Gặp khó khăn nhất 1 thập kỷ, dệt may Việt Nam sẽ u ám hơn sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?

18/11/2016 09:43 AM | Kinh tế vĩ mô

Lợi thế và nhân công giá rẻ không còn, TPP bị đe dọa không được thông qua ngành dệt may Việt Nam liệu sẽ còn lại những gì ?

Dệt may Việt Nam – buồn nhất trong 10 năm qua

Nhiều người cho rằng sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ rơi vào khó khăn, trong đó có ngành dệt may.

Thế nhưng, chưa cần xem xét đến ảnh hưởng của sự kiện này, có thể nói dệt may Việt Nam đã đang rơi vào cảnh khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 8/2016, tổng giá trị xuất khẩu dệt may đạt 15,64 tỷ USD, chỉ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015.


Tăng trưởng xuất khẩu dệt may lao dốc trong năm 2016

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may lao dốc trong năm 2016

Đáng chú ý, nhìn vào cùng kỳ những năm trước, dệt may Việt Nam đều có xuất khẩu tăng phi mã: năm 2015 là 10,9%, năm 2014 là 20,9% còn năm 2013 là 17%.

Từ mức tăng 2 con số nay quay đầu về hơn 5% tăng trưởng, sự chênh lệch lớn này đã cho thấy ngành hàng có mức xuất khẩu lớn nhất nhì Việt Nam đang bộc lộ nhiều khó khăn đến mức nào.

Thậm chí, nhiều chuyên gia đánh giá rằng 2016 chính là năm có mức tăng trưởng thấp nhất 10 năm trở lại đây của dệt may.

Vì đâu nên nỗi?

Câu hỏi đặt ra là tại sao ngành dệt may lại rơi vào tình cảnh như vậy ?

Nguyên nhân chính là do giá nhân công, thuế và tỷ giá đều cao khiến dệt may Việt Nam không còn có có thể cung cấp các đơn hàng với giá rẻ nữa. Thay vào đó, các đối tác nước ngoài chọn những quốc gia đang sở hữu lợi thế này hơn chúng ta là Lào, Myanmar hay Bangladesh.

Trước hết phải nói rằng, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn được mệnh danh là “lượng nhiều nhưng chất ít”. Câu nói này ám chỉ việc chúng ta đa phần sử dụng nhân công giá rẻ để thu hút các đơn hàng từ nước ngoài về. Trong nhiều năm, đây là lợi thế hàng đầu đưa may mặc trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Nhưng giờ đây, lợi thế này đã không còn nữa. Theo báo cáo mới nhất của Jobstreet, mức lương của mỗi lao động ngành dệt may Việt Nam đã tăng liên tục trong nhiều năm. Năm 2016, mỗi lao động trung bình kiếm được từ 402-604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng), tăng 12% so với năm 2015.

Con số này tuy mới chỉ bằng một nửa so với Malaysia, bằng một phần tư so với Singapore nhưng đã bắt đầu vượt Philippines (cao hơn 1,1 lần), và Indonesia (cao hơn 1,2 lần). Còn so với các quốc gia có trình độ phát triển kém hơn như Lào, Myanmar hay Bangladesh, người lao động dệt may Việt Nam nhận mức lương cao hơn nhiều.

Chi phí nhân công tăng lên có nghĩa là giá thành đơn hàng cũng tăng lên. Vì điều này, không bất ngờ khi doanh nghiệp Việt phải cay đắng chứng kiến các đối thủ “cướp trắng” đơn hàng, kể cả từ các đối tác truyền thống của dệt may Việt Nam.

Chưa hết, so với các đối thủ hàng đầu lúc này như Myanamar, Lào, Bangladesh, Việt Nam còn chịu thua thiệt khá nhiều ở vấn đề thuế.

Tất cả các nước này đều được nhận thuế xuất hàng dệt may sang hai thị trường chính lớn là Mỹ và châu Âu ở mức ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam còn phải chờ những hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay TPP có hiệu lực vào năm 2018 thì mới nhận được ưu đãi thuế. Cho đến lúc này, dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế từ 17 – 18% khi vào Mỹ và từ 8 -12% khi vào EU

Yếu tố cuối cùng, dù nhỏ nhưng cũng tác động phần nào đến dệt may Việt Nam chính là tỷ giá.

Cụ thể, đồng tiền Việt Nam trong những năm qua gần như không điều chỉnh hoặc điều chỉnh rất ít. Trong khi đó tất cả các nước khác đều điều chỉnh hạ giá đồng tiền của họ xuống từ 18-20%, chính vì thế hàng hóa của các nước này đang rẻ hơn tới 20% so với hàng của Việt Nam.

Tất cả những yếu tố trên đã dẫn tới nhiều năm điêu đứng của dệt may Việt Nam với tình trạng các doanh nghiệp Việt đói đơn hàng, sản xuất bị đình trệ, phải thu hẹp sản xuất đã trở nên phổ biến

Tăng lương tối thiểu và bầu cử Tổng thống Mỹ: Thêm khó khăn chờ đợi

Phiên họp đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là một "tiếng sét đánh ngang tai" với dệt may Việt Nam. Trong phiên họp này, đã có tới 93% thành viên Hội đồng đồng ý tăng lương của người lao động theo đề xuất, chỉ trừ chính Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Vốn đã khó khăn ở giá nhân công không còn rẻ, nay nếu quy định này được thông qua thì hẳn sẽ là một "đòn đánh trí mạng" với dệt may Việt. Ông Hoàng Vệ Dũng, chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Đức Giang chia sẻ: “Thực hiện chế độ lương tối thiểu, bảo hiểm tăng lên nhiều cho nên hầu hết các doanh nghiệp đều phải chi một số tiền rất lớn cho lương, bảo hiểm cho người lao động. Những điều đó sẽ trở thành vấn đề ảnh hướng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh”

Và khó khăn tiếp với ngành dệt may đến từ chính sách thương mại theo hướng bảo hộ nội địa của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, ông Trump có thể tăng thuế nhập khẩu với một loạt các mặt hàng được nhập vào Mỹ, trong đó có dệt may.

Thế nhưng điều này không trầm trọng bằng việc ông Donald Trump từng rất nhiều lần bày tỏ quan điểm chống lại TPP.

Và như vậy, nếu như những lời vị tỷ phú này nói hồi tranh cử về việc phủ quyết TPP thành sự thật thì có lẽ niềm hy vọng cuối cùng về con số 0% thuế khi xuất hàng vào Mỹ, một trong những thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, sẽ tan thành mây khói, khiến cho ngành dệt may rơi vào cảnh khó trăm bề.

Tuy nhiên trong phiên chất vấn Quốc hội ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: "Không tham gia TPP hay có tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vì chúng ta đã có 12 hiệp định thương mại tự do cho nên có tham gia TPP thì rất tốt nhưng không có thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với những chương trình chúng ta đã ký kết". Do đó giải pháp đặt ra với dệt may sắp tới là linh hoạt tìm kiếm những thị trường mới, tận dụng những hiệp định thương mại này.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM