Gặp cha đẻ tiên dược một thời

08/02/2017 11:30 AM | Xã hội

Nhắc đến các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ nhiều người vẫn nghĩ đó là những bệnh thường gặp, dễ chữa, không ăn nhằm gì so với ung thư, HIV ngày nay. Nhưng nửa thế kỷ trước, căn bệnh này là đại dịch mà Việt Nam phải đối mặt.

Khi ấy, berberin (loại thuốc từ 100% cây cỏ tự nhiên) được coi là “thần dược” cứu sống sinh mạng nhiều người dân. Hàng trăm loại thuốc Tây hiện đại cùng loại ra đời, nhưng berberin vẫn được coi là loại thuốc chữa bệnh lỵ công hiệu nhất, luôn có mặt trong tủ thuốc của các gia đình Việt Nam.

TS Phan Quốc Kinh chính là cha đẻ của berberin cùng hàng chục loại thuốc quen thuộc.

1 USD và 1.000 viên berberin

Ngồi trong căn nhà nằm sâu trong ngõ phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội), TS Phan Quốc Kinh, vẫn chất giọng Hà Tĩnh đặc sệt, bồi hồi nhớ lại những năm tháng nghiên cứu tuổi trẻ.

TS Phan Quốc Kinh vẫn chuyên tâm nghiên cứu sách báo về y dược
TS Phan Quốc Kinh vẫn chuyên tâm nghiên cứu sách báo về y dược

Năm 1970, đất nước ta rất khó khăn, thiếu thốn, thiên tai hoành hành, bệnh dịch bùng phát, đặc biệt là bệnh lỵ. Ở miền Bắc, nhiều người bị tiêu chảy liên tục kiệt sức rồi tử vong.

“BV Thái Nguyên lúc đó, 70 người nhập viện vì bệnh lỵ thì có đến 35 người chết. 2 đơn vị đầu ngành là Tổng kho dược phẩm TƯ và BV Việt Đức thông báo hết thuốc và không thể nhập khẩu do máy bay, tàu thủy của quân đội Mỹ liên tục bắn phá, ta bị bao vây mọi phía" - ông Kinh nhớ lại.

Một cuộc họp khẩn đã triệu tập các GS, nhà y học, dược học hàng đầu bàn biện pháp dập tắt dịch lỵ. Vấn đề được đặt ra là phải tự sản xuất thuốc trong nước càng sớm càng tốt.

Lúc này TS Phan Quốc Kinh mới 35 tuổi đã đứng lên thay mặt cho ĐH Y dược xin nhận nhiệm vụ. GS Hồ Đắc Di băn khoăn: “Thuốc các anh làm ra liệu có tốt bằng thuốc của phương Tây không?”.

TS Kinh khẳng định chắc nịch: “Thầy cứ giao cho chúng em, bọn em hứa sẽ tìm ra loại thuốc đó sớm nhất”.

Nhóm nghiên cứu được thành lập gồm 20 người đã cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên đi khắp các làng xã ở miền núi, đồng bằng miền Bắc. Cứ 2 người một xã đến sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc dân gian của các ông lang, bà mế…

Sau 10 ngày, hàng trăm bài thuốc nam điều trị lỵ được đưa về. Nhóm của ông đã chọn ra hơn 20 cây thuốc có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ. Bắt tay ngay vào việc thu hái dược liệu ở Sa Pa (Lào Cai), nhóm chế ra được 2 loại thuốc: Codanxit, Berberin clorid.

GS Tôn Thất Tùng (lúc đó là Giám đốc BV Việt Đức) đã trực tiếp sử dụng thuốc.

“GS Tùng vốn là người theo y học phương Tây, không chuộng thuốc Nam nhưng khi tôi chế được thuốc, ông uống, thấy khỏi hẳn; cho bệnh nhân và gia đình dùng, kết quả đều tốt. GS đã viết thư cho Bộ Y tế khẳng định thuốc hiệu quả, cần cho sản xuất ngay. Bộ trưởng Y tế lúc đó là BS Nguyễn Văn Hưởng cũng dùng thử và khỏi bệnh” - TS Kinh tự hào kể.

Thuốc được sản xuất hàng loạt, Bộ Y tế cho phép sử dụng ngay hai thuốc này.

Nhờ 2 loại thuốc này, dịch lỵ ở miền Bắc đã được dập tắt. Trong báo cáo tại trường ĐH Hoàng đế London (Anh), TS Kinh nói về việc dập tắt dịch lỵ bằng thuốc berberin được bào chế từ cây cỏ Việt Nam. Câu chuyện của ông đã làm cả hội nghị kinh ngạc khi chỉ với 1 USD lúc bấy giờ có thể mua được cả nghìn viên berberin.

Phản biện cả nhà khoa học nổi tiếng

TS Kinh tại HTX thuốc dân tộc (Chùa Bộc - Hà Nội). Ảnh tư liệu
TS Kinh tại HTX thuốc dân tộc (Chùa Bộc - Hà Nội). Ảnh tư liệu

Đến nay, TS Phan Quốc Kinh là tác giả của hàng chục cuốn sách về Dược học và Hóa học, bài nghiên cứu về các hợp chất hóa học trên cây thuốc. Thậm chí ông còn phản biện lại cả nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Ông kể, năm 1963, ông được cử sang học tập, nghiên cứu tại Viện Cây thuốc Liên Xô khi mới 26 tuổi, mang theo hành trang là cây cỏ của Việt Nam.

Tại đây, ông đã phát hiện ra sai lầm của nhà khoa học Nhật Kondo với công bố cấu tạo hóa học của rotundin (hoạt chất chính của củ bình vôi) có cấu trúc 3 vòng. Còn nhóm của ông lại phát hiện hoạt chất chính của củ bình vôi là tetrahydropalmatin (có cấu trúc 4 vòng).

Về nước, ông báo cáo kết quả này với Bộ Y tế nhưng không được đồng tình.

“Các GS bảo tôi to gan, dám cho rằng nhà khoa học nổi tiếng thế giới nghiên cứu sai, rằng kết luận của tôi là vớ vẩn, không có căn cứ chứng minh và rất có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước” - TS Kinh chia sẻ.

Ông sử dụng rất thành thạo máy tính, các đồ công nghệ.
Ông sử dụng rất thành thạo máy tính, các đồ công nghệ.

Không ngoài mong đợi, kết quả nghiên cứu của nhóm ông đã được công bố ở báo “Các hợp chất thiên nhiên” của Liên Xô (1965) và tập “Chemistry of natural compounds” của Mỹ (2004).

Các báo ở Nhật cũng đăng tải lại và nhận thấy sai sót của Kondo, đại từ điển Ancaloit (từ điển về hợp chất hóa học) cũng đã bỏ hẳn chương sai của nhà khoa học Nhật Bản.

Ngoài ra, ông còn là tác giả và đồng tác giả của hơn 20 loại thuốc như: lá và tâm sen kết hợp với cây bình vôi tạo ra thuốc an thần (là người đầu tiên trên thế giới công bố năm 1972); thuốc rheumatin từ rắn biển (công bố đầu tiên trên thế giới); các loại thuốc chữa mau lành vết thương từ rau má, các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu…

TS Kinh năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, đọc sách báo hàng ngày. Cháu chắt đủ cả, công việc cũng thoải mái, ông trở về làm bạn với thơ ca.

“Những lúc rảnh rỗi, bật ra được bài thơ, tôi vội ghi ngay vào trong sổ, đến nay cũng được dăm bài đọc cho vui mỗi khi khách đến” - nhà khoa học vui vẻ nói.

Theo Trần Thường

Cùng chuyên mục
XEM