Ghé đầm Vân Long và làng Tập Ninh, để xem Kong: Skull Island đã thay đổi cuộc sống ở đây thế nào?

11/03/2017 10:33 AM | Xã hội

Dù không xuất hiện nhiều trong bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Mỹ nhưng ngôi làng vốn được dân mạng đặt biệt danh là "làng thổ dân" cũng ẩn chứa nhiều nét đẹp và cảnh sống thanh bình đáng mến.

Trong clip trailer phim Kong: Skull Island, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi cảnh sắc hùng vĩ, hoang sơ của Việt Nam hiện lên tuyệt đẹp. Lòng tự hào, sự háo hức xen lẫn tâm lý tò mò đã dần đẩy những phán đoán về bối cảnh phim dâng đến cao trào. Hầu hết, mọi người đều cho rằng, cảnh quay ngôi làng thổ dân được dựng lên ở đầm Vân Long, Ninh Bình và diễn viên quần chúng do người dân địa phương thực hiện.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, bối cảnh phim được dựng lên chủ yếu ở Tràng An và không có người dân nào ở Vân Long tham gia đóng phim, ngay cả "cô thổ dân" được cư dân mạng "đồn thổi" cũng chỉ từng đi casting thử nhưng không được nhận vai.

Dù không xuất hiện nhiều trong bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Mỹ nhưng ngôi làng vốn được dân mạng đặt biệt danh là "làng thổ dân" cũng ẩn chứa nhiều nét đẹp và cảnh sống thanh bình đáng mến.

Ngôi làng thổ dân xuất hiện trong clip trailer phim Kong: Skull Island.

Cảnh sắc khu vực đầm Vân Long trên thực tế.

Ngôi làng được dân mạng gọi là làng thổ dân cũng là một vùng quê rất bình dị.
Ngôi làng được dân mạng gọi là "làng thổ dân" cũng là một vùng quê rất bình dị.

Nằm ngay sát đầm Vân Long - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nhưng Tập Ninh (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) lại là một cái tên mà ít người biết tới. Ngôi làng nhỏ chỉ có khoảng 300 hộ dân sinh sống này mang đậm chất vùng quê phía Bắc, làng mạc ở giữa và bốn bề là cánh đồng xanh mướt bao quanh.

Nếu không có đầm Vân Long, cảnh sắc nơi đây có lẽ xếp vào dạng rất đỗi bình thường. Nhưng nhờ khu danh thắng này, khách đến đây chơi có thêm một địa chỉ để du ngoạn. Từ TP Ninh Bình, chỉ cần chạy xe thêm 16km nữa, bạn có thể đến Vân Long đi thuyền, thưởng thức khung cảnh yên bình nên thơ. Vào mùa xuân, nước trong đầm khá cạn nhưng trong vắt, tĩnh lặng. Giữa bốn bề núi non, thi thoảng những đàn cò trắng xuất hiện, cất cánh bay đạp vào khoảng không thinh lặng.

Cảnh sắc ở đầm Vân Long.

Cuộc sống trong ngôi làng nhỏ rất bình dị, người dân vẫn chủ yếu di chuyển bằng xe đạp.

Và kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Những ô ruộng trải dài miên man, bao quanh khắp ngôi làng nhỏ.
Những ô ruộng trải dài miên man, bao quanh khắp ngôi làng nhỏ.

Người dân Tập Ninh sống dựa vào nông nghiệp và nghề đưa khách đi thuyền ở Vân Long. Cuộc sống của họ khá bấp bênh, thu nhập thấp thế nhưng đổi lại, ai nấy đều chất phác và vô cùng mến khách. Một ngày ở Tập Ninh, nhịp sống bỗng như chậm lại. Dường như trong xa xôi, vọng về những nếp sinh hoạt có lẽ đã xuất hiện từ lâu lắm trên đất nước Việt Nam.

Sở hữu danh thắng nổi tiếng nhưng cuộc sống của người dân Tập Ninh lại rất khó khăn. Kinh tế của họ phụ thuộc vào nông nghiệp. Mấy năm nay, du lịch phát triển nóng, nhiều doanh nghiệp về đây đầu tư, thu mua lại ruộng đất của bà con. Không ít người bán ruộng với giá rẻ và giờ đây, họ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Vì bán ruộng đất cho một số công ty nên nhiều người dân ở Tập Ninh lâm vào cảnh thất nghiệp.

Ruộng đất ngày càng thu hẹp.

Cuộc sống của người dân lại phụ thuộc vào việc chở đò đưa khách tham quan đầm Vân Long.
Cuộc sống của người dân lại phụ thuộc vào việc chở đò đưa khách tham quan đầm Vân Long.

Ông Hòa, một người dân cho biết, những hộ gia đình bán nhiều ruộng đất được chính quyền xã ưu tiên cấp số đỏ ra đầm Vân Long chở khách du lịch. Tuy nhiên, công việc này cũng không đem lại nguồn thu đáng kể vì trung bình cứ khoảng 10 ngày, một hộ gia đình mới đến lượt ra bến đò làm việc. "Mà ngày họ đi làm, chưa chắc đã đón được một vị khách xuống thuyền dạo chơi. Nói chung cuộc sống của người dân rất chông chênh. Một chiếc thuyền đầu tư cũng mất 2 triệu mà chở khách gần nửa năm may ra mới thu đủ vốn".

Tuy nhiên, sau khi đoàn làm phim Kong: Skull Island về đây ghi hình, nhất là từ khi họ công bố những cảnh quay đầu tiên, cuộc sống của người dân Tập Ninh bắt đầu có những thay đổi nho nhỏ. Rất nhiều người tò mò, kéo nhau về Vân Long du ngoạn, khám phá địa điểm đoàn làm phim Kong: Skull Island ghi hình có diện mạo ra sao. Và, người dân ở đây bắt đầu tăng thêm thu nhập từ việc chở khách đi đò.

Quang cảnh làng Tập Ninh.

Nhà văn hóa thôn.
Nhà văn hóa thôn.
Những nếp nhà mái ngói đơn sơ.
Những nếp nhà mái ngói đơn sơ.

"Nếu như trước đây 10 ngày, một hộ gia đình mới đến lượt ra bến làm việc thì bây giờ vòng quay nhanh hơn, chỉ khoảng 5-6 ngày, số lượng khách du lịch gần đây tăng lên khá nhiều", ông Hòa chia sẻ.

Bà Chiên (một người dân trong làng) cho biết, mỗi lần đi đò, khách du lịch đều hỏi thăm về phim Kong: Skull Island. "Nhưng thực sự chúng tôi cũng không biết nhiều chuyện để kể vì đoàn làm phim quay những gì, chúng tôi cũng không nắm được".

Ông Hòa cho biết, phim Kong: Skull Island đã giúp Vân Long thu hút thêm khá nhiều khách du lịch.
Ông Hòa cho biết, phim Kong: Skull Island đã giúp Vân Long thu hút thêm khá nhiều khách du lịch.

Dù vậy, bà Chiên, cô Đào hay ông Hòa và tất cả người dân Tập Ninh đều rất háo hức muốn xem bộ phim Kong Skull Island. Họ muốn biết thực ra đoàn làm phim đã quay những gì ở Vân Long, muốn biết cảnh sắc thiên nhiên, con người Việt Nam hiện lên như thế nào qua ống kính nhà làm phim nổi tiếng của Mỹ.

"Nhưng chúng tôi không có điều kiện để ra rạp xem phim. Ở thôn quê, chỉ biết ngóng đợi xem lúc nào phim chiếu trên truyền hình để xem. Ví dụ như clip trailer hay chương trình gặp gỡ đạo diễn, diễn viên chính, chúng tôi đều theo dõi hết qua VTV", cô Đào tâm sự. "Tôi cũng nghe nói đến mùng 10 phim công chiếu, cũng rất háo hức muốn được xem nhưng sợ không đủ điều kiện", ông Hòa thở dài.

Trước đó, một số tờ báo từng đưa tin diễn viên quần chúng người Việt trong phim do đoàn chèo Ninh Bình đảm nhận.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, bà Mai Thị Hòa, PGĐ Nhà hát Chèo Ninh Bình khẳng định, tất cả diễn viên trong đoàn chèo này không hề tham gia diễn phim Kong Skull Island.

Ông Phạm Tuấn Anh (Chánh văn phòng Sở Văn hóa & Thể Thao Ninh Bình) cũng khẳng định, không có người dân nào ở quanh khu vực đầm Vân Long tham gia diễn phim.

Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng cho biết, Sở Văn hóa & Thể Thao chỉ nắm được thông tin đoàn làm phim quay cảnh ở đâu, thời gian nào còn chi tiết họ quay những nội dung gì, thuê ai đóng, Sở không quản lý và nắm rõ hết được.

Theo Thu Hương-Mai Lân

Cùng chuyên mục
XEM