Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á

14/06/2019 09:07 AM | Xã hội

Khi những hình ảnh về các con sông ngập ngụa rác hay những con cá voi chết dạt trên bờ biển Indonesia lan truyền trên mạng xã hội, người dân châu Á đã bắt đầu thực hiện lối sống zero waste (không rác thải). Trong số họ, có một cô gái nhỏ nhắn đến từ Việt Nam.

Cô gái Việt truyền cảm hứng zero waste xuất hiện trong clip phóng sự của BBC Thế Giới

Ngày 5/6/2019, BBC Thế giới đăng tải một đoạn clip phóng sự, giới thiệu 3 người phụ nữ truyền cảm hứng tích cực trong phong trào zero waste ở châu Á.

"Theo báo cáo của Tổ chức bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy (một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ) vào năm 2015, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên, số lượng rác thải đó không phải chỉ của riêng những quốc gia này. Vào thời kỳ cao điểm chỉ riêng trong tháng 1/2017, Anh đã xuất khẩu tới 28.000 tấn rác thải sang Trung Quốc. Cho đến khi lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa được Trung Quốc ban hành, con số này đã giảm xuống gần bằng 0, điều này vô hình chung biến Anh trở thành một điểm đến mới của rác thải. 

Khi những hình ảnh về các con sông ngập ngụa rác hay những con cá voi chết dạt trên bờ biển Indonesia lan truyền trên mạng xã hội, người dân châu Á đã bắt đầu thực hiện lối sống zero waste (không rác thải). 

 Trong số những cá nhân đó là 3 người phụ nữ truyền cảm hứng trong hành trình chiến đấu cho phong trào zero waste tại Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Họ đã có cuộc trò chuyện với BBC về những cách thức giảm thiểu tác động của chúng ta đến hành tinh này" - trích lời đề tựa trên trang chính thức của BBC Thế giới. 

Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 1.

3 cô gái Châu Á truyền cảm hứng trong phong trào sống xanh. Hoàng Thảo là đại diện đến từ Việt Nam. Ảnh cắt từ clip.


Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985, Giảng viên khoa tiếng Nhật, Trường ĐH Hà Nội), là đại diện "sống xanh" đến từ Việt Nam. Không quá xa lạ, cô là người sáng lập dự án "Nói không với túi nylon" với hơn 70.000 người theo dõi, tổ chức 12 workshop, sự kiện nhiều chủ đề thú vị xung quanh câu chuyện sống xanh, bảo vệ môi trường. Thảo cũng là "bà chủ nhỏ" của Go Eco Hà Nội - cửa hàng bán các sản phẩm zero waste đầu tiên ở Hà Nội.

"Tôi cảm thấy ngày càng mệt mỏi khi xung quanh mình bị bủa vây bởi tất cả các loại nhựa sử dụng một lần. Tôi đã cố gắng sống không lãng phí như tôi có thể trong 3 năm qua. Chẳng hạn như, tôi sẽ không vứt một chiếc áo không dùng nữa một cách quá đơn giản. Thay vào đó, tôi tái chế và biến nó thành một chiếc túi vải" - Hoàng Thảo chia sẻ.

Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 2.

Thảo hiện là giảng viên tiếng Nhật trường ĐH Hà Nội, sáng lập dự án "Nói không với túi nylon" và mở cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.


Nếu có cái nhìn chưa mấy thiện cảm về zero waste, có lẽ là bạn đang hiểu sai nó thôi

Tốt nghiệp ĐH Hà Nội loại giỏi, Nguyễn Hoàng Thảo là một trong 4 sinh viên xuất sắc của khoa tiếng Nhật được giữ lại làm giảng viên. Cô từng sang Tokyo làm phiên dịch viên cho một công ty. Một năm sau đó, cô về Việt Nam mở 2 cửa hàng bánh Nhật, thoả mãn đam mê thích nấu ăn. 

Hiện tại, vừa làm giảng viên tại ĐH Hà Nội, Thảo vừa điều hành dự án "Nói không với túi nylon" và cửa hàng Go Eco Hà Nội. Ở cô gái nhỏ nhắn này, người đối diện luôn cảm nhận được sự năng động, nhanh nhẹn và niềm quan tâm đau đáu về môi trường.

Là đại diện của Việt Nam được đánh giá 1 trong 3 người phụ nữ Châu Á truyền cảm hứng về lối sống xanh, đấy là một niềm tự hào và vui sướng với Thảo, mặc dù cô vẫn nghĩ mức độ zero waste của mình chưa phải là tuyệt đối.

"Chắc sẽ có nhiều bạn có khi còn zero waste hơn mình nhiều, nhưng dù sao thì đó cũng là một cơ hội tốt để chia sẻ những suy nghĩ, hành trình đến với zero waste, các mẹo trong cuộc sống của bản thân mình đến với mọi người. Khi nhận lời mời thực hiện phóng sự của BBC, mình có chia sẻ khá nhiều về lý do tại sao lại dần dần đi theo cách sống này, và hành trình cải thiện nếp sống, mỗi ngày lại tự cố gắng hoàn thiện hơn" - Thảo nói.

Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 3.

Zero waste nhiều khi bị dè bỉu là lối sống khá "lập dị" khi con người cố gắng "làm căng", ép mình vào những khuôn khổ không mấy hay ho. Đối với Thảo, đó là nếp sống văn minh nhất mà con người có thể có, để không làm ảnh hưởng đến môi sinh. Việc ra ngoài đi chợ mang theo vài cái hộp với túi đựng hay cố gắng cắt giảm các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong cuộc sống, sẽ chẳng có gì bị gọi là "lập dị" hay "khác biệt". Và nếu nó bắt nguồn từ nhận thức: Đây là việc tốt, việc đúng, việc cần phải làm cho chính mình và xã hội, thì nó sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản. 

"Sống xanh cũng giống như việc mọi người đeo mũ bảo hiểm là vì bị bắt buộc hay theo "trend", hay nhận thức rằng đây là việc cần làm để bảo vệ chính mình. Nếu mọi thứ bắt nguồn không phải từ nhận thức mà chỉ là xu hướng thì dĩ nhiên nó sẽ không thể nào bền bỉ và kiên trì được. Nếu có cái nhìn chưa mấy thiện cảm về zero waste, thì có lẽ là bạn đang hiểu sai nó thôi.

Zero waste là một hành trình để học hỏi, suy ngẫm về bản thân cũng như môi trường xung quanh. Mình nghĩ mọi nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, nếu bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn thì đều đáng trân trọng, còn nếu chỉ theo xu hướng, làm màu thì trước sau gì họ cũng chán và đi theo trào lưu mới".

Khi được hỏi, liệu có biết tới tác hại của túi nylon hay không, người dân đều gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Nhưng mỗi lần cần đựng bất kỳ một thứ đồ nào, chẳng phải chúng ta vẫn nghĩ đến túi nylon trước tiên hay sao? Chúng ta có đang quá "nghiện" nhựa?

Nhiều người nói mình bận rộn, gọi đồ ăn đóng hộp về nhà hoặc do không để ý mà lấy thêm một chiếc túi nylon khi mua hàng. Chúng ta phải chấp nhận sự thật là không dễ để giải quyết triệt để bất cứ vấn đề xã hội nào.

"Có rất nhiều quan điểm sai lầm về việc bảo vệ môi trường, việc loại bỏ hết toàn bộ đồ nhựa trong cuộc sống cũng giống như việc bảo tất cả mọi người trên thế giới đều phải ăn chay vậy. Mọi thứ đều nên được đặt trong ngưỡng cân bằng, có thể tạo ra được thì cũng có thể xử lý được mà không gây ảnh hưởng đến môi sinh. Tất cả các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa đều sinh ra từ việc chúng ta tiêu thụ và thải ra quá nhiều, chứ chúng có tội tình gì đâu!".

"Bất cứ hành động tích cực nào của bạn đều có thể trở thành động lực cho một người khác cố gắng theo"

Giữa hàng trăm nhóm bảo vệ môi trường được lập nên rồi theo dòng thoái trào đi vào quên lãng, "Nói không với túi nylon" là một trong số chiến dịch đã tồn tại 3 năm, và cho đến bây giờ vẫn khát khao hướng đến những tiện ích xanh cho người dân. "Nói không với túi nylon" tập hợp một nhóm bạn trẻ đi lên từ con số 3 thành viên, với thông điệp khuyến khích người tiêu dùng không sử dụng túi nylon, mà thay vào đó hãy mang theo túi của mình để dùng nhiều lần.

"Chúng ta sử dụng túi nylon, đồ nhựa một lần rất nhiều, rất quen thuộc và đều coi đó là lẽ đương nhiên trong cuộc sống. Ở thời đại mà tác hại của nhựa được cả thế giới công nhận, nhiều nước đã áp dụng luật cấm sử dụng nhựa dùng một lần, chúng ta lại vẫn đang sống ở nơi mọi người mua nước đóng chai, đi chợ dùng túi nylon, ra đường đi chơi uống trà sữa và vẫn ăn đồ ăn đựng trong những hộp xốp độc hại. Nhiều người nghĩ rằng những mảnh nhựa được sử dụng đó cứ vứt đúng vào nơi quy định là được, vẫn cứ tin tưởng vào những dấu hiệu "tái chế" trên những chiếc cốc, chai nước họ dùng.

Nhóm của mình muốn thay đổi cách nhìn, nhận thức của người Việt, dù biết là khó khăn và gian nan".

Từ khi thành lập, "Nói không với túi nylon" mong muốn tạo một cộng đồng quan tâm, yêu và biết hành động vì môi trường. Thực chất, cốt lõi của vấn đề là việc mọi người không hề biết đến các tác hại của túi nylon hay đồ nhựa, hoặc nếu có biết thì lại ngại thay đổi. Đại loại như: "Ôi túi nylon quen quá rồi, mình bỏ dùng thì người ta vẫn sử dụng đấy thôi".

Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 5.
Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 6.

Một số hoạt động thường xuyên của "Nói không với túi nylon". Ảnh: NVCC.


Cách đây 2 năm, "Go Eco Hà Nội" được ra đời trong thời điểm chưa có bất cứ cửa hàng nào tự gọi mình là zero waste. Có thể mọi người tuy rất muốn mở cửa hàng theo hình thức không thải rác nhưng chưa chắc chắn khách hàng và thị trường Việt Nam liệu đã sẵn sàng cho cách mua sắm này chưa. Vì vậy, Thảo quyết tâm tạo ra bước tiên phong, mở đường cho các cửa hàng khác được tạo ra, góp phần giúp người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải nhựa nói riêng và sống thân thiện với môi trường nói chung. 

Có những chiến dịch sẽ chết dần chết mòn, còn "Nói không với túi nylon" và "Go Eco Hà Nội" vẫn đang miệt mài chứng minh sức ảnh hưởng của mình. Sự phát triển bền bỉ này đều bắt nguồn từ thực chất. 

Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 8.
Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 9.

Các sản phẩm zero waste được bày bán tại Go Eco Hà Nội. Ảnh: NVCC.


Rất thú vị khi "Nói không với túi nylon" từng chia sẻ một đoạn clip của Thái Lan và nhận về nhiều phản ứng khá bất ngờ từ người xem. Trong clip, món cơm cuộn ngoài những nguyên liệu thông thường, còn được thêm vào một công thức đặc biệt: chính là túi nylon. Những người thử món cơm cuộn đều rất bất ngờ, thậm chí phản ứng tiêu cực, "nổi đoá" và vô cùng tức giận khi lôi từ trong miệng ra một đoạn nylon.

"Túi nylon không phải là thức ăn nhé em. Không ăn được!!! Nhỡ nó mắc vào cổ chúng tôi thì sao? Cô làm như vậy là giết người đó" - những vị khách không may đã thực sự bực mình và gay gắt đáp trả cô gái bán cơm cuộn. Họ cho rằng, tính mạng của mình đang không được tôn trọng khi dùng túi nylon để trêu đùa như vậy.

"Có những bạn sau khi xem xong clip đã rất bực bội, thậm chí chửi bới nhóm tụi mình vì sao lại chọn chia sẻ một đoạn clip như thế. Nhưng đấy là một trong những mục đích của nhóm, để mọi người cảm thấy ức chế, tức giận khi mình là nạn nhân. Trong khi đó động vật biển bị như thế từ nhiều năm nay, có ai phản ứng hay lên tiếng bảo vệ nó không? Người ta thường không cảm thấy gì cho tới khi chuyện đó xảy ra với chính họ...".

Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 10.
Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 11.
Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 12.
Gặp cô gái Hà Nội xuất hiện trong phóng sự của BBC về những người phụ nữ truyền cảm hứng cho phong trào zero waste châu Á - Ảnh 13.

"Nhưng liệu so sánh tính mạng con người và động vật có khập khiễng hay không?" - chúng tôi thắc mắc.

"Hoàn toàn không! Chúng ta ở trong hệ sinh thái, con người là một bộ phận của hệ sinh thái, không phải nhóm đứng đầu. Con người phải sống dựa vào thiên nhiên. Nếu bàn quan, làm ngơ thì phải gánh chịu hành động của mình. Không còn cách nào khác, chỉ có tiết chế, thay thế và ngưng sử dụng đồ nhựa mà thôi. Bớt một cái thì cũng là bớt.

Nếu chúng ta đang làm một việc đúng đắn, người hưởng lợi của việc này là chính chúng ta, bạn bè, gia đình và thế hệ tương lai của chúng ta. Hãy nghĩ môi trường như một ngôi nhà chung. Ngôi nhà của chính mình mà mình không biết yêu quý nó thì người khác có phá hoại nó hay không, ta cũng chẳng làm gì được. Vì thế hãy đừng ngại trở thành người bắt đầu, người tiên phong trong nhóm bạn hay gia đình, cộng đồng của bạn. Bất cứ hành động tích cực nào của bạn đều có thể trở thành động lực cho một người khác cố gắng theo".

WeDo Cuộc Chiến Trộm Nhựa (nằm trong khuôn khổ WeChoice) là một thử thách môi trường hoàn toàn khác mang trong mình sứ mệnh của các "phản anh hùng" bất bình với thực trạng rác nhựa.

Chiến dịch gồm chuỗi 30 thử thách nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ. Cuộc Chiến Trộm Nhựa đã chính thức bắt đầu, cùng theo dõi các thông tin từ chương trình tại website: https://cuocchientromnhua.wechoice.vn/ và đừng quên tham gia để có cơ hội trở thành những Kẻ Trộm Nhựa đình đám - những hiệp sĩ bảo vệ môi trường nhé!

THEO MINH NHÂN - TRANG ĐỖ - ẢNH: QUÝ NGUYỄN

Cùng chuyên mục
XEM