuế GTGT, đến siêu thị lại thêm 1 lần nữa 10% thuế GTGT, như vậy chỉ riêng thuế chính thức cũng đã phải chịu 2 lần, chưa kể trong quá trình vận chuyển, chế biến, số lượng hàng hóa hư hỏng, hao hụt rất nhiều, rồi chi phí bao bì, bảo quản, tem nhãn... Mặt khác, gia súc gia cầm có đặc điểm là giết mổ, vận chuyển ban đêm, thì tiền công ban đêm trả cho người lao động cũng gấp đôi lương ban ngày”.

Bà Lê Thị Hải Yến (Mê Linh - Hà Nội) - một đầu mối chuyên cung cấp gà chế biến sẵn cho các bếp ăn công nghiệp hoặc các đầu mối gom hàng bán lẻ, khẳng định: “Giá gà công nghiệp bắt tại chuồng hiện nay là 37 nghìn đồng/kg, sau khi giết mổ, bán cho các bếp ăn hoặc các đầu mối buôn là 50 nghìn đồng/kg. Cũng là nguồn gà công nghiệp, nhưng chúng tôi thu mua trực tiếp rồi bán thẳng cho người tiêu dùng thì giá rất rẻ.

Nhưng nếu người tiêu dùng mua trong siêu thị, hoặc mua qua các sạp buôn lại, thì con gà đó phải “cõng” thêm biết bao chi phí khác, gồm cả thuế GTGT, tiền bảo quản đông lạnh, kho bãi, nhân công bán hàng, phí “chỗ ngồi”… Như vậy, một con gà phải cõng 2 lần thuế chính thức, kèm thêm bao nhiêu chi phí không tiện gọi tên, chưa kể cả chi phí “mãi lộ” - như lời một chuyên gia trong ngành hàng bán lẻ bật mí, thì giá thành phải đội lên 3-4 lần là điều đương nhiên.

“Để nâng mức lợi nhuận cho nông dân mà hàng hóa đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức hợp lý, không còn cách nào khác phải bỏ bớt khâu trung gian. Muốn như vậy, cần có chuỗi khép kín từ nông trại lên bàn ăn” - ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở thương mại Hà Nội đã nhiều lần phát biểu thẳng thắn.

Bộ tài chính đã có thông tư 113 có hiệu lực thi hành từ 8.8.2015 được cho là một bước tiến lớn để “cởi trói cho con gà” khi bãi bỏ hàng loạt phí, thuế đối với chăn nuôi gia cầm như phí khủ trùng tiêu độc, phí xử lý các chất phế thải động vật, phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản đông lạnh, phí vệ sinh tiêu độc trong công tác kiểm dịch (bao gồm xe ôtô, máy bay, toa tầu xe lửa và các loại xe khác; sân, bến bãi, khu cách ly kiểm dịch, cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất con giống, ấp trứng, cơ sở giết mổ động vật, chế biến, sản phẩm động vật, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, chợ mua bán sản phẩm động vật), phí niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

Thế nhưng rõ ràng, Bộ tài chính, Bộ NN&PTNN cần có những nghiên cứu tháo gỡ thêm các chính sách về thuế, phí để người nuôi “dễ thở” khi giảm được chi phí đầu vào còn người mua được hưởng thịt gia cầm giá rẻ. Bởi nếu không, nguy cơ thua ngay trên sân nhà đã hiển thị rất rõ khi gà ngoại nhập giá siêu rẻ đang khuynh đảo các siêu thị và tạo ra áp lực lớn với chăn nuôi Việt hiện tại và tương lai.

Theo Khánh Vũ- Thu Trang

Cùng chuyên mục
XEM