Get rich slowly #2: Đạt được mục tiêu tài chính là cả một cuộc đua dài, nếu không bắt đầu thì chẳng biết đến khi nào bạn sẽ hoàn tất

03/06/2018 09:01 AM | Kinh doanh

Tiền bạc không đem lại hạnh phúc, việc theo đuổi mục tiêu và các trải nghiệm phù hợp với bản thân mới đem lại hạnh phúc

Get rich slowly (Tạm dịch: Làm giàu thận trọng) là chương trình hỗ trợ cho những cá nhân hướng đến tự do tài chính sáng lập bởi J.D. Roth. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả series bài khám phá các nguyên lý cốt lõi của phương pháp này.

Bài trước: Get rich slowly #1: Tại sao bạn luôn đổ tiền hay thậm chí mắc nợ bởi những gì mình không thực sự cần

#2: Mục tiêu là cánh cửa dẫn đến thành công về tài chính

Hôm qua tôi đã hoàn thành cuộc chạy đường dài đầu tiên của mình. Dù mọi chuyện không diễn ra đúng như tôi tính toán nhưng tôi cũng đã hoàn thành nó. Thay vì chạy, tôi đi bộ suốt quãng đường. Một số người có thể xem đây như một thất bạị nhưng tôi thì không. Tôi cảm thấy vui vì cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được một trong số những mục tiêu của đời mình.

Trải nghiệm chạy đường dài của tôi thì liên quan gì đến tài chính cá nhân? Vô cùng liên quan. Hành trình tới thành công trong tài chính không phải là một cuộc chạy nước rút mà là một cuộc đua đường dài. Chuyện bạn trả hết các khoản nợ hay tích lũy cho lúc về hưu nhanh đến mức nào chẳng hề quan trọng. Điều quan trọng là bạn phải thật sự cố gắng. Nếu không bắt đầu, bạn chẳng bao giờ có thể hoàn tất. Để biết được mình đang đi đến đâu, bạn cần đặt ra mục tiêu.

Thành Troy không phải xây xong trong một ngày, mục tiêu là những viên gạch xây nên thành công

Tôi từng khá thờ ơ với các mục tiêu. Tôi đã đặt ra chúng nhưng chẳng bao giờ đạt. Chúng thường trở nên quá xa vời để đạt được. Hoặc sau một vài tháng, các mục tiêu tôi đặt ra chẳng còn ý nghĩa gì với tôi nữa. Vậy nên tôi ngừng đặt ra mục tiêu. Tôi từng sống một cuộc sống không có khát vọng.

Rồi tôi bắt đầu thấy mình là một kẻ thất bại.

Tôi từng luôn khao khát trở thành một nhà văn nhưng tôi chẳng mấy khi viết bài.

Tôi muốn nghỉ hưu sớm nhưng tôi lại đang ngập ngụa trong nợ nần.

Tôi muốn mình có một thân hình cân đối nhưng thực tế thì tôi ngày càng béo lên.

Không có mục tiêu, tôi sống lay lắt không chủ đích.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi đã hiểu ra rằng các mục tiêu là những viên gạch xây nên thành công. Mục tiêu cho ta phương hướng. Chúng giúp bạn định hướng cuộc đời vào những vấn đề quan trọng nhất:

- Tôi đặt mục tiêu trả hết khoản nợ mua nhà trong vòng 5 năm. Tôi đã trả hết 35.000 USD chỉ trong 39 tháng.

- Tôi đặt mục tiêu dành ra một quỹ khẩn cấp với 10.000 USD trong một năm. Hiện giờ tôi đã tiết kiệm được gần 20.000 USD.

- Tôi đặt mục tiêu kiếm 1.000 USD/tháng từ trang web của mình. Và giờ tôi đã kiếm đủ tiền để có thể nghỉ công việc chính và chỉ cần dành thời gian cho việc viết blog.

Đặt ra mục tiêu là chưa đủ, tôi còn phải thực hiện chúng nữa. Đôi lúc tôi vẫn gặp những khó khăn. Nhưng nếu không đặt ra mục tiêu ngay từ đầu, tôi đã chẳng thể hoàn tất chúng. Tôi có thể vẫn đang lang thang vô định trên sa mạc tài chính, có thể vẫn đang làm việc tại nhà máy, vẫn chìm trong những khoản nợ, tiêu sạch các khoản thu nhập hàng tháng. Rồi có thể tôi vẫn chỉ biết ngồi tự hỏi đến khi nào thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Sức mạnh của khát vọng

Goethe đã từng nói: "Dù bạn làm gì hay mơ về điều gì, hãy bắt đầu nó. Chứa đựng trong sự táo bạo là yếu tố thiên tài, sức mạnh và ma thuật."

Từ những trải nghiệm của tôi, điều này là hoàn toàn đúng. Tôi không phải là người yêu thích "luật hấp dẫn", nhưng tôi vẫn tin rằng khi bạn toàn tâm toàn ý theo đuổi một mục tiêu, bạn sẽ bắt đầu có được những cơ hội bất ngờ.

Mục tiêu sẽ dẫn bạn đến con đường của sự giàu có:

Thiết lập các mục tiêu tài chính cũng giống như việc thiết lập những mục tiêu khác. Quan trọng là bạn phải thực hiện chúng một cách nghiêm túc và thông minh:

- Xác định điều gì quan trọng với bạn. Tiền bạc không đem lại hạnh phúc, việc theo đuổi mục tiêu và các trải nghiệm phù hợp với bản thân mới đem lại hạnh phúc. Làm cách nào để chắc chắn rằng việc chi tiêu của bạn phù hợp với giá trị bản thân? Hãy xét nó với mục tiêu.

- Hãy nhìn về phía trước chứ không phải phía sau. Hãy đặt mục tiêu theo những gì bạn muốn đạt được chứ không phải thứ bạn đã làm. Điều này buộc bạn phải suy nghĩ "out of the box". Đừng lo ngại về những thất bại đã qua. Hãy nghĩ về những gì bạn muốn đạt được mà thôi.

- Thực hiện từng bước một. Bạn cần chia mục tiêu lớn thành nhiều mục tiêu nhỏ. Nếu quá tập trung vào kết quả lớn, bạn sẽ rất nhanh cảm thấy nhụt chí và muốn từ bỏ. Khi tôi quyết định trả hết món nợ 35,000USD, tôi chuyển sự tập trung của mình từ con số to lớn đó vào các bước nhỏ hơn trong suốt quá trình. Tôi có những bước tiến lớn dần. Nếu bạn đang theo đuổi một mục tiêu lớn, hay chia nhỏ nó ra.

- Luôn ghi nhớ mục tiêu của bạn. Một cách để làm được điều này là dùng kĩ thuật được miêu tả trong điều nguyên lý #1 để giành lại quyền kiểm soát tâm trí. Thường xuyên nhắc nhở bản thân lý do tại sao bạn đang làm những việc này nhưng đừng quá ám ảnh với mục tiêu vĩ đại của mình.

- Tìm người cộng sự có trách nhiệm. Một cộng sự có trách nhiệm, dù là chị, là bạn, hay là vợ hoặc chồng, có thế giúp giữ cho bạn đi đúng hướng.

- Phải thật kiên nhẫn. Bạn có thể thấy mình chậm tiến ở thời gian đầu nhưng chắc chắn sẽ dần nhanh dần theo thời gian. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn sẽ học được các kĩ thuật mới. Bạn có thể nhận được sự trợ giúp từ những nơi bạn không ngờ tới. Kết hợp lại, những điều này sẽ giúp bạn nhanh đạt đến thành công.

- Đừng để những thất bại làm bạn lệch hướng. Bạn có thể thấy chán nản khi mục tiêu của mình bị cản trở. Bắt đầu một công việc kinh doanh mới và rồi một công ty nổi tiếng xuất hiện gần chỗ bán kinh doanh. Hãy mặc kệ và tập trung vào mục tiêu tài chính của mình.

Mục tiêu khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn

Bạn nên xác định mục tiêu và điều chỉnh chi tiêu của bạn phù hợp với chúng. Nếu bạn hiểu rõ những gì mình đánh giá cao, bạn sẽ đạt được nhiều hơn và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM