Giá dầu giảm, kinh tế lao dốc, ông Putin và nước Nga có phải đối mặt với nạn "chảy máu chất xám"?

07/07/2016 14:12 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của tập đoàn tư vấn Stratfor, nước Nga đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua. Số liệu của Cục Thống kê Nga cho thấy 350.000 người đã rời Nga trong năm 2015, cao gấp 10 lần so với 5 năm trước đó.

Trong bản báo cáo này, các chuyên gia còn dưa ra một bảng mẫu cho thấy mối liên hệ giữa dòng người di cư với các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, những số liệu và luận điểm của Stratfor có một sai lầm vô cùng lớn. Đầu tiên, số liệu của Cục Thống kê Nga (FGSS) chỉ cho thấy số người rời khỏi nước Nga mà không cho biết quốc tịch của họ là nước nào.

Năm 2015, có đến 299.000 người trong số 353.000 người rời khỏi nước Nga là công dân của các nước thành viên Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), bao gồm những nước thuộc Liên Xô cũ. Ví dụ có khoảng 36.276 người trong số trên là quay trở về Tajikistan còn 94.910 người là quay trở về Uzbekistan.

Rõ ràng, số liệu trên không cho thấy hiện tượng chảy máu chát xám tại Nga mà đơn giản là lao động nhập cư nước ngoài vào đây quay trở lại quê hương khi nền kinh tế Nga gặp khó khăn, hoặc thậm chí đơn giản là họ đã hết hợp đồng lao động.

Thậm chí, dòng người đổ về Nga từ các nước CIS năm 2015 còn đạt 536.157 người, cao hơn số người rời khỏi nước này.

Mặc dù nền kinh tế Nga chịu nhiều khó khăn sau cuộc khủng hoảng giá dầu và các lệnh trừng phạt kinh tế từ Phương Tây nhưng nhìn chung, Nga vẫn là miền đất hứa cho nhiều người dân tại các nước Trung Á như Moldovna hay Azerbaijan.

Theo nghiên cứu của Stratfor, đúng là số người di cư khỏi Nga đã tăng kể từ khi Tổng thống Putin quay trở lại Điện Kremlin vào năm 2012. Tuy nhiên, số người di cư từ Nga sang những nước phát triển, vốn là điểm đến của những chuyên gia, trí thức hay giới nhà giàu lại không tăng so với các năm trước, nếu không muốn nói là giảm nhẹ.

Những số liệu mà FGSS cung cấp chỉ cho thấy số người thông báo với chính quyền địa phương rằng họ sẽ rời đi nước khác sinh sống để làm thủ tục. Theo đó những người này sẽ phải làm giấy tờ để từ bỏ quốc tịch Nga. Vì những thủ tục quá phức tạp, rất nhiều công dân Nga chỉ đơn giản là bỏ đi mà không thông báo gì.

Do đó, những số liệu mà FGSS cung cấp không hoàn toàn chính xác.

Trong khi đó, số liệu của Eurostat lại cho thấy chỉ có khoảng 73.821 người Nga di cư đến các nước Liên minh Châu Âu (EU), tăng 25% so với năm 2009.

Dẫu vậy, với mức dân số 143,5 triệu người, con số này là quá nhỏ bé.

Trên thực tế, kể cả khi những người giàu và thành phần trí thức rời khỏi Nga thì nền kinh tế, xã hội tại đây cũng không thể sụp đổ chỉ trong 1 ngày. Hơn nữa, chiều hướng di cư giữa Nga với các nước khác cũng theo kiểu 2 chiều. Trong năm 2015, có khoảng 4.000 người đã di cư từ Đức sang Nga.

Tình trạng di cư hiện nay tại Nga có lẽ là điều bình thường khi Tổng thống Putin luôn muốn mở rộng thương mại và mở cửa biên giới cho nhiều nước. Hầu hết những người dân Nga sẽ sinh sống và đăng ký công dân ở nơi nào họ làm việc hoặc thấy thuận tiện.

Thay vì lo lắng cho hiện tượng chảy máu chất xám còn chưa rõ ràng, có lẽ các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nên để tâm đến việc đào tạo nhân lực ở Nga. Một nghiên cứu mới đây cho thấy ngân sách chi cho giáo dục của Nga đang giảm trong khi chi cho quốc phòng và an ninh lại tăng. Trong khoảng 2012-2016, chi cho giáo dục đã giảm từ 4,7% GDP xuống 3,6% GDP và đó là chưa kể GDP của Nga cũng giảm do kinh tế khó khăn.

Rõ ràng, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục này thấp hơn nhiều cường quốc khác và chỉ tương đương với một số nước như Slovakia hay Paraguay.

Hiện tỷ lệ sinh viên đại học tốt nghiệp ở Nga tương đương với Pháp hay Anh nhưng chi ngân sách bình quân cho mỗi sinh viên từng năm tại Nga lại chỉ bằng 1/2 so với Pháp và 1/3 so với Anh.

Nền kinh tế Nga hiện nay không thực sự hấp thu được hết lượng sinh viên tốt nghiệp này và chất lượng của các khóa đào tạo cũng không thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc. Kết quả là nhiều lao động có bằng đại học phải làm trong những ngành dịch vụ hay các công việc thu nhập thấp.

Thậm chí, ngành tư nhân tại Nga cũng không giúp ích nhiều cho mảng đào tạo giáo dục khi Nga là một trong những nước phát triển có tỷ lệ thực tập sinh thấp nhất trên thế giới.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM