Giá đất quy định thua giá thực tế 10 lần: Người dân TP.HCM gặp bất lợi gì?

03/08/2017 08:47 AM | Kinh doanh

Quyết định 30 về điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở 15 khu vực trên địa bàn TP.HCM vừa có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy nhiên, giá đất quy định ở những nơi này so với giá thị trường vẫn “một trời một vực”.

Giá quy định một đằng, giá thị trường một nẻo

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định 30/2017/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở tại một số khu vực trên địa bàn Thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy vậy giá đất ở các khu vực mới vừa điều chỉnh cho thấy có mức chênh khá lớn so với giá giao dịch thị trường, có nơi chênh gấp 10 lần.

Hai khu vực diễn ra cơn sốt đất trong thời gian gần đây ở TP.HCM là khu Đông gồm quận 2, 9, Thủ Đức và khu Nam với huyện Nhà Bè. Có thời điểm giá đất bị đẩy lên hơn 40 triệu đồng/m2 với khu Đông và 20 triệu đồng/m2 ở huyện Nhà Bè, song giá đất mới điều chỉnh vẫn rất khiêm tốn.


Giá đất quy định tại nhiều nơi ở TP.HCM vẫn thấp hơn nhiều so với giao dịch trên thị trường.

Giá đất quy định tại nhiều nơi ở TP.HCM vẫn thấp hơn nhiều so với giao dịch trên thị trường.

Cụ thể, quận 2 có 7 tuyến đường được điều chỉnh dao động từ 5,2 triệu - 15 triệu đồng/m2. Cao nhất là đường Song Hành đoạn từ Trần Não đến Mai Chí Thọ có đơn giá 15 triệu đồng/m2. Quận 9 chỉ có đường Võ Chí Công đoạn từ cầu Bà Cua đến cầu Phú Hữu có giá 4,2 triệu đồng/m2. Quận Thủ Đức chỉ có đường số 16 và số 17 lần lượt có giá 3,7 triệu và 4,3 triệu đồng/m2.

Còn với huyện Nhà Bè, có 3 tuyến đường được điều chỉnh với giá dao động từ 2,4 triệu – 4,3 triệu đồng/m2. Trong đó, trọn con đường nội bộ Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên được định giá 4,35 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, còn nhiều tuyến đường ở các quận huyện khác cũng được điều chỉnh giá mới, tuy nhiên theo một số hộ dân có nhà trên các tuyến đường, mức giá mới này vẫn thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thị trường.

Đơn cử như đường Lê Văn Lương đoạn từ cầu Rạch Tôm đến cầu Rạch Dơi ở huyện Nhà Bè, giá thấp nhất thị trường đã 20 triệu đồng/m2 nhưng giá mới điều chỉnh chỉ có 2,4 triệu đồng/m2. Trong khi đây là tuyến đường kết nối tốt với các tiện ích ở khu Nam thành phố.

Có nên giao quyền xây dựng bảng giá đất cho địa phương?

Cán bộ một Phòng Tài nguyên và Môi trường ở TP.HCM cho biết, bảng giá đất quy định là căn cứ để cơ quan chức năng tính các loại thuế, phí khi người dân làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hay chuyển nhượng đất.

Việc định giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường có cái lợi nhưng cũng bấp cập cho người dân. Bởi khi làm các thủ tục liên quan đến sang nhượng, chuyển mục đích sử dụng thì phí, thuế phải đóng thấp. Tuy nhiên, khi đất của người dân nằm trong khu vực giải toả làm đường, dự án nhà nước thì giá đất cũng là một trong những căn cứ quan trọng để tính tiền đền bù.

Cũng theo vị này, bảng giá đất được xây dựng dựa trên Luật Đất đai năm 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nhà nước ban hành khung giá đất, còn các tỉnh, thành phố được điều chỉnh cho phù hợp với địa phương (hệ số K) nhưng theo quy định không vượt quá 30%.

Tại TP.HCM, bảng giá đất gần nhất ban hành tháng 12/2014 và có hiệu lực trong 5 năm. Các khu vực “đất vàng” ở trung tâm quận 1 như đường Đồng Khởi, Lê Lợi, phố đi bộ Nguyễn Huệ có giá cao nhất cũng chỉ khoảng 162 triệu đồng/m2 trong khi trên thị trường được giao dịch hơn 1 tỷ đồng/m2.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, hiệp hội đã có nhiều kiến nghị liên quan đến việc xác định giá đất tại Thành phố. Ông cho rằng nếu áp dụng hệ số K cho khu vực 1 là 1,2 thì các tuyến đường “đất vàng” ở quận 1 như phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng chỉ tới 194 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với thị trường.

“Bảng giá đất của TP.HCM hiện nay đang áp dụng chưa phù hợp với nguyên tắc “giá phổ biến trên thị trường”, kể cả đất ở các vị trí có giá cao nhất lẫn vị trí trong hẻm sâu có giá thấp nhất. Bảng giá đất của thành phố hiện chỉ tương đương khoảng 30% - 40% giá đất trên thị trường, cần phải xem xét lại cho phù hợp”, ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.

Trên cơ sở đó, đại diện HoREA kiến nghị theo hướng Chính phủ không ban hành khung giá đất mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường.

Theo Phương Anh Linh

Cùng chuyên mục
XEM